(Tổ Quốc) - Với 95,39% số ĐBQH nhấn nút tán thành, Quốc hội vừa thông qua Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó có tiếp thu ý kiến của ĐBQH về rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN.
Trước đó, thay mặt UBTV Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã làm rõ ý kiến của các ĐBQH liên quan đến dự thảo Nghị quyết.
Về thực hiện chính sách tài khóa năm 2019, UBTVQH tiếp thu ý kiến của ĐBQH, giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng NSNN.
UBTVQH cũng đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi NSNN cho phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với các định mức chi thường xuyên như hội nghị, tiếp khách, công tác phí, mua sắm tài sản công; thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, định mức chi; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm.
Về công tác lập và giao dự toán NSNN, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH giao Chính phủ chỉ đạo chỉnh đốn công tác phân bổ và giao dự toán; nghiêm túc rút kinh nghiệm, đổi mới trong công tác giao kế hoạch đầu tư hàng năm, không lặp lại tình trạng này trong các năm tiếp theo để bảo đảm tính chủ động và đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn của các bộ, ngành, địa phương.
Về thu ngân sách nhà nước năm 2019, UBTVQH cho rằng tỷ trọng thu nội địa mặc dù có xu hướng tăng dần nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của kinh tế thế giới, sản xuất nội tại của các doanh nghiệp còn khó khăn, còn xuất phát từ nguyên nhân chủ quan do thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại NSNN còn chậm, công tác quản lý thu, khai thác nguồn lực kinh tế để tăng thu chưa thực sự hiệu quả.
UBTVQH đề nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các chính sách thu phù hợp với lộ trình hội nhập quốc tế, đồng thời cơ cấu lại nguồn thu ngân sách theo hướng bền vững, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý theo tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, việc 3 khoản thu quan trọng không đạt dự toán trong 3 năm liên tiếp; Công tác quản lý thu NSNN còn hạn chế, tình trạng trốn thuế, kê khai thuế không đúng vẫn diễn ra, thất thu thuế còn lớn; nợ đọng thuế có xu hướng tăng so với năm 2018 cũng đã được tiếp thu và đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết.
Về chi ngân sách nhà nước năm 2019, chi đầu tư phát triển đạt 27,6% tổng chi NSNN, cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, chi thường thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao, bằng 65,2% tổng quyết toán chi NSNN, cao hơn mục tiêu đề ra là 64%.
Với các ý kiến liên quan tới một số khoản chi quan trọng thực hiện thấp hơn dự toán được Quốc hội quyết định; Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp; triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn diễn ra; số chuyển nguồn tăng và cao nhất trong 3 năm gần đây, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN... UBTVQH đã tiếp thu ý kiến và giao Chính phủ chỉnh đốn.
Về bội chi ngân sách nhà nước, UBTVQH nhận thấy, bội chi năm 2019 giảm 60.509 tỷ đồng so với dự toán thể hiện sự nỗ lực cố gắng của Chính phủ và các địa phương. Tuy nhiên, bội chi NSNN năm 2019 giảm còn có nguyên nhân do giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là giải ngân nguồn vốn vay nước ngoài và do dự toán bội chi chưa sát, nhiều địa phương không bội chi như dự toán được giao. Vì vậy, đề nghị Chính phủ lưu ý có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý, điều hành NSNN.
Trước ý kiến cho rằng, thời hạn phê chuẩn quyết toán dài làm giảm ý nghĩa và hiệu lực của phê chuẩn quyết toán NSNN, đề nghị xem xét rút ngắn thời gian và quy trình, UBTVQH đã tiếp thu ý kiến; giao Chính phủ nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán so với hiện hành thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Nghị quyết cần được trình để Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo.
Bình luận