(Cinet-DL)- Trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị hàng loạt di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia trong đó có cụm di tích Nhà đày Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh.
(Cinet-DL)- Trải qua hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược đã để lại trên mảnh đất Quảng Trị hàng loạt di tích lịch sử được xếp hạng Quốc gia trong đó có cụm di tích Nhà đày Lao Bảo và sân bay Tà Cơn – Khe Sanh.
1. Tên di sản/di tích : Cụm di tích Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn- Khe Sanh
2. Thời gian: Nhà đày Lao Bảo được chính quyền thực dân Pháp xây dựng từ năm 1908 để giam giữ tù thường phạm và những người yêu nước chống Pháp theo các phong trào Cần Vương, Văn Thân.
Sân bay Tà Cơn là một cụm cứ điểm quân sự chiến lược của quân đội Mỹ trong những năm 1966-1968, nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.
3. Năm công nhận: Ngày 12/12/1986, Cụm Di tích Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn- Khe Sanh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 236/QĐ-BVHTT.
4. Địa hình/ Vị trí :
- Địa hình:
Địa hình đa dạng bao gồm núi, đồi, đồng bằng, cồn cát và bãi biển chạy theo hướng tây bắc - đông nam. Quảng Trị có nhiều sông ngòi với 7 hệ thống sông chính là sông Thạch Hãn, sông Bến Hải, sông Hiếu, sông Ô Lâu, sông Bến Đá, sông Xê Pôn và sông Sê Păng Hiêng.
Nhìn đại thể, địa hình núi, đồi và đồng bằng Quảng Trị chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam và trùng với phương của đường bờ biển. Sự trùng hợp này được thấy rõ trên đường phân thủy giữa Trường Sơn Đông và Trường Sơn Tây. Xem xét địa hình ở quy mô nhỏ hơn, từng dãy núi, từng dải đồi thì địa hình lại có hướng song song với các thung lũng sông lớn như Cam Lộ, Thạch Hãn, Bến Hải...
Tính phân bậc của địa hình từ tây sang đông thể hiện khá rõ ràng. Do cấu tạo của dãy Trường Sơn, địa hình Quảng Trị thấp dần từ Tây sang Đông, Đông Nam và chia thành 4 dạng địa hình: vùng núi cao phân bố ở phía Tây từ đỉnh dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp; vùng trung du và đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc tỉnh; kế đến là vùng cát nội đồng và ven biển.
+ Địa hình núi cao: Phân bố ở phía Tây từ dãy Trường Sơn đến miền đồi bát úp, chiếm diện tích lớn nhất, có độ cao từ 250-2000 m, độ dốc 20-300. Địa hình phân cắt mạnh, độ dốc lớn, quá trình xâm thực và rửa trôi mạnh.
+ Địa hình gò đồi, núi thấp: Là phần chuyển tiếp từ địa hình núi cao đến địa hình đồng bằng, chạy dài dọc theo tỉnh. Có độ cao từ 50-250m, một vài nơi có độ cao trên 500 m. Địa hình gò đồi, núi thấp (vùng gò đồi trung du) tạo nên các dải thoải, lượn sóng, độ phân cắt từ sâu đến trung bình.
+ Địa hình đồng bằng: Là những vùng đất được bồi đắp phù sa từ hệ thống các sông, địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao tuyệt đối từ 25-30 m.
+ Địa hình ven biển: Chủ yếu là các cồn cát, đụn cát phân bố dọc ven biển. Địa hình tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho việc phân bố dân cư.
- Vị trí:
Di tích nhà tù Lao Bảo nằm trên tuyến Đường 9, cách Cửa khẩu Lao Bảo khỏang 3 km về phía Đông Nam trên địa bàn thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo.
Di tích Sân bay Tà cơn- Khe Sanh nằm trên địa phận thôn Hòa Thành, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa; cách huyện lỵ Hướng Hóa khoảng 3 km về hướng Đông - Bắc.
