Có tới 11 tập thơ in chung và in riêng đã lần lượt trình làng, Quang Chuyền, nhà thơ người lính này đã giành cho thơ sự gánh gồng thật đầy nặng và đậm “một không gian thơ” từ máu thịt với những chiến trường trận mạc, những hy sinh mất mát của bạn bầu, của dân tộc một thời thật oanh liệt, vẻ vang.
Có tới 11 tập thơ in chung và in riêng đã lần lượt trình làng, Quang Chuyền, nhà thơ người lính này đã giành cho thơ sự gánh gồng thật đầy nặng và đậm “một không gian thơ” từ máu thịt với những chiến trường trận mạc, những hy sinh mất mát của bạn bầu, của dân tộc một thời thật oanh liệt, vẻ vang.
Từ những năm 1969-1970 của thế kỷ trước, khi đang là phóng viên của Báo Sông Hồng, Quân khu Tả ngạn, tôi đã đọc Quang Chuyền và biết, chàng thi sĩ này đang là phóng viên của tờ Báo “Thông tin”, thuộc Bộ Tổng tư lệnh binh chủng Thông tin liên lạc.
Ngày ấy, người viết ít. Mỗi tác giả xuất hiện trên trang văn nghệ của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, báo Quân đội Nhân dân, báo Nhân dân, hay báo Tiền Phong, Phụ nữ… Tất cả đều in đậm sự trân trọng đón mừng cái mới mẻ, tươi xanh, trong cái nhớ, trong ấn tượng và tâm tình người đọc.
Quang Chuyền, chàng trai sinh ra và lớn lên ở làng Quan Tử, nơi ngã ba hạ lưu sông Lô và sông Đáy, đất trung du, Vĩnh Phúc. Năm hăm mốt, hăm hai tuổi, rời trường Sư phạm Việt Bắc vào quân đội. Rồi, gần bốn mươi năm hành trình trên con đường “đời lính với sự nghiệp văn chương, báo chí”… Để, Quang Chuyền - “con thuyền cuối đời” lại cập về bến đậu: Nơi Sài Gòn, đất nắng!
Có một quãng mờ xa tôi luôn đọc và quý yêu Quang Chuyền trong “kiến ảnh, “ít” kiến hình”. Mãi mùa thu năm Ất Dậu, 2005, tôi mới có duyên trong cái gặp và gắn bó với Quang Chuyền ở một chuyến đi dài.
Gần nửa tháng trời trong đoàn Nhà văn Việt Nam đi thăm và làm việc tại Bắc Kinh, Trung Quốc, Quang Chuyền “trở lại” trong tôi, trong tình cảm quý yêu của một thời cùng là người lính. Trong “tâm tưởng ngàn xưa”. Trong “cái thật”, “cái Có” bên mình. Một “Quang Chuyền, người bạn. Một Quang Chuyền nhà thơ, thật sự đáng yêu!”.
Ngắm nhìn Quang Chuyền trong nét trầm lặng đến mát lành, dễ ngỡ, anh là “người nhà Phật”. Với gương mặt vuông, phúc hậu. Ánh mắt hồn nhiên, trong trẻo, giọng rủ rỉ, nhẹ mềm… Có lẽ, không mấy ai gặp anh lại không đem lòng tin yêu rồi “mê” cái dung nhan dễ có sức “bỏ bùa” như thế.
Hình như, sự ăn khớp giữa hình thức và nội dung trong con người Quang Chuyền được sinh ra từ “duyên kiếp” nào ấy. Bạn đọc mấy ai biết, Trung tá, thi sĩ Quang Chuyền từng là Phó Tổng Biên tập tờ báo, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn. Với cuộc đời riêng, anh đã từng gánh chịu không ít gian lao. Hơn mười tuổi, Quang Chuyền mồ côi cha, một nhà Nho nghèo mới ngoài ba mươi tuổi. Nhà đông em. Từ bé, Quang Chuyền đã sớm phải ly hương, tự “thân lập thân,” vật mình làm lụng kiếm tiền giúp mẹ nuôi em và lo ăn học.
Quang Chuyền yêu văn chương và sáng tác những “bài thơ ngẫu hứng” từ những năm còn là cậu học trò của trường tiểu học. Năng khiếu “bút nghiên” làm Quang Chuyền sớm nổi tiếng từ khi còn là giáo sinh của một trường Sư phạm. Để rồi, từ một thầy giáo trẻ vừa mới ra trường, Quang Chuyền đã được chọn về công tác tại cơ quan của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Bắc.
