(Tổ Quốc) - Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên vô cùng quý giá, gắn với phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tối 28/10, tại TP. Hạ Long, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 - 30/10/2023), với chủ đề "Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại".
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước nêu rõ, Quảng Ninh - địa đầu Tổ quốc; nơi có dòng sông Bạch Đằng, ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc với ba lần chiến thắng quân xâm lược. Quảng Ninh - Vùng mỏ, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam và ngành công nghiệp khai khoáng; nơi khởi đầu của phong trào "vô sản hóa". Quảng Ninh tự hào có Vịnh Hạ Long hùng vĩ và thơ mộng, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới; có Yên Tử - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm, gắn liền với tên tuổi Vua Trần Nhân Tông - nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Cùng với đó là hệ thống danh lam, thắng cảnh, lễ hội truyền thống độc đáo, đa sắc màu.
Trải qua những năm tháng oanh liệt xây dựng và bảo vệ quê hương, đồng bào các dân tộc Quảng Ninh và những người công nhân mỏ, thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước, đã xây dựng nên truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, bất khuất, kiên cường, dũng cảm của con người và quê hương Quảng Ninh.
Ngay sau khi được thành lập (30/10/1963), Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã phát huy sức mạnh của vùng Đông Bắc rộng lớn, cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho miền Nam đấu tranh giải phóng dân tộc.
Bước vào giai đoạn cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là khi bước vào thời kỳ Đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục nêu cao truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Quảng Ninh luôn gắn kết chặt chẽ, hài hòa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, với nhiều chủ trương, chính sách mang tính vượt trội so với nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt chú trọng tới khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các giá trị lịch sử, văn hóa, di sản thiên nhiên được bảo tồn, tôn tạo, phát huy, gắn với phát triển du lịch.
Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp; về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn được chú trọng, có nhiều đổi mới. Cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ lãnh đạo các cấp đoàn kết, thống nhất, mạnh dạn đột phá, dám nghĩ, dám làm, có nhiều đổi mới trong phương thức lãnh đạo.
Chủ tịch nước cho rằng, tỉnh Quảng Ninh bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Để xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; cùng với việc thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, các nhiệm vụ, giải pháp mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra, Chủ tịch nước gợi ý một số nội dung để tỉnh Quảng Ninh tham khảo trong thời gian tới.
Thứ nhất, thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đề cao gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu; giữ gìn, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Đổi mới và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng gắn với đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, phát triển kinh tế nhanh, bền vững; cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, gắn với đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ và nâng cao chất lượng công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp; gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị và nông thôn, thúc đẩy liên kết vùng; tiếp tục đầu tư xây dựng nông thôn mới bền vững, thực chất.
Thứ ba, phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Tỉnh cần tiếp tục đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên vô cùng quý giá, gắn với phát triển du lịch, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là địa bàn miền núi, vùng dân tộc thiểu số, tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đồng thời xây dựng hệ sinh thái dân sinh hấp dẫn, chính sách khuyến khích và hỗ trợ vượt trội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhân tài cho tỉnh.
Thường xuyên chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo chu đáo cho các gia đình chính sách, người có công; giải quyết tốt an sinh xã hội; nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng trong tỉnh; bảo đảm việc làm và thu nhập cho công nhân, người lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực chất trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường quản lý, giữ vững kỷ cương xã hội hiệu quả, nghiêm minh.
Thứ tư, phải đặc biệt coi trọng công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả thiên tai đối với người và tài sản của nhân dân, của nhà nước. Chú trọng việc trồng cây và bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường biển, các khu sản xuất công nghiệp, địa bàn khai thác than...
Thứ năm, là tỉnh có vị trí địa chiến lược đặc biệt trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là tỉnh có đường biên giới quốc gia trên bộ và trên biển, Quảng Ninh phải thường xuyên củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, "thế trận lòng dân", bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
"Phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử vẻ vang của Vùng Mỏ Anh hùng, cùng với những thành tựu to lớn đạt được sau 60 năm thành lập tỉnh, tôi tin tưởng rằng Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục giành được nhiều kết quả to lớn hơn nữa; không ngừng phấn đấu để Quảng Ninh luôn là một vùng rộng lớn, yên bình, bền vững; trở thành một tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc", Chủ tịch nước phát biểu.