• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quảng Ngãi tìm giải pháp tối ưu thay thế nhận chìm vật chất nạo vét

Kinh tế 30/03/2019 08:55

(Tổ Quốc) - Trước những băn khoăn, lo lắng của dự luận và người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động giao các cơ quan chức năng tìm giải pháp tối ưu hơn, thay thế cho việc nhận chìm vật chất từ quá trình nạo vét cảng. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã trực tiếp khảo sát hiện trường và làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh.

Được biết, ngày 21/2/2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Quý Kiên ký Giấy phép nhận chìm ở biển số 372/GP-BTNMT, cho phép Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) được nhận chìm vật chất nạo vét cảng chuyên dùng Hòa Phát - Dung Quất, phục vụ cho Dự án Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. 

Khối lượng vật chất được nạo vét tại cảng gần 15,4 triệu mét khối, bao gồm 86,4% cát nhiễm mặn, 13,6% bùn sét. Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Địa điểm khu vực nhận chìm rộng 180 ha, thuộc vùng biển Dung Quất cách bờ biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng bảy km, vật chất được tàu hút bụng xả đáy tự hành thả từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50 mét.

Quảng Ngãi tìm giải pháp tối ưu thay thế nhận chìm vật chất nạo vét - Ảnh 1.

Tàu hút cát công suất lớn phun lên bờ ở vị trí xa vài km sẵn sang hoạt động.

Giấy phép nhận chìm ở biển nêu rõ: "Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí, thành phần vật chất không đúng theo Giấy phép; một trong các thông số giám sát môi trường vượt quá giới hạn cho phép, thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật".

Theo kỹ sư hàng hải Trương Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Phúc Hoàng Ngọc, với tỷ lệ 13,6% vật chất bùn sét, tương đương hơn hai triệu mét khối là vô cùng lớn. Khi các tàu xả vật chất từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50 mét, quá trình rơi trong nước biển, với dao động của sóng, tác động của dòng hải lưu và nước từ cửa sông Trà Bồng đổ ra, gần như toàn bộ bùn sét sẽ hòa tan trong nước biển, giả sử chỉ ở tỷ lệ 5% trong nước, sẽ là 40 triệu mét khối nước biển bị vẩn đục, ô nhiễm. 

Và như vậy, không chỉ vùng biển Bình Sơn, mà cả Lý Sơn, rồi tiếp đó là các vùng biển phía nam Bình Sơn sẽ bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến việc đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản ven bờ không chỉ Quảng Ngãi, mà cả Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cũng có thể bị ảnh hưởng.

Quảng Ngãi tìm giải pháp tối ưu thay thế nhận chìm vật chất nạo vét - Ảnh 2.

Cát, bùn đất nhiễm mặn được phun lên bờ, hạn chế ô nhiễm môi trường biển.

Trước đó, năm 2017, Dự án nhấn chìm gần một triệu m3 vật chất nạo vét vũng quay tàu và bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận cũng đã được cấp phép. Dư luận, người dân vùng dự án phản ánh mạnh mẽ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo xem xét đánh giá toàn diện tác động môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường trong việc nhận chìm một triệu m3 vật chất nạo vét, buộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Bình Thuận cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan đi đến thỏa thuận, thống nhất không nhận chìm gần một triệu mét khối bùn cát nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, Bình Thuận. 

Vụ việc trên trở thành một trong 10 sự kiện môi trường nổi bật trong năm 2017. Vì thế, việc nhấn chìm 15 triệu mét khối vật chất, trong đó có hơn hai triệu khối bùn sét là ô nhiễm gần như không tránh khỏi. Bí thư Huyện ủy Bình Sơn (Quảng Ngãi) Hà Thị Anh Thư chia sẻ: Vấn đề nhấn chìm vật chất xuống biển là rất nhạy cảm, dư luận và bà con nhân dân rất quan tâm vì sẽ tác động không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của ngư dân ven biển. 

Anh Phạm Kiều Huy, ngư dân xã Bình Đông (Bình Sơn, Quảng Ngãi) lo lắng: Hồi đầu tháng 10 năm ngoái, chỉ một số tàu nhỏ hút cát, xả bùn tại khu vực cảng Dung Quất, dã khiến gần 100 lồng nuôi cá của ngư dân gần đó chết đồng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, và nhà nước đã phải hỗ trợ hơn bảy tỷ đồng để bà còn chuyển đổi ngành nghề hoặc di chuyển lồng bè đến khu vực khác.

Quảng Ngãi tìm giải pháp tối ưu thay thế nhận chìm vật chất nạo vét - Ảnh 3.

