(Tổ Quốc) - “Anh em mình ngồi đây nhưng ra trận không biết ai còn, ai mất. Sau này nếu ai may mắn còn sống thì nhớ đưa anh em đã chết về với quê hương” – suốt bao nhiêu năm, lời nhắn nhủ đó của những người đồng đội từng chiến đấu trong 81 ngày đêm Thành cổ luôn khắc sâu trong tâm tưởng cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình.
- 08.07.2017 Dâng hương, tri ân các anh hùng liệt sỹ
- 17.07.2017 “Những người con bất tử” tri ân các anh hùng, liệt sĩ
LTS: Quảng Trị trong chiến tranh từng là nơi hứng chịu biết bao mưa bom, bão đạn. Thế nhưng bằng ý chí quật cường, quân và dân Quảng Trị đã vượt lên tất cả để đánh thắng kẻ thù, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Bước ra khỏi cuộc chiến, những người lính hay cô lái đò đưa bộ đội sang sông ngày ấy lại trở về với cuộc sống đời thường bình dị. Những ngày này, ký ức về đồng đội, về một thời máu lửa lại trào dâng mỗi lần được nhắc đến. Nhóm phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã tìm về "miền đất lửa" Quảng Trị để gặp gỡ họ -những chứng nhân lịch sử của một thời hào hùng…
Bài 1: Gặp người cựu binh hơn 35 năm đi tìm hài cốt đồng đội
Những ngày này, căn nhà nhỏ sát bên Thành Cổ Quảng Trị của người cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thanh Bình (64 tuổi, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị) có nhiều người lui tới hơn. Đó là những người đồng đội cũ ghé thăm hay thân nhân của một liệt sỹ nào đó tìm đến ông để nhờ giúp đỡ. Và như thường lệ, người CCB Thành Cổ lại niềm nở đón tiếp tận tình.
Vẹn tròn một lời hứa
Chúng tôi gặp CCB Nguyễn Thanh Bình vào những ngày tháng 7 tại miền đất lửa Quảng Trị. Ông là một trong những nhân chứng lịch sử từng tham gia chiến đấu trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.
Hơn 35 năm qua, chính tâm nguyện của những người đồng đội mong muốn được đưa về quê hương sau khi hy sinh là động lực thôi thúc ông gắn bó mình với công việc đi tìm hài cốt. Việc làm này không những giúp cho nhiều gia đình liệt sỹ vơi đi mất mát khi tìm được người thân mà còn giúp người CCB già giữ tròn lời hứa của mình với những người đồng đội đã hy sinh.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình giản dị với cuộc sống đời thường. |
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Bình đã sớm thừa hưởng tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Năm 1972, cũng như bao thanh niên khác, Bình lên đường nhập ngũ và được biên chế vào tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị (K8) tham gia trận chiến bảo vệ Thành Cổ.
Nói về trận chiến khốc liệt này, ông cho hay mình vẫn còn sống sót và lành lặn trở về như hôm nay quả là một điều may mắn và kỳ lạ.
“Ở trận chiến đó, tôi làm nhiệm vụ của người lính trinh sát phải nắm rõ tình hình của địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Cũng vì vậy mà tôi là người từng làm công việc đau đớn nhất là vuốt mắt và chôn cất cho biết bao nhiêu đồng đội. Tại Thành Cổ tôi nhớ rõ từng hầm ngầm công sự, chiến hào, trận địa pháo. Nơi đó đã có rất nhiều đồng đội mãi nằm lại bởi bom đạn của quân thù”, ông Bình bùi ngùi nhớ lại.
Thành Cổ Quảng Trị những năm 1972 là chiến trường giao tranh ác liệt giữa quân ta và địch. Ảnh: Đ.C.T |
Ông Bình kể, trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, đây là một trong những điểm giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên. Có thời điểm mưa lụt, các cán bộ chiến sĩ phải ăn lương khô, uống nước lã, ngâm mình trong nước nhưng vẫn kiên cường chiến đấu. Nhiều chiến sĩ bị thương đến 2, 3 lần vẫn giữ vững quyết tâm “còn người còn trận địa, còn người còn Thành Cổ Quảng Trị”.
Nói về 81 ngày đêm khói lửa Thành Cổ, theo CCB Nguyễn Thanh Bình phải có hơn 81 câu chuyện liên quan đến trận đánh, đến sự hy sinh mất mát của những người lính từng chiến đấu tại đây. Người CCB Thành Cổ vẫn nhớ như in trường hợp của liệt sỹ Nguyễn Văn Thành quê ở Gio Linh, Quảng Trị.
“Trong một trận đánh với địch, biết mình bị thương nặng khó qua khỏi, đồng chí Thành gọi tôi đến và bảo để dành bông băng cứu thương lại cho những đồng đội khác. Thành dặn tôi “nếu sau này đồng chí còn sống, nhờ đồng chí về quê báo với mẹ tôi rằng hôm nay tôi đã bắn chết 5, 6 tên địch coi như đã trả thù được cho cha mình”. Nói xong, anh trút hơi thở cuối cùng”, ông Bình xúc động kể lại.