5. Thổ nhưỡng:
Theo số liệu thống kê tỉnh Quảng Trị năm 2008, tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh có 474.699,11 ha. Các loại đất chia theo mục đích sử dụng bao gồm:
- Đất nông nghiệp: Có diện tích là 301.993,75 ha, chiếm 63,62% tổng diện tích đất tự nhiên. Bình quân đất nông nghiệp/người là 4.770 m2.
- Đất phi nông nghiệp: Diện tích có 41.421,31 ha, chiếm 8,73% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, đất nghĩa trang, nghĩa địa chiếm diện tích 3.921,34 ha; đất sông suối và mặt nước chuyên dung nắm giữ phần diện tích 15.052,29 ha.
- Đất chưa sử dụng: là phần diện tích còn lại với 131.284,05 ha, chiếm 27,66% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó: đất đồi núi chưa sử dụng là 117.782,15 ha. Đây là tiềm năng lớn cho phép khai hoang mở rộng quy mô phát triển nông, lâm nghiệp và đưa vào sử dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Diện tích núi đá không có rừng cây: 776,65 ha.
Tuy diện tích đất chưa sử dụng còn nhiều nhưng phần lớn là đất cồn cát, đất chua mặn, đất đồi núi chia cắt mạnh, có tầng dày mỏng, nhiều diện tích bị kết vón đá ong, phân bố rải rác, không tập trung và có những vùng còn bom mìn chưa được rà phá. Do đó để cải tạo, khai thác đưa vào sử dụng được trong các ngành kinh tế cần có đầu tư vốn lớn và kỹ thuật, thuỷ lợi, rà phá bom mìn...
6. Khí hậu: Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có nền nhiệt độ cao, chế độ ánh sáng và mưa, ẩm dồi dào, tổng tích ôn cao... là những thuận lợi cơ bản cho phát triển các loại cây trồng nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, nơi đây lại được coi là vùng có khí hậu khá khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng của gió Tây Nam khô nóng thổi mạnh từ tháng 3 đến tháng 9 thường gây nên hạn hán. Từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kèm theo mưa nên dễ gây nên lũ lụt.
- Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm từ 24-25 oC ở vùng đồng bằng, 22-23 oC ở độ cao trên 500 m. Mùa lạnh có 3 tháng (12 và 1, 2), nhiệt độ xuống thấp, tháng lạnh nhất nhiệt độ xuống dưới 22 oC ở đồng bằng, dưới 20 oC ở độ cao trên 500 m. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 8 nhiệt độ cao trung bình 28 oC, tháng nóng nhất từ tháng 6, 7, nhiệt độ tối cao có thể lên tới 40- 42 oC. Biên độ nhiệt giữa các tháng trong năm chênh lệch 7- 9 oC.
- Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.200-2.500 mm; số ngày mưa trong năm dao động từ 154-190 ngày. Chế độ mưa ở Quảng Trị biến động rất mạnh theo các mùa và cả các năm. Trên 70% lượng mưa tập trung vào các tháng 9, 10, 11. Mùa khô thường từ tháng 12 đến tháng 7 năm sau, khô nhất vào tháng 7, đây là thời kỳ có gió Tây Nam thịnh hành. Mùa mưa, lượng mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn thường gây nên lũ lụt; mùa hè, thời gian mưa ít kéo dài thường gây nên thiếu nước, khô hạn.
- Độ ẩm: độ ẩm tương đối, trung bình năm khoảng 83-88%. Giữa hai miền Đông và Tây Trường Sơn chế độ ẩm cũng phân hóa theo thời gian. Tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 4, độ ẩm thấp nhất có khi xuống đến 22%; trong những tháng mùa mưa, độ ẩm tương đối trung bình thường trên 85%, có khi lên đến 88-90%.
- Nắng: số giờ nắng khá cao, trung bình 5-6 giờ/ngày, có sự phân hóa theo thời gian và không gian rõ rệt: miền Đông có tổng số giờ nắng lên tới 1.910 giờ, miền Tây chỉ đạt 1.840 giờ. Các tháng có số giờ nắng cao thường vào tháng 5, 6, 7, 8, đạt trên 200 giờ.