Liên hợp sản xuất thép Hòa Phát đang khẩn trương thi công.

Trước những băn khoăn, lo lắng của dự luận và người dân, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động giao các cơ quan chức năng tìm giải pháp tối ưu hơn, thay thế cho việc nhận chìm vật chất từ quá trình nạo vét cảng. Đích thân Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã trực tiếp đi khảo sát hiện trường và làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh.

Theo ông Lê Viết Chữ, hướng xử lý hiệu quả nhất là tận dụng khối lượng cát nhiễm mặn trong quá trình nạo vét, nâng cấp luồng tàu vào cảng Hòa Phát Dung Quất để san lấp một số vị trí dự án đã được quy hoạch tại Khu kinh tế Dung Quất. Cơ sở để thực hiện là Quyết định số 439 ngày 27-02-2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án "Nâng cấp và mở rộng  Nhà máy lọc dầu Dung Quất", tại điểm e, khoản 3, Điều 1 ghi rõ: Tiếp tục tìm kiếm các giải pháp khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật để giải quyết vật chất nạo vét phát sinh từ quá trình cải tạo, nâng cấp cảng xuất sản phẩm; chỉ thực hiện việc nhận chìm khi không có giải pháp khác". Và cũng theo Quyết định này, toàn bộ vật chất nạo vét của dự án này "tối đa 1,68 triệu mét khối".

Trong lúc đó, ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết: Qua khảo sát thực địa, tại KKT Dung Quất đang triển khai một số dự án với tổng diện tích lên đến hàng trăm ha ở vùng trũng sâu, nhiễm mặn ven sông, ven biển, với độ sâu cần san lấp từ năm đến bảy mét, cần một khối lượng lớn vật liệu san lấp mặt bằng. 

Vì vậy, việc tận dụng vật chất nạo vét từ các luồng cảng dự án thép Hòa Phát, nhà máy Lọc dầu hay cảng Hào Hưng là hợp lý và hiệu quả hơn nhiều. Ưu điểm của phương án thay thế việc nhận chìm bằng tận dụng cát, bùn sét nhiễm mặn để san lấp mặt bằng là cát nhiễm mặn cũng là tài nguyên khoáng sản nên phải được tận dụng tối đa, tránh lãng phí; Việc tận dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu cát nhiễm mặn để san lấp mặt bằng cho các dự án có địa hình trũng sâu sẽ hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý môi trường sẽ dễ hơn đối với việc nhận chìm ở biển, góp phần tăng nguồn thu từ thuế tài nguyên, tiết kiệm thời gian và giảm chi phí cho nhà đầu tư khi phải nhận chìm ở biển; Đồng thời, bảo đảm nhu cầu về vật liệu san lấp mặt bằng cho các nhà đầu tư khác đã ký đầu tư vào KKT Dung Quất.

Quảng Ngãi tìm giải pháp tối ưu thay thế nhận chìm vật chất nạo vét - Ảnh 4.

Cảng chuyên dùng của nhà máy thép Hòa Phát cần được nạo vét sớm.

Ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi thông tin, ngoài các khu vực dự án vùng trũng sâu, nhiễm mặn đã được các nhà đầu tư đăng ký, dọc hai bờ sông Trà Bồng từ cửa biển vào sâu trong đất liền gần 10km có rất nhiều khu vực trước đây là hồ nuôi tôm của người dân, nhưng những năm gần đây sản xuất không hiệu quả, đất nhiễm mặn không trồng trọt được nên người dân bỏ hoang, với diện tích cũng gần 100 ha. Những vị trí này đều nằm trong KKT Dung Quất và được phép triển khai các dự án về công nghiệp sạch, du lịch hoặc đô thị, khu dân cư… Nếu UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép san lấp bằng vật chất nạo vét từ cảng biển là rất an toàn, hiệu quả, khi có thể giải quyết từ 50 đến 70% lượng cát nhiễm mặn được nạo vét. Vừa giải quyết bài toán kinh tế cho chủ đầu tư, cho địa phương, vừa bảo đảm cuộc sống người dân các xã ven biển của huyện Bình Sơn.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND huyện Bình Sơn đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số dự án trong KKT Dung Quất, nhất là dự án vùng trũng thấp, nhiễm mặn. Đồng thời đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chấp thuận việc sử dụng cát nhiễm mặn từ quá trình nạo vét cảng để san lấp mặt bằng ở những vùng trũng sâu, nhiễm mặn theo đúng quy định. 

Hoài Thương

NỔI BẬT TRANG CHỦ