• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Nam sẽ thực hiện công tác rà phá bom, mìn trên diện tích còn lại của Khu Di tích Mỹ Sơn

Văn hoá 03/01/2019 08:22

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quyết định số 3935/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Khu Di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2030.

Quảng Nam sẽ thực hiện công tác rà phá bom, mìn trên diện tích còn lại của Khu Di tích Mỹ Sơn - Ảnh 1.

Khu Di tích Mỹ Sơn. Ảnh: quangnamtourism.com.vn

Kế hoạch được ban hành với mục tiêu bảo vệ tính nguyên vẹn, tính xác thực, các giá trị nổi bật toàn cầu, cảnh quan văn hóa; duy trì và phát triển bền vững các giá trị văn hóa lịch sử, khảo cổ, cảnh quan, môi trường của Khu Di tích Mỹ Sơn.

Qua đó cũng nhằm giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá và phát huy tầm quan trọng, các giá trị nổi bật toàn cầu của Khu Di tích Mỹ Sơn; Gắn kết Khu Di tích Mỹ Sơn với cuộc sống của cộng đồng dân cư tại địa phương, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản.

Theo đó, Kế hoạch đã đề ra 5 nhóm giải pháp chính, cụ thể:

Đối với nhóm giải pháp bảo tồn, tu bổ và phục hồi di tích: Triển khai thực hiện công tác rà phá bom, mìn trên diện tích còn lại của Khu Di tích Mỹ Sơn, trong đó quy định độ sâu an toàn cho từng khu vực cụ thể; Triển khai khảo sát, đo đạc, đánh giá mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng đối với môi trường tự nhiên gây ra bởi các chất hóa học, các loại vũ khí còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh, từ đó lập phương án xử lý thích hợp.

Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ thuật và vật liệu gốc, tìm kiếm các vật liệu tương đương với vật liệu gốc của di tích để thay thế; Triển khai thực hiện các giải pháp như gia cố, tái định vị, khôi phục từng phần, tái sử dụng vật liệu gốc, phục chế vật liệu thay thế... trên cơ sở căn cứ vào đặc điểm, hiện trạng thực tế của từng di tích; Thám sát khảo cổ, lập hồ sơ di tích, bảo tồn nền móng và dựng bia, biển để giới thiệu đối với các công trình, hiện vật đã bị mất, không xác định được vị trí cũ hoặc chỉ còn lại vết tích.

Ngoài ra, triển khai các biện pháp bảo quản di tích như diệt cây cỏ, diệt nấm mốc, làm kín các loại vết nứt trên bề mặt, bảo quản bề mặt... trên cơ sở căn cứ vào đặc điểm, hiện trạng thực tế của từng di tích.

Nhóm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể: Bước đầu nghiên cứu, sưu tầm phục dựng một số nghi lễ cổ trong Khu Di tích Mỹ Sơn như các điệu múa, các nghi lễ cúng tế… nhằm giới thiệu tới đông đảo công chúng; Tìm hiểu, khôi phục một số nghề truyền thống của dân tộc Chăm như làm gốm, điêu khắc đá, dệt vải; tổ chức sản xuất và giới thiệu sản phẩm đến với du khách; Lập mô hình thu nhỏ, sử dụng công nghệ thông tin mô phỏng lại các di tích bằng các hình ảnh ba chiều để du khách có thể hình dung đầy đủ tổng thể về Khu Di tích Mỹ Sơn; Trưng bày, phổ biến các tư liệu về lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc của Khu Di tích Mỹ Sơn và nền văn hóa Chăm; Tổ chức các cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về Mỹ Sơn và nền văn hóa Chăm; Tổ chức các hoạt động văn hóa biểu diễn nghệ thuật dân tộc Chăm.

Nhóm giải pháp bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, môi trường, cảnh quan thiên nhiên gắn liền với di tích: Triển khai các hoạt động giảm thiểu nhân tố ảnh hưởng về sức ép môi trường tới khu di sản; Tổ chức lập phương án và triển khai quy hoạch bảo tồn cảnh quan cây xanh phù hợp trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm. Trồng các loại cây đặc trưng của đền - tháp Chămpa, các loại cây đặc trưng của rừng tự nhiên, các loại cây bản địa; Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực trồng và bảo vệ rừng, gắn công tác bảo vệ môi trường với việc quản lý lĩnh vực lâm nghiệp, phòng cháy và chữa cháy rừng nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học trong các khu rừng, gìn giữ tối đa diện tích rừng tự nhiên. Nhóm giải pháp khoanh vùng bảo vệ: Trong khu vực di sản thế giới và vùng đệm, thường xuyên giám sát các hoạt động khai thác lâm sản, trồng, khai thác rừng, làm than củi… của người dân. Kiểm tra định kỳ thực địa để kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm, hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân…

Đồng thời, nghiên cứu, điều chỉnh khoanh vùng các điểm di tích và cụm di tích liên quan trong khu di sản, tiến tới xây dựng hồ sơ mở rộng Khu Di tích Mỹ Sơn trình UNESCO công nhận lần 2 là Di sản Văn hóa Thế giới nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của di sản. Xây dựng bản đồ GIS về khoanh vùng bảo vệ các điểm di tích để tích hợp vào hệ thống dữ liệu của tỉnh Quảng Nam, tạo điều kiện cho 4 việc tìm hiểu thông tin về Khu Di tích Mỹ Sơn và hỗ trợ công tác quản lý khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản; Thường xuyên giám sát hoạt động xây dựng, cải tạo công trình dân dụng hoặc hạ tầng kỹ thuật trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di sản.

Nhóm giải pháp về phát huy giá trị Khu Di tích Mỹ Sơn gắn với phát triển du lịch: Nghiên cứu và triển khai công tác quy hoạch khai thác du lịch ở Khu Di tích Mỹ Sơn theo Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 – 2020; Xây dựng và đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ theo hướng phát triển du lịch bền vững; Triển khai các chương trình, dự án nhằm khai thác tốt tiềm năng ở khu vực thuộc vùng đệm hoặc kế cận di sản theo hướng phát triển du lịch bền vững; Tổ chức tuyên truyền giới thiệu các giá trị di sản, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng tham gia bảo vệ và phát huy giá trị Khu Di tích Mỹ Sơn.

Tiếp đến, giai đoạn sau 2020, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ xem xét, ban hành kế hoạch hành động cụ thể cho giai đoạn từ 2021 - 2025 và giai đoạn từ 2026 - 2030 phù hợp với các mục tiêu và chiến lược lâu dài đặt ra trong Kế hoạch quản lý.

Lan Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