- Gió: chịu ảnh hưởng của hai hướng gió chính là gió mùa Tây Nam và gió mùa Đông Bắc. Đặc biệt gió Tây Nam khô nóng ở Quảng Trị là hiện tượng rất điển hình, được đánh giá là dữ dội nhất ở nước ta. Trung bình mỗi năm có khoảng 45 ngày. Trong các đợt gió Tây Nam khô nóng, nhiệt độ có thể lên tới 40 – 42 oC.
- Bão và áp thấp nhiệt đới: Nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão. Mùa bão thường tập trung vào các tháng 9 và 10. Bão có cường suất gió mạnh kèm theo mưa lớn tạo ra lũ quét ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống dân cư.
Nhìn chung điều kiện tự nhiên của Quảng Trị có những thuận lợi khá cơ bản: do sự phân hóa đa dạng của độ cao địa hình tạo nên các vùng tiểu khí hậu thích hợp cho sự phát triển một nền nông nghiệp đa dạng với các loại cây trồng vật nuôi có nguồn gốc nhiệt đới, á nhiệt và cận ôn đới, có giá trị kinh tế cao. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Tiểu vùng khí hậu đỉnh Trường Sơn với tính ôn hoà là tài nguyên quý mang lại sức hấp dẫn cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch, tạo không gian mát mẻ cho tham quan, nghỉ dưỡng, đặc biệt là trong mùa hè nóng gay gắt của vùng Bắc Trung Bộ. Đây là điểm độc đáo của khí hậu Quảng Trị.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi cơ bản, điều kiện khí hậu, thời tiết của Quảng Trị cũng như ở các tỉnh miền Trung mang tính chất khắc nghiệt: thường xảy ra hạn hán về mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa. Do đó việc khắc phục thiên tai, xây dựng các công trình thuỷ lợi, trồng rừng đầu nguồn để giữ nước chống lũ lụt nhằm ổn định sản xuất và đời sống có ý nghĩa to lớn cần được quan tâm.
7. Dân cư:
Năm 2010 dân số trung bình của tỉnh là 601.672 người. Toàn tỉnh có 136.743 hộ gia đình, bình quân 4,4 nhân khẩu/hộ. Dân số thành thị có 170.073 người, chiếm 28,31%. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,05% năm 2007 và 1,12% năm 2010; dân số cơ học tăng không đáng kể. Bình quân mỗi năm dân số trung bình toàn tỉnh tăng thêm khoảng 5.000-6.000 người.
- Trong cơ cấu dân số phân theo giới tính, nữ chiếm 50,3%, nam chiếm 49,7%; phân theo độ tuổi, từ 0-59 tuổi chiếm khoảng 90,9%, chỉ tiêu này cho thấy đây là cơ cấu dân số trẻ, riêng dân số dưới 15 tuổi chiếm 37,9%, đây là lực lượng lao động dự trữ dồi dào của tỉnh.
- Mật độ dân số toàn tỉnh là 126,7 người/km2,thuộc loại thấp so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Dân cư phân bố không đều giữa các vùng lãnh thổ, tập trung đông ở các thành phố, thị xã, các huyện đồng bằng.
Cộng đồng các dân tộc tỉnh Quảng Trị gồm 3 dân tộc chính: Kinh, Vân Kiều và Pa Cô. Tỉ lệ các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 9% tổng dân số.
8.Tóm tắt nội dung :
- Ngay khi đặt được ách thống trị lên xứ Trung Kỳ, thực dân Pháp đã chọn Lao Bảo là nơi xây dựng nhà tù để giam giữ tù thường phạm và những người yêu nước chống Pháp theo các phong trào Cần Vương, Văn Thân.
+ Nơi đây nguyên là vùng rừng núi chập chùng, hiểm trở, xa dân cư, thường biết đến là chốn “rừng thiêng, nước độc”.
+ Lúc mới lập vào năm 1908, nhà tù Lao Bảo mới chỉ có 2 dãy nhà gian bằng gỗ, lợp ngói, tường cốt tre trét toóc-xi ( vôi cát trộn rơm)
+ Sau năm 1930, khi phong trào cách mạng chống Pháp ngày càng lan rộng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản nổ ra khắp nơi, thực dân Pháp thực hiện các cuộc đàn áp, khủng bố trắng ở Trung Kỳ đã bắt giam ngày càng nhiều người yêu nước và chiến sĩ cộng sản. Bấy giờ, nhà tù Lao Bảo trở thành nơi giam giữ các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước.