Có chăng, một “ông Cao xanh” nào đó bắt Quang Chuyền, thi sĩ của nỗi niềm luôn phải gánh chịu một nỗi đau bên lòng canh cánh? Bởi, tự thiếu thời, người con trai tuổi Giáp Thân (1944) này, đã sớm mang nhiều nỗi gian lao. Bởi, khi tuổi đôi mươi vừa đến, một “tiền đầu bất lợi” của buổi đầu tiên khi nhịp cầu lứa đôi vừa bắc. Khi bồi hồi trước hạnh phúc của buổi tìm đến “người mộng mơ” để cùng nhau gửi trao “lời đính ước trăm năm”… Thì bỗng dưng, chao ôi! Người yêu thương của anh đột ngột qua đời.
Rồi sau đó, lại nữa! “Người tương phùng tri kỷ” cũng là “người hôm nay” đã và đang cùng anh đi trên đường cùng chung xây “tổ ấm” lại bỗng chốc bị tai nạn lao động, làm chấn thương phần não, sau mấy năm hai người vừa trao gửi lời yêu ...
Và như thế, một Quang Chuyền, người con trai họ Trần người làng Gốm. Một Quang Chuyền người lính. Một Quang Chuyền làm thơ… Thi sĩ Quang Chuyền đã ra đi từ mạch chảy này và làm nên một “dòng sông riêng anh” trong lặng thầm, xoáy xiết.
Trước ngoại giới, Quang Chuyền mang nội tâm đầy nặng một góc lòng. Nhưng, cái thuộc về “thời”. Cái giống như bao chàng trai thuở ấy, Quang Chuyền phải nén sâu bao nỗi tư riêng. Không gian rộng của một thời “nước nhà giặc dã” cũng chính là “không gian thơ” mà “Quang Chuyền nhà thơ”, “Quang Chuyền người lính” đã ý thức, đã biết quên đi cái quên, để “Biết” hướng về “cảm hứng rộng”, cảm hứng lớn lao của núi sông, dân tộc. Và như vậy, một tầng nổi. Một ngoại giới cần ôm chứa ở trang viết, ở cảm rung, ở nghĩ suy và trách nhiệm cao cả của nhà văn trước giá trị hữu ích. Mỗi câu thơ Quang Chuyền là sự tấp dồn của “cảnh và sự”.
Nhà thơ đi trong thời trận mạc này mải miết hành trình và tái tạo bóng hình thời cuộc. Những câu thơ bộn bề, thi liệu mang nhiều chất ký. Đây là “Điệp khúc đường hành quân đường núi”:
Núi
Núi lùi dưới chân
Núi
Núi chồng trước mặt
Súng đè vai nặng rát
Ba lô kéo giật lùi
…
Qua đỉnh dốc này rồi
Lại nhô lên đỉnh khác
Hay, khi nhà thơ đứng giữa chiến hào trong “Tiếng gọi tìm đồng đội”:
Đất ôm thân thể bạn tôi
Đất sinh cây cỏ che người gió sương …
Rồi:
Chiến trường Tây, chiến trường Đông
Sau bao trận đánh người không trở về
Hình như, thơ “một thời lính trận” của Quang Chuyền cứ dội lên từ cái gặp, cái thấy, cái ám ảnh thật khó vượt thoát trong máu thịt đời người. Thi sĩ rưng rưng khi “Trở lại cánh rừng”:
Đâu bãi khách trăng soi tìm mái lán
…
Bom phạt, cây tan, dép mũ lạc người
Cả bia mộ cũng lạc tên tuổi bạn
Chỉ đất còn lưu giữ dáng người thôi …
Hay, khi gặp miền đất đỏ, câu hỏi nhói lòng trong nỗi đau tâm tưởng:
Đất nhuộm chi đỏ thế
Lửa chiến tranh điêu tàn
Máu ai loang lòng đất
Chạm vào còn ấm ran
(Có một miền đất đỏ)
Rồi, cả khi “Đêm ngủ cùng bạn”, khi chiến tranh đã lùi xa, “cái khoắc khoải, chập chờn” vẫn hiện về trong ảo mờ, trong cái gần, hiện hữu:
Đêm phố phường bình yên
Sao lòng xao xác gió
Ngỡ rừng xưa bếp lửa
Cháy bập bùng sáng đêm
