• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quốc hội cần tăng thời lượng họp thường kỳ, giảm số phiên họp chuyên đề

Thời sự 14/12/2022 20:10

(Tổ Quốc) - Chiều 14/12, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết ban hành Quy chế về việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Quốc hội cần tăng thời lượng họp thường kỳ, giảm số phiên họp chuyên đề - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp chiều 14/12.

Trình bày báo cáo về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết và bố trí các nội dung trong Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bám sát 3 nguyên tắc.

Theo đó, tuân thủ đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình tự, thủ tục trong xem xét, quyết định, cho ý kiến về các nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, bảo đảm tính toàn diện, khoa học, hợp lý và khả thi trong việc bố trí các nội dung thuộc Chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được các cơ quan đề xuất nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 thì cần được cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trước khi bố trí trong Chương trình công tác.

Theo nguyên tắc này, chưa bố trí vào chương trình các phiên họp thường kỳ, phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2023 đối với 12 dự án luật theo đề xuất của Chính phủ, 2 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh theo đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Quốc hội cần tăng thời lượng họp thường kỳ, giảm số phiên họp chuyên đề - Ảnh 2.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại phiên họp tháng 5 và tháng 10/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến đối với các nội dung sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp; không bố trí cho ý kiến đối với các dự án luật trình Quốc hội lần đầu do 2 phiên họp này sát ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, thứ 6 của Quốc hội khóa XV.

Trên cơ sở đó, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng nêu một số vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022-2030; cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Viễn thông (sửa đổi); một số nội dung về tài chính, ngân sách...

Tăng thời lượng họp thường kỳ, giảm số phiên họp chuyên đề

Đánh giá cao Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được xây dựng công phu, bài bản, tương đối toàn diện, bao quát đầy đủ, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo Nghị quyết cần bổ sung phần đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác năm cũ, rút ra một số kinh nghiệm để xây dựng chương trình trong năm mới.

Quốc hội cần tăng thời lượng họp thường kỳ, giảm số phiên họp chuyên đề - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu ý kiến tại phiên họp.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nghị quyết cần nêu rõ tinh thần tiếp tục đổi mới theo hướng từ sớm, từ xa, đề cao công tác nghiên cứu tài liệu, công tác chuẩn bị cho ý kiến kỹ lưỡng từ các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đưa ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau, các vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có dự thảo văn bản kèm theo; đối với những nội dung đã có sự thống nhất cao và mang tính nội bộ có thể trình bằng văn bản, dành thời gian cho ý kiến vào những vấn đề lớn; giảm thời gian đọc tờ trình… giúp tiết kiệm thời gian họp tập trung và nâng cao chất lượng các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời gian tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, nên bố trí vào ngày 10 hằng tháng để các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động lịch công tác, tiếp xúc cử tri, cũng như để Chính phủ, các cơ quan khác chủ động trình các nội dung.

Quốc hội cần tăng thời lượng họp thường kỳ, giảm số phiên họp chuyên đề - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị giảm số phiên họp chuyên đề xuống còn 2 phiên/một năm, tăng thời gian họp thường kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời bố trí dự phòng đối với từng phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình với dự thảo Nghị quyết Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng thể hiện ngắn gọn, rõ ràng.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