- Nhà đày Lao Bảo là một trong những nhà tù lớn ở Đông Dương. Tại đây thực dân Pháp đã dùng những hình phạt dã man thời Trung cổ như gông, cùm, xiềng xích cùng với chế độ cai trị hà khắc tàn bạo nhất để đàn áp và giết hại các chiến sĩ yêu nước và cộng sản.
+ Đồng chí Tố Hữu đã từng viết: “Cùng với Sơn La, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo… nhà tù Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng rừng núi heo hút, đầy muỗi sốt rét ác tính, ở miền Tây Quảng Trị, thực tế đã là mồ chôn hàng nghìn người cách mạng bất khuất.
+ Giữa năm 1934, thực dân Pháp đã cho xây thêm 3 dãy nhà giam kiên cố bằng bê tông cốt thép với đầy đủ hệ thống hầm ngầm, cổng sắt, cửa sắt.
+ Ngoài ra trong khu vực nhà đày Lao Bảo còn có nhà hành xác, nhà tra trấn, hỏi cung (nằm ở góc Đông - Nam), nhà cai ngục, trại lính (ở góc Tây - Bắc) nhà dây thép (Bưu Điện), xưởng mộc, xưởng thêu, xưởng rèn.
+ Chế độ lao dịch khổ sai áp dụng cho tù nhân nơi đây rất khắc nghiệt:
- Người tù bị bắt làm đủ thứ việc từ đập đá mở đường 9, làm cầu cống, chặt cây, đắn gỗ đến làm vườn trồng rau, làm thợ mộc, làm đồ mây tre, đồ thêu… cốt để thu nhiều lợi nhuận cho bọn chủ ngục.
- Tù nhân còn bị đánh đập, tra tấn tàn bạo trong các lần hỏi cung.
- Theo số liệu thống kê chưa được đầy đủ từ khi lập nhà tù Lao Bảo cho đến tháng 3/1945, đã có hàng ngàn tù nhân bị thực dân Pháp giam giữ tại đây, trong đó có trên 350 là tù nhân chính trị bị lưu đày, nhiều đảng viên Cộng sản đã anh dũng hy sinh trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù.
+ Với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, nhà đày Lao Bảo đã trở thành nơi nung nấu lòng yêu nước thiết tha, rèn luyện ý chí kiên cường của các chiến sĩ Cộng sản”.
+ Các cuộc đấu tranh để chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân, càng cho thấy rõ hơn phẩm chất và khí tiết của những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản đã một lòng, một dạ trung kiên bất khuất đấu tranh anh dũng, chịu đựng tất cả để vượt qua và sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc.
- Trải qua hai cuộc chiến tranh, nhất là trong thời kỳ chống Mỹ, nhà tù đã bị hư hại nặng nề. Tuy nhiên, Di tích Nhà tù Lao Bảo vẫn còn lưu giữ những chứng tích và đang được tôn tạo lại cho ta thấy rõ tội ác mà chính quyền thực dân Pháp đã từng gieo rắc lên đất nước ta.
+ Năm 1995, ngành Văn hóa – Thông tin đã cho mở đường, dựng một đài chứng tích nằm cạnh lao C, một đàn âm hồn để tưởng niệm những người đã hy sinh, nhà bia tưởng niệm Hồ Bá Kiện - người chỉ huy cuộc bạo động năm 1915.
+ Đến năm 2000, trong chương trình tôn tạo di tích, một cụm tượng đài tương đối quy mô đã được đầu tư xây dựng cùng với việc quy hoạch lại khuôn viên, xây nhà đón tiếp, tổ chức trưng bày bổ sung.
- Sân bay Tà Cơn nằm trong tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, từng gắn với nhiều sự tích liên quan đến chiến dịch giải phóng Khe Sanh năm 1968.