Rồi, khi tuổi đời đã trôi về “khoảng cuối mùa thu”, đã trút khỏi mình màu xanh quân phục, nhưng hình ảnh “lính” trong thơ Quang Chuyền vẫn tụ kết, vẫn rờn xanh nơi “Phố lính”:
Đi qua gieo neo
Tháng năm rừng rú
bây giờ ở phố
Có buồn có vui
Áo lính giăng phơi
Nói lời của lính…
Cuộc sống quen nghiêm
Nói gì cũng lệnh…
Có tới 11 tập thơ in chung và in riêng đã lần lượt trình làng, Quang Chuyền, nhà thơ người lính này đã giành cho thơ sự gánh gồng thật đầy nặng và đậm “một không gian thơ” từ máu thịt với những chiến trường trận mạc, những hy sinh mất mát của bạn bầu, của dân tộc một thời thật oanh liệt, vẻ vang. Những bài thơ hay, câu thơ hay của Quang Chuyền thật tươi xanh cảm xúc. Những gì là bề bộn, xương xẩu của “cảnh và sự”, khi bước vào thơ anh, bỗng lung linh, bỗng động lên, mang sức loang và gợi.
Cũng như thế hệ nhiều nhà thơ buổi ấy, “chất trữ tình công dân” trong thơ Quang Chuyền như ai từng “luận” đã lặn vào trong từng nét chìm khắc của tầng nổi, thuộc về khách thể.
Từ tập thơ đầu tay: “Đường qua kỷ niệm, Chùm quả đầu mùa" rồi “Khát, Hạt giống chim gieo, Trở lại cánh rừng, Chiều đi qua cửa, Mắt đêm, Khoảng cuối mùa thu, Lặng thầm, Sông gọi”… Quả thực, thơ Quang Chuyền khá nhìn rõ ở hai tầng, hai lối mở. Bên vệt dài, khá đậm ở một phía giàu trực giác, phía của “vô biên độ”. Đến tập thơ “Lục bát không mùa”, bến mở này làm dòng chảy “thơ Quang Chuyền” bỗng dưng vang động và đọng lắng ở một “kênh” tìm khác.
Có một Quang Chuyền thứ hai hay Quang Chuyền thứ nhất? Khi “nó là nó và đã khác nó”. Khi ta gặp một Quang Chuyền với sự ăn khớp nhiều hơn giữa “thơ và người thơ” trong cảm rung, trong suy tư, trải nghiệm. Một Quang Chuyền đằm say, nhân hậu. Một Quang Chuyền da diết, lặng sâu.
Quang Chuyền, lứa nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ. Với hàng chục thi phẩm và khá nhiều giải thưởng giành được từ các cuộc thi sáng tác văn học trên phạm vi cả nước. Nhưng, từ “Lục bát không mùa”, nhiều bạn đọc, bạn viết đã vui mừng đón nhận một Quang Chuyền thật ấn tượng và tâm huyết ở một tập thơ hay, ở thời gian dài vắng thưa, ít gặp ở thi đàn.
Tôi đã nhiều lần đọc đi đọc lại “Lục bát không mùa” để lần nữa ngắm nhìn trước mắt mình một Quang Chuyền, một giọt nắng trong xanh, ngơ ngác. Một tâm trạng với niềm yêu dễ quặn thắt, se lòng. Tôi từng bước lần theo Quang Chuyền để cùng thi nhân trầm tĩnh mà run rẩy, mà chầm vập trước bao nhiêu ngả đời, lối rẽ.
Nửa buồn chen lẫn nửa vui
Con sông nước chảy đầy vơi mấy chiều.
Rồi:
Nửa đêm nghe gió trở mùa
Nhớ thương hai nửa, lạnh lùa vào tim
Trăng mây nửa nổi, nửa chìm
Nửa đi xa khuất, nửa tìm bóng nhau …
Quả tình, Quang Chuyền, trái tim thi sĩ đã hoà vào thiên địa. Một khoảng sâu được dội lên từ “khoảng sâu” ở giữa chính hồn anh. Thật khó rành rọt định ra nơi gọi về cái nghĩ. Bởi, từ “sự đến tình”? Hay “cái tình” ở đây đã dội lên từ cái nhìn mà nhà thơ “tự thức”.