Thành Cổ Quảng Trị hôm nay trở thành điểm tham quan di tích lịch sử. |
Dưới mưa bom của địch, sau trận đánh đó dù ông Bình và đồng đội cố tìm kiếm nhưng không tìm được thi thể của liệt sỹ Nguyễn Văn Thành. Khi trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ kết thúc, đã có rất nhiều chiến sĩ của ta như liệt sỹ Thành anh dũng ngã xuống. Nhiều người cho đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, điều này khiến những người CCB như ông Bình không khỏi trăn trở, day dứt.
Còn sức là còn tìm đồng đội
Cũng vì lý do này mà sau chiến tranh, CCB Nguyễn Thanh Bình nhất định về TX. Quảng Trị, dựng một căn nhà ngay sát Thành Cổ để sinh sống. Mãi sau này mọi người mới hiểu ra tâm nguyện của người lính già làm vậy là để tiện cho việc tìm lại đồng đội đã hy sinh tại đây. Ông cũng mong muốn ngôi nhà của mình trở thành điểm kết nối cho thân nhân các liệt sỹ khi tìm về Thành Cổ.
Suốt 35 năm qua, hình ảnh người CCB già cầm bản đồ đi quanh TX. Quảng Trị để đánh dấu thực địa đã quá quen thuộc với nhiều người dân Thành Cổ. Chỉ cần thân nhân cung cấp thông tin về liệt sỹ là ông Bình biết chính xác đơn vị chiến đấu ở vùng nào, địa điểm có thể hy sinh, được cất bốc hay chưa.
Nơi nào người dân báo có dấu tích nghi là mộ liệt sỹ là ông lập tức có mặt để tìm hiểu. Tất cả việc làm này đều được ông thực hiện một cách tự nguyện, không một đồng lương hay trợ cấp.
Những dấu tích về trận chiến 81 ngày đêm tại bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị. |
Trong những lần đi tìm hài cốt đồng đội, ông Bình nhớ nhất là trường hợp liệt sỹ Lê Thanh Viễn (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi). Vợ liệt sỹ Viễn là Nguyễn Thị Huệ. Ngày lên đường nhập ngũ, đứa con trai của hai vợ chồng chỉ vừa tròn 3 tháng tuổi. Sau đó không lâu thì liệt sỹ Viễn hy sinh khi chiến đấu ở Thành Cổ.
Biết ở quê nhà hai mẹ con bà Huệ mong ngóng tìm hài cốt người thân, ông Bình lập tức khăn gói lên tàu ra Bắc tìm lại những đồng đội chung đơn vị liệt sỹ Viễn để thu thập thông tin. Sau nhiều ngày ngược xuôi, ông cũng tìm được hài cốt liệt sỹ Lê Thanh Viễn đưa về Quảng Ngãi trong nước mắt mừng vui của gia đình.
Chứng kiến hoàn cảnh gia đình liệt sỹ Viễn hết sức khó khăn, ông Bình đã chủ động liên hệ với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ngãi và kêu gọi đồng đội tìm cách giúp đỡ. Nhờ đó mà hai mẹ con bà Huệ có được căn nhà tình nghĩa để sống và có nơi để thờ chồng.
Bài thơ ví tầm quan trọng của chiến thắng Thành Cổ được đặt trong khuôn viên di tích ngày nay. |
Mỗi nơi tìm và cất bốc một vài hài cốt, ấy vậy mà đến nay ông Bình đã giúp quy tập hơn 100 hài cốt liệt sỹ Thành Cổ. Trong số này có 30 hài cốt đã xác định được thông tin rõ ràng. Tất cả thông tin của những hài cốt được tìm thấy đều được người CCB này ghi chép cẩn thận vào một cuốn sổ riêng để sau này thân nhân các liệt sỹ có đến nhờ sẽ giúp tìm kiếm dễ dàng hơn.
Dù bây giờ tuổi đã cao, di chứng từ chiến tranh khiến sức khỏe của ông Bình giảm đi nhiều nhưng người lính Thành Cổ ngày nào vẫn tràn đầy tâm huyết với công việc đi tìm hài cốt đồng đội. Như mới đây, dù đang phải nằm điều trị bệnh nhưng nghe có gia đình liệt sỹ đến nhà nhờ giúp đỡ, ông cũng “trốn” bệnh viện để về gặp bằng được. Giúp việc xong xuôi, ông mới an tâm quay lại bệnh viện để tiếp tục điều trị.
Ông Bình chia sẻ: “Thân nhân liệt sỹ vất vả đường xa đến tìm mình để nhờ giúp đỡ, để họ phải đợi lâu ở nhà tôi cũng sốt ruột. Chi bằng mình gắng giúp được chừng nào thì hay chừng đó. Ngày nào tôi còn sức thì tôi vẫn còn đi tìm hài cốt đồng đội của mình”.
Thế Trung - Đức Hoàng