(Tổ Quốc) - LTS: Thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội được tăng cường và đổi mới, ngày càng thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề lớn, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, thể hiện rõ triết lý hoạt động của Quốc hội là để kiến tạo phát triển, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Tại Kỳ họp thứ 5, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được dư luận xã hội, cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Hoạt động này sau đó trở thành hoạt động thường xuyên trong các kỳ họp, trở thành điểm nhấn đổi mới của Quốc hội.
Phát biểu tại Phiên Khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp rất quan trọng của Quốc hội nói chung, Quốc hội khóa XV nói riêng. Thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, thực chất và hiệu quả hơn. Quốc hội ngày càng phát huy vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với ba chức năng quan trọng. Đặc biệt, hoạt động giám sát của Quốc hội cũng không ngừng được cải tiến, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy các cơ quan nhà nước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ.
Bước tiến lịch sử
Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Hoạt động này sau đó tiếp tục được duy trì ở các kỳ họp thứ 6, thứ 7 và dự kiến trong chương trình kỳ họp thứ 8 đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá rất cao của cử tri.
Tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, báo cáo tóm tắt Kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đã có 2.289 kiến nghị của cử tri được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó một số lĩnh vực tiếp tục được nhiều cử tri quan tâm như: lao động, thương binh và xã hội; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp, nông thôn; tài nguyên, môi trường; giáo dục, đào tạo. Đến nay, 2.238 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 97,8%.
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời 35/35 kiến nghị, đạt 100%. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được Quốc hội đặc biệt chú trọng, nhằm đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho những năm tới.
Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết và trả lời 2.112/2.162 kiến nghị, đạt 97,7%. Thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời trước thời hạn, chất lượng giải quyết, trả lời ngày càng được nâng lên.
Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp đầy đủ về những vấn đề cử tri quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần ổn định, cải thiện đời sống của Nhân dân, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri như: trả lời của Bộ Công thương, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã giải quyết, trả lời 27/27 kiến nghị, đạt 100%, trong đó, đã trả lời về hỗ trợ kinh phí để Tòa án nhân dân địa phương tổ chức phiên tòa trực tuyến; tăng cường trang thiết bị, cơ sở vật chất cho Viện kiểm sát nhân dân các địa phương; hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự…
Theo chương trình phiên họp, toàn bộ kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sẽ được thảo luận tại Hội trường trong phiên họp sáng 25/11.
Đánh giá cao sự thay đổi mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Hoàng Anh Công – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri có ý nghĩa rất lớn.
Theo đại biểu Hoàng Anh Công, từ Quốc hội khóa XII, lần đầu tiên Quốc hội đưa ra Báo cáo về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri để đến khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri như hiện nay. Đây là một bước tiến rất lớn.
"Việc Quốc hội khóa XII lần đầu tiên ra đưa ra Báo cáo về tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri chính là bước khởi đầu rất quan trọng. Tôi nhớ thời điểm đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực tiếp là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội khóa XII đã có quyết tâm chính trị rất cao đưa báo cáo này ra trước Quốc hội. Điều này có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng và đến Quốc hội khóa XV là một bước tiến lịch sử khác khi Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri", đại biểu nhắc lại.
Nhấn mạnh thảo luận tại Quốc hội chính là hình thức giám sát tối cao của Quốc hội đối với nội dung này, đại biểu Hoàng Anh Công cho rằng đây là sự thay đổi có ý nghĩa rất lớn, tạo được niềm tin của cử tri và nhân dân khi những công việc, những nguyện vọng của người dân được đưa tới diễn đàn Quốc hội và được thảo luận, giám sát trực tiếp tại Quốc hội. Việc này có ý nghĩa chính trị rất lớn, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, với Quốc hội.
Bên cạnh đó, về mặt nội dung, qua thảo luận trực tiếp ở hội trường, đại biểu Quốc hội có thể căn cứ vào việc giải quyết kiến nghị cử tri của Chính phủ, các Bộ, ngành, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… để từ đó đưa ra đánh giá về những nội dung đã làm được, những nội dung chưa làm được, những nội dung còn nợ cử tri, nhân dân.
Từ đó, góp phần tăng trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ trưởng, trưởng ngành… trong việc cần thiết phải trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri và xác định trả lời, giải quyết kiến nghị của cử tri là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan.
"Như Bác Hồ nói "trăm việc đều do dân". Vì vậy phải lấy công việc của dân làm trung tâm, hoàn thành công việc của nhân dân giao cho là công việc ý nghĩa chính trị rất lớn. Tôi nghĩ đây là bước tiến rất lớn, sự đổi mới rất lớn của Quốc hội khóa XV", đại biểu Hoàng Anh Công một lần nữa khẳng định.
Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn
Có thể nói, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát đã tiếp tục có những đổi mới, chú trọng hơn vào việc hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết, kết luận, hướng dẫn, cải tiến cách thức hoạt động một số hoạt động giám sát.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, việc lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã chứng tỏ hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn.
Đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh nhận thấy, việc tiếp nhận, chuyển kiến nghị của cử tri đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thời gian qua đã được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội chú trọng hơn và đạt nhiều kết quả.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quyết liệt và đạt nhiều kết quả hơn. Hằng tháng, Ban Dân nguyện đã báo cáo kết quả công tác dân nguyện của Quốc hội với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục có sự chỉ đạo. Kết quả trả lời giải quyết kiến nghị của cử tri, của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cũng ngày càng có trách nhiệm và đạt nhiều kết quả hơn.
Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã rất quan tâm đến công tác dân nguyện, luôn theo dõi, mở rộng giám sát việc trả lời ý kiến cử tri để biết kiến nghị của cử tri trên các mặt công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; duy trì thường xuyên việc xem xét tâm tư, nguyện vọng của cử tri qua báo cáo công tác dân nguyện định kỳ hàng tháng, qua nhận xét, đánh giá kết quả trả lời giải quyết ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp Quốc hội.
Cùng với việc thảo luận, đánh giá công tác dân nguyện hàng tháng tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc đưa vào thảo luận kết quả giải quyết kiến nghị cử tri tại kỳ họp của Quốc hội tiếp tục là một điểm nhấn trong đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Việc Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao.
Bên cạnh đó, việc tổ chức phiên thảo luận này tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho cử tri, giúp cử tri cùng giám sát việc trả lời kiến nghị của các cơ quan chức năng, tăng tinh thần trách nhiệm của các cơ quan chức năng thực hiện công tác này đảm bảo chất lượng cao nhất.
Không để những vấn đề bất cập kéo dài ảnh hưởng tới đời sống của người dân
Trong các phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thường xuyên nhấn mạnh phải tập hợp nhanh, đầy đủ các kiến nghị của cử tri; phân loại rõ kiến nghị nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ; trách nhiệm nào của địa phương, của tỉnh cần phải nhanh chóng vào cuộc giải quyết trên tinh thần là quyết liệt, quyết tâm, quyết làm để có sản phẩm.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không để những vấn đề bất cập kéo dài ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Những vấn đề bức xúc của cử tri thì chúng ta phải quan tâm, giải quyết một cách thấu tình đạt lý, phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn.
Mỗi lần tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp, cần có sự chọn lọc vấn đề để kịp thời trả lời, giải quyết cho người dân.
Với vai trò, chức năng lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Quốc hội luôn đồng hành với Chính phủ trong việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng - an ninh được giữ vững, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh.
>>> Còn tiếp