• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Nam phát triển du lịch xanh

Du lịch 25/03/2022 20:55

(Tổ Quốc) - Với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” của Năm Du lịch quốc gia 2022, tỉnh Quảng Nam chọn du lịch xanh làm hướng đi để phục hồi ngành du lịch, lấy lại đà tăng trưởng sau 2 năm bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19.

Theo đó, tất cả các hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2022 của tỉnh Quảng Nam đều dựa vào các tiêu chí của du lịch xanh, bảo vệ môi trường sinh thái, ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế, hạn chế tối đa phát thải, quyết tâm đưa địa phương này sớm trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước.

Làng rau làm du lịch

Cùng với làng rau Trà Quế, vườn rau hữu cơ Thanh Đông (thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) là điểm đến hút du khách với các trải nghiệm làm nông dân, chợ phiên và học nấu ăn.

Thời điểm trước đại dịch COVID-19, mỗi tháng có khoảng 200 du khách trong nước và quốc tế đến tham quan vườn. Lúc đó, nông dân vừa sản xuất để cung cấp rau ra thị trường, vừa tất bật làm du lịch. Mỗi nông dân đều trở thành hướng dẫn viên, vừa giới thiệu với khách về quy trình sản xuất rau hữu cơ, vừa tự chèo thuyền thúng đưa đón khách...

Bà Đinh Thị Miễn (68 tuổi, thôn Thanh Đông) kể, hồi chưa có COVID-19, rất đông du khách tới tham quan vườn rau, trải nghiệm trồng và thu hoạch rau... Mỗi tháng bà có thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng.

Đại dịch xảy ra, vườn rau vắng bóng du khách. Các thuyền thúng và mái chèo xếp lại. Thu nhập của hai vợ chồng bà Miễn cộng lại cũng chỉ 4-5 triệu đồng. Nay tỉnh Quảng Nam có chủ trương thúc đẩy du lịch xanh và Hội An rộn ràng đón khách trở lại, bà mừng lắm.

Làm nghề trồng rau suốt 6 năm nay, bà Miễn đã chứng kiến vườn rau hữu cơ Thanh Đông phát triển mạnh mẽ, nông dân ăn nên làm ra, và cũng chứng kiến những ngày tháng phải niêm yết thông báo đóng cửa để phòng, chống dịch bệnh.

"Tôi chăm vườn rau 400m2 của mình và vừa nhận thêm vườn rau 500m2 nữa, trồng đủ loại: húng, quế, tía tô, cải, ớt, cà… theo hai phương pháp cơ bản là luân canh - xen canh và đa dạng cây trồng. Tất cả các loại đều được bón bằng phân hữu cơ", bà Miễn chia sẻ khi biết thông tin địa phương chào đón du khách trở lại. Mới đây, gia đình bà Miễn trồng thêm một số loại hoa dẫn dụ, đồng thời tạo phong cảnh đẹp để du khách chụp ảnh.

Quảng Nam phát triển du lịch xanh  - Ảnh 1.

Bà Đinh Thị Miễn và nhiều người dân ở Thanh Đông trồng hoa dẫn dụ, đồng thời tạo phong cảnh đẹp để du khách chụp ảnh

Quảng Nam phát triển du lịch xanh  - Ảnh 2.

Trước thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, vườn rau hữu cơ Thanh Đông thu hút rất đông du khách tham quan, trải nghiệm.

Ông Nguyễn Văn Chức (66 tuổi), quản lý Hợp tác xã (HTX) rau hữu cơ và du lịch Thanh Đông cho biết, HTX có hơn 10 hộ trồng rau. Trước thời điểm COVID-19, các công ty lữ hành tới làm việc với HTX rồi đưa khách đến tham quan, trải nghiệm. Nông dân giới thiệu, hướng dẫn cho khách trải nghiệm "làm nông dân", nghĩa là khách học cách làm đất, gieo hạt giống…

"Vừa rồi có một số đơn vị lữ hành đến khảo sát, chuẩn bị đưa khách tới tham quan, trải nghiệm. Mong các ngành chức năng cùng phối hợp để vừa đón khách, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch vì đa số nông dân trồng rau đều lớn tuổi", ông Chức nói.