+ Ở vào vị trí gần biên giới lại án ngự quốc lộ 9 nối từ Đông Hà (Việt Nam) đến Savannakhẹt (Lào), Khe Sanh có một vị thế chiến lược khá lợi hại về quân sự không chỉ trên chiến trường Quảng Trị mà còn cả miền Nam và cả khu vực Đông Dương.
+ Tư lệnh quân đội Mỹ tại miền Nam coi việc thiếp lập ở Khe Sanh một tập đoàn cứ điểm quân sự như là một cái “ chốt cứng” có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng ngự.
- Được xem là một “cái neo” về phía Tây cho hệ thống phòng thủ chiến lược ở Nam Khu phi quân sự, ngăn chặn ở phía Tây - Bắc chiến trường Trị Thiên.
- Biến Khe Sanh thành một căn cứ tuần tra để ngăn chặn đối phương từ Lào sang và cũng là căn cứ cho các hoạt động biệt kích nhằm “quấy nhiễu đối phương” dọc biên giới Việt – Lào;
- Đồng thời, sử dụng Khe Sanh thành một bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ, xây dựng ở đây một sân bay cho các máy bay trinh sát kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của quân đội nhân dân Việt Nam, chỉ điểm cho các họat động đánh phá, ngăn chặn và cắt đứt các tuyến đường Hồ Chí Minh.
+ Sân bay chạy dài 2 km, rộng 1 km, gồm nhiều tiểu cứ điểm với công sự kiên cố, dày đặc và một sân bay cỡ lớn làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng như C130, C123, máy bay trực thăng chở quân và trực thăng vũ trang.
+ Bên cạnh đó một loạt căn cứ quân sự được xây dựng trên các hướng, các điểm cao xung quanh như: Căn cứ biệt kích ở Làng Vây, điểm cao 689, 682, 845, 832, 1009 (Động Tri) với khoảng 6.000 quân.
- Sân bay Tà Cơn cùng các cao điểm kế cận đã hình thành nên một thế phòng ngự liên hoàn, cơ động được Mỹ - Ngụy coi là một vị trí “cứng” nhất trong cả hệ thống tập đoàn cứ điểm Khe Sanh.
- Tuy nhiên trước sức mạnh tiến công giải phóng Khe Sanh của Quân đội nhân dân Việt Nam, Tà Cơn đã trở thành chiếc ghế điện đối với liên quân Mỹ - Ngụy, buộc quân Mỹ phải mở đường máu rút khỏi Khe Sanh vào ngày 26/6/1968.
- Chiến thắng Tà Cơn góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của quân và dân ta ở mặt trận đường 9 Khe Sanh, đánh dấu sự bế tắc của Mỹ - Ngụy trong thế phòng ngự chiến lược đồng thời thể hiện rõ trình độ phát triển cao của quân giải phóng về chỉ đạo chiến lược, chiến thuật và tiến hành các chiến dịch tiến công quy mô lớn, dài ngày, hợp đồng binh chủng chặt chẽ có hiệu quả.
- Tà Cơn - Đường 9 – Khe Sanh thực sự trở thành những địa danh gắn liền với những chiến công đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
- Sau chiến tranh, căn cứ Tà Cơn dần dần bị phá hoại trước thời gian và con người. Tuy nhiên, công cuộc trùng tu, tôn tạo di tích đã được bắt đầu từ năm 1998.
+ Hiện nay, trong khuôn viên di tích đã có một nhà bảo tàng về Đường 9 – Khe Sanh;
+ Một số hầm hào, công sự được phục dựng lại cùng với các hiện vật thể khối lớn như máy bay lên thẳng, đại bác, xác xe tăng, máy bay, bom đạn các loại… được trưng bày để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của khách tham quan trong và ngoài nước.
Cụm di tích Nhà tù Lao Bảo và sân bay Tà Cơn - Khe Sanh đang trở thành một điểm di tích thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan.
Nền Lao C |
Bia di tích tại Nhà tù Lao bảo |
Sân bay Tà Cơn |
Tượng đài chứng tích tội ác tại Nhà tù Lao Bảo |
Nguồn tài liệu tham khảo :
www.vietnamtourism.com; www.quangtri.gov.vn; www.thixaquangtri.gov.vn