• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Nam tìm giải pháp phát triển du lịch biển

Thực hiện: Đức Hoàng | 21/07/2023

(Tổ Quốc) - 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Song, việc khai thác du lịch biển ở tỉnh Quảng Nam chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung ở TP. Hội An…

Hội thảo "Phát triển du lịch biển Quảng Nam" và gặp gỡ doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vừa diễn ra tại TP. Hội An đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý trong việc tìm giải pháp để phát triển du lịch biển bền vững. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và khoảng 50 doanh nghiệp du lịch.

Khai thác du lịch biển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương này có hơn 125km chiều dài bờ biển với nhiều bãi tắm đẹp, nổi tiếng như: Cửa Đại, An Bàng, Hà My, Tam Thanh, Bãi Rạng, Tam Tiến, cùng một số các hòn đảo lớn và nhỏ gần bờ… Đây là nguồn tài nguyên rất lớn hỗ trợ phát triển du lịch biển, đảo của tỉnh.

"Tuy nhiên, khai thác du lịch biển của tỉnh Quảng Nam thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại TP. Hội An. Việc phát huy, khai thác giá trị tài nguyên cho các hoạt động du lịch biển chỉ dừng ở khai thác ven bờ. Các hoạt động du lịch bổ sung, bổ trợ cho nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển chưa nhiều. Các sản phẩm du lịch như thể thao biển chưa được phát triển. Công tác bảo tồn tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch vùng ven biển chưa được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững…", ông Sơn nói.

Quảng Nam tìm giải pháp phát triển du lịch biển  - Ảnh 1.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam.

Ông Sơn nêu một nguyên nhân khác là biến đổi khí hậu, thiên tai gây bất lợi cho việc phát triển của sản phẩm du lịch biển, đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ cho công tác khôi phục và bảo tồn các tài nguyên du lịch ven biển.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các ngành trong xây dựng các chính sách phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ từ xây dựng quy hoạch, ban hành cơ chế, chính sách, đến hướng dẫn thực hiện pháp luật liên quan phát triển du lịch biển. Nhận thức về bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa của các doanh nghiệp, du khách và cộng đồng dân cư chưa cao. Hoạt động phát triển du lịch biển của cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu tính liên kết, thiếu đầu tư. Những bất cập về quy hoạch, hạ tầng du lịch biển chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh du lịch biển.

Doanh nghiệp gặp khó

Năm 2023, ngành du lịch của tỉnh Quảng Nam ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan với số lượng lượt khách đến tham quan, du lịch tại tỉnh tăng so với năm 2022.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt hơn 4,5 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, khách quốc tế ước đạt gần 2,1 triệu lượt, khách nội địa đạt 2.475.000 lượt.

Doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 10.810 tỷ đồng.

Theo đánh giá, hoạt động du lịch cơ bản được phục hồi, nhưng thị trường khách du lịch quốc tế chưa phục hồi mạnh mẽ, mức chi tiêu của khách nội địa còn thấp.

Doanh nghiệp du lịch hiện nay vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh và phát triển sản phẩm do các quy định về lãi suất vay, bảo hiểm, thuế; các quy định về thuê đất, thủ tục đầu tư; quy định về phòng cháy chữa cháy; quy định về hoạt động ban đêm...

Một số đại diện doanh nghiệp cũng dẫn chứng về khó khăn trong quy trình đầu tư sản phẩm thể thao biển, hay khoảng cách trong việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch biển…

Quảng Nam tìm giải pháp phát triển du lịch biển  - Ảnh 2.

Khai thác du lịch biển của tỉnh Quảng Nam thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Hoạt động du lịch biển chủ yếu tập trung tại TP. Hội An.

Lý giải về khó khăn của doanh nghiệp khi tiếp cận, phát triển các sản phẩm thể thao biển, ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam cho biết, theo quy định hiện nay, nguyên tắc hoạt động vui chơi giải trí dưới nước là không dễ dàng, nhiều quy định đòi hỏi phải tuân thủ theo tính pháp lý.

Báo cáo của Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam cũng nhận định: Đa số các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ; hoạt động lữ hành tuy đã có bước chuyển biến nhưng phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn khách, chưa vươn ra được thị trường các nước.

"Nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ nên chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là lao động cấp quản lý trong các doanh nghiệp lớn", báo cáo nêu rõ.

Xây dựng lễ hội mang tính cộng đồng

Tại hội thảo, ông La Thành - Tổng quản lý Little Hội An Group chia sẻ: "Là đơn vị trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các công ty du lịch đối tác nước ngoài đưa khách đến Hội An, chúng tôi nhận thấy cứ nói du lịch biển thì họ sẽ nghĩ đến Đà Nẵng hơn là Hội An. Nhắc đến Hội An thì họ mặc định là phố cổ. Điều này rất đáng tiếc, bởi Hội An không chỉ có phố cổ mà còn có biển, có show nghệ thuật, các hoạt động văn hóa".

Ông Thành đề xuất Hội An xây dựng lễ hội mang tính cộng đồng tầm cỡ quốc tế như cách mà TP. Đà Nẵng đã thành công với Lễ hội Pháo hoa quốc tế (DIFF). Không phải du khách nào cũng mua vé xem trình diễn pháo hoa; họ chọn địa điểm xem pháo hoa là ở bờ sông, hoặc ở những nơi đông đúc, nhộn nhịp khác…

"Chúng tôi đề xuất một lễ hội mang tính cộng đồng dựa vào nền tảng văn hóa Hội An, chẳng hạn tổ chức lễ hội lồng đèn trong 1 tháng, xuyên suốt mùa Trung thu. Lễ hội này diễn ra hằng năm tập hợp nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí mang tính cộng đồng thì sẽ thu hút du khách trong nước và quốc tế", ông Thành nói.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cũng cho rằng, các đơn vị du lịch nên mạnh dạn đầu tư tàu thủy du lịch; tập trung vào yếu tố đặc biệt của xứ Quảng là hệ sinh thái di sản đa dạng gồm 3 yếu tố nền tảng "văn hóa - thiên nhiên - con người" và những cụm du lịch cộng đồng đặc sắc.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng, ngành du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng nên có sự thống nhất “hai địa phương - một điểm đến” với nền tảng tài nguyên di sản biển, di sản văn hóa và hạ tầng đô thị sinh thái. Đây là sẽ lợi thế cạnh tranh của du lịch biển xứ Quảng với những điểm đến khác. Đặc biệt, trong bối cảnh tuyến du lịch đường thủy Đà Nẵng - Lý Sơn sẽ tái khai trương trong tháng 8, có thể nghiên cứu đưa Cù Lao Chàm vào tuyến này để tạo nên sản phẩm độc đáo.

Quảng Nam tìm giải pháp phát triển du lịch biển  - Ảnh 3.

Du khách quốc tế vui chơi, tắm biển Quảng Nam.

Chủ trì hội thảo, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận, đánh giá các những kết quả đạt được của ngành du lịch, đồng thời chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch.

Ông Bửu đề nghị các cơ quan chức năng và các địa phương tập trung triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, vay, bảo hiểm; xem xét cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động thể thao, du lịch gắn với biển, các hoạt động thể thao dưới nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở VHTTDL tỉnh tăng cường phối hợp, liên kết trong quản lý và phát triển du lịch, trong đó đẩy mạnh phát triển và khai thác các loại hình sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp, du lịch tham quan kết hợp hội thảo, mua sắm…

NỔI BẬT TRANG CHỦ