Hướng đi bền vững

Quảng Nam giàu tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, di sản để phát triển du lịch. Địa phương này sở hữu hai di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn; ngoài ra còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - nghệ thuật Bài chòi...

Nhiều năm qua, Quảng Nam phát triển các làng nghề gắn với du lịch như rừng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà (Hội An); làng du lịch cộng đồng Mỹ Sơn (Duy Xuyên)…

Được biết, với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" của Năm Du lịch quốc gia 2022, Quảng Nam xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới như sản phẩm du lịch trải nghiệm sâm Ngọc Linh (Nam Trà My); lễ hội trái cây (Tiên Phước); Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú - Gò Nổi (Điện Bàn); du lịch sinh thái, gắn với cuộc sống văn hóa đồng bào dân tộc ở Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang…

Đặc biệt, tại Hội An, đồng hành với chính quyền, cộng đồng du lịch đã góp phần xây dựng một di sản văn hóa thế giới thân thiện với môi trường bằng những ống hút làm bằng gạo, ly giấy; phân loại rác…

Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (đến từ Hà Nội) bày tỏ ấn tượng trước nhiều hoạt động vì môi trường diễn ra ở Hội An, như sự kiện "Nghệ thuật vì môi trường" hồi tháng 2 vừa qua, mang đến thông điệp bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa và chống biến đổi khí hậu.

Chị Huyền bày tỏ: "Tôi mong có nhiều hoạt động như thế ở Hội An và các tỉnh, thành trên cả nước. Phát triển du lịch xanh là "chìa khóa" để phát triển du lịch có trách nhiệm, bảo đảm du lịch bền vững".

Quảng Nam phát triển du lịch xanh  - Ảnh 3.

Quảng Nam phát triển du lịch xanh - hướng đi bền vững. Trong ảnh du khách quốc tế thoải mái đạp xe giữa đồng lúa xanh ở Hội An vào tháng 3/2020.

Để Quảng Nam sớm trở thành trung tâm du lịch xanh của cả nước, UBND tỉnh đã chính thức ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh. Theo đó, có 6 bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho các loại hình khách sạn (9 chủ đề), homestay (10 chủ đề), khu nghỉ dưỡng (10 chủ đề), doanh nghiệp lữ hành (5 chủ đề), điểm du lịch dựa vào cộng đồng (9 chủ đề) và điểm tham quan (11 chủ đề), áp dụng từ năm 2022-2025.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho biết, du lịch xanh dựa trên tài nguyên về văn hóa, di sản. Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch về chiến lược phát triển du lịch xanh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Năm Du lịch quốc gia 2022 chọn chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" khẳng định hướng đi bền vững hơn trong phát triển du lịch, tập trung chất lượng các sản phẩm du lịch hơn.

"Tất cả không gian du lịch, sản phẩm du lịch đều hướng đến du lịch xanh: Xanh về môi trường, xanh về cảnh quan sinh thái, xanh trong ứng xử giữa con người với tự nhiên, giữa con người với nhau", ông Lanh nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam, du lịch xanh là hướng đi phù hợp để phục hồi và kích cầu du lịch sau hai năm ảnh hưởng COVID-19. Năm Du lịch quốc gia 2022 là cơ hội vàng để ngành du lịch phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cũng cho hay, ngành du lịch Quảng Nam phấn đấu đón 4,2 triệu lượt khách tham quan và lưu trú trong năm 2022, trong đó có khoảng 1,7 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 6.000 tỉ đồng; phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 12 triệu lượt khách nội địa và quốc tế.

Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2022 với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh" diễn ra tại Đảo Ký ức Hội An (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) vào tối 26/3.

10 hoạt động diễn ra trong khuôn khổ lễ khai mạc gồm: Tour trải nghiệm các sản phẩm du lịch xanh tỉnh Quảng Nam; khai trương Làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, Gò Nổi, thị xã Điện Bàn; chương trình "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại"; chương trình "Nét xưa phố Hội"; ngày hội khinh khí cầu; hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa lễ hội; hội thảo phát triển du lịch xanh, công bố tuần du lịch xanh và bộ tiêu chí du lịch xanh; giải golf thường niên tỉnh Quảng Nam năm 2022; lễ phát động và giải chạy dành cho học sinh, sinh viên "S-Race 2022" và hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ.

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