• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Nam: Quy hoạch 15.000ha trồng sâm Ngọc Linh

Kinh tế 02/08/2022 14:10

(Tổ Quốc) - Hiện nay, tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000 ha; đã thực hiện bảo tồn được 100 ha, tương đương với 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.500ha với hơn 1.250 hộ tham gia…

Đó là chia sẻ của ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) tại lễ khai mạc Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV với chủ đề "Ngọc Linh mời gọi" vào tối 1/8.

Quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000 ha - Ảnh 1.

Lễ cúng thần sâm trước khi khai hội.

Ông Trần Duy Dũng cho biết, Lễ hội sâm Ngọc Linh diễn ra đến ngày 3/8, mục đích nhằm quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước một loại cây dược liệu quý, hiếm của nước ta, đó là cây sâm Ngọc Linh – sâm Việt Nam; đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada…

"Sự kiện lần này gồm nhiều hoạt động: giao thương, văn hóa văn nghệ, các trò chơi dân gian đặc trưng của đồng bào. Đây là cơ hội quảng bá du lịch và thu hút đầu tư cho ngành dược liệu, nông nghiệp sạch của Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Việc tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh đã đáp ứng lòng mong đợi, sự kỳ vọng của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện và bạn bè gần xa, thể hiện sự đổi mới trong cách nghĩ, cách làm về tổ chức sự kiện, về xây dựng thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu sản phẩm quốc gia", ông Trần Duy Dũng nói.

Quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000 ha - Ảnh 2.

Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV có 30 gian hàng trưng bày, bán sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản đặc trưng của huyện Nam Trà My cho du khách.

Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, hiện nay, tại huyện Nam Trà My diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000 ha; đã thực hiện bảo tồn được 100 ha, tương đương với 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.500ha với hơn 1.250 hộ tham gia; giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm.

Đồng bào trồng sâm trên địa bàn huyện đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.

Chia sẻ tại lễ khai mạc, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam năm 2022, là sự kiện có ý nghĩa to lớn phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân huyện Nam Trà My nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. Đồng thời giới thiệu đến bạn bè trong nước và ngoài nước biết đến cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam đó là sâm Ngọc Linh.

Quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000 ha - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị huyện Nam Trà My cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân bảo tồn và phát triển giống sâm Ngọc Linh và không du nhập các loại giống sâm khác vào trồng trên địa bàn và phát hiện tố giác đấu tranh có hành vi gian dối, trục lợi bất chính trong việc tạo giống, trồng và buôn bán giả sâm Ngọc Linh, góp phần bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam). Đồng thời, tận dụng lợi thế về cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh để tập trung phát triển du lịch sinh thái, nhất là du lịch sâm quốc gia…

Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ IV có 30 gian hàng trưng bày, bán sâm Ngọc Linh, dược liệu và hàng nông sản đặc trưng của huyện Nam Trà My cho du khách. Ngoài ra, lễ hội còn giới thiệu với du khách các sản phẩm OCOOP đặc trưng của huyện để du khách lựa chọn mua về sử dụng và làm quà cho người thân và bạn bè.

Cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) có từ bao đời nay tại vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện TuMơRông tỉnh Kon Tum. Là một loại cây dược liệu đặc biệt quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích, được xem là vàng xanh.

Tháng 6 năm 2017, Sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia và Quốc hội đưa cây sâm Ngọc Linh vào loại cây trồng chủ lực trong Khung chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại tỉnh Quảng Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh.


Hương An

NỔI BẬT TRANG CHỦ