Ngả này về phía không em
Lỡ nhau từ thuở bạc tiền lên ngôi
Ngả này thăm thẳm mẹ ơi
Người đi để trống khoảng trời cho con
Rồi:
Tình yêu giờ khác tình yêu
Còn ai lấy nghĩa cô Kiều cân đong
Ơi nàng Tô Thị ngóng trông
Còn ai hoá đá chờ chồng như xưa …
Rõ ràng, ở “Lục bát không mùa”, nét trội vượt trong thơ Quang Chuyền đã quay về “mạch lắng”. Lấy “cõi sâu tự thân” làm đối tượng, làm “cái lõi” để khơi sâu, khám phá. Có cảm giác Quang Chuyền luôn chất chứa sầu đong. Bỏ qua quãng dài, thơ hành trình từ “lối rộng”, Quang Chuyền đã quay về, bám vào góc hẹp, một khoảng tối “vô thức” của lòng mình để gọi về cái rộng, cái mênh mông trong cái cảm có sức loang, sức thấm không cùng.
Ví như :
Tiếng chim lích chích bay chuyền
Dạt theo tiếng hót về miền vắng chim
Rồi,
Ai nghe tiếng vọng chuông lòng
Thường đêm đổ nhịp lẫn trong chuông chùa ..
Đấy là tâm trạng. Nỗi khắc khoải, ưu tư!
Còn đây, phải chăng là cái cảm nặng đằm về nỗi đời, thân phận?
Chuông ru
Ru xót xa người
Tìm trăng, trăng lặn, tìm trời, trời xa
Và,
Ngoài kia cơn gió tái tê
Đêm nay thổi trống lòng quê - Một người ...
Lục bát của Quang Chuyền thật điêu luyện và nhuyễn. “Gam tâm trạng” và giọng điệu mềm, sâu này làm nên sự kết tinh ở “Lục bát không mùa” một hiệu quả, hiệu ứng đa chiều, ám ảnh.
Quang Chuyền có nhiều câu thơ hay ở cảm xúc, ở nét tinh tế của cảm nhận tâm hồn. Ở sự phát hiện, ở cái đích dồn đẩy tới điểm nút của chiều sâu trong trải nghiệm, suy tư.
Bây giờ mỗi lần nhớ về Quang Chuyền, tôi thường ngân lên câu thơ anh viết:
Tôi từ ít nhớ, nhiều quên
Sân ga lẻ bóng, mình lên một tàu …
Vâng. Câu thơ lục bát thật hay. Rất Quang Chuyền. Nó hiện diện khá điển hình một Quang Chuyền thấp thoáng trong lặng trầm, hiền dịu. Trong nỗi niềm, cô đơn và kiêu hãnh nữa.
Quang Chuyền đã và đang hành trình từ những gì vọng vang của “con sông riêng mình”. Con sông đi từ làng Gốm, quê anh. Từ ngã ba sông Lô, sông Đáy, vùng trung du, Vĩnh Phúc đến Sài Gòn, “miền đất nắng” yêu thương.
Quê Trạng, Vĩnh Bảo - Hải Phòng, mùa Xuân, 2012
Kim Chuông
Nhà thơ Quang Chuyền sinh năm 1944 tại Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từng công tác tại Hội Văn nghệ Việt Bắc. Phó Tổng Biên tập Báo Thông tin. Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 596 (Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc). Hiện sống và viết tại thành phố Hồ Chí Minh. Đã in các tập thơ: Đường qua kỷ niệm, Chùm quả đầu mùa, Khoảng cuối mùa thu, Hạt giống chim gieo, Lặng thầm, Mắt đêm, Khát, Trở lại cánh rừng, Sông gọi, Chiều đi qua cửa, Lục bát không mùa. Giải thưởng: Giải Ba thơ Tạp chí VNQĐ, 2004; Giải Nhì thơ Binh chủng thông tin, Bộ Quốc Phòng; Giải Khuyến khích (Thơ phổ nhạc) cuộc thi 5 năm Bộ của Quốc phòng (2004-2009); Giải Nhì (không có giải Nhất) thơ Lục bát “Ngàn năm thương nhớ”của Báo Gia đình & Xã hội, Tuần Báo Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Giáo dục thời đại… |