(Tổ Quốc) -Chiều 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.
Điều chỉnh 7-8% lương hưu chỉ là giải pháp tình thế
Có thể nói, chưa bao giờ các vấn đề về kinh tế - xã hội, trong đó có “bài toán ngân sách” lại “nóng” trên nghị trường như thời điểm này, khi mà nguồn lực ngân sách hạn hẹp, nợ công tăng kịch trần, bội chi ngân sách đến giữa tháng 10 là 188.400 tỷ đồng…
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: "Điều khó khăn bây giờ là phải phân bổ ngân sách sao cho phát huy hiệu quả" (Ảnh: Hà Giang) |
Trong phần phát biểu của mình, nhiều đại biểu đã chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ khi mà “chiếc bánh ngân sách” đang có xu hướng ngày càng bé lại mà nhu cầu cho đầu tư phát triển lại lớn lên, đặc biệt là an sinh xã hội và hạ tầng cơ sở.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, điều khó khăn bây giờ là phải phân bổ ngân sách sao cho phát huy hiệu quả, phù hợp và cân đối giữa các địa phương. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình ngân sách đang khó khăn thì phải “liệu cơm gắp cá” chứ không thể giữ mức chi tiêu như trước.
Mặc dù hoan nghênh việc Chính phủ đã dành một nguồn lực để điều chỉnh mức tiền lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức, nhưng đại biểu Lợi chia sẻ rằng “điều này phải tính toán lại” bởi, trong Nghị quyết là điều chỉnh bình quân khoảng 7-8% nhưng thực chất lương cơ sở trong khu vực nhà nước là tiền lương tối thiểu trước đây, thực hiện cùng với khu vực sản xuất. Sau này, khi tách ra khu vực sản xuất kinh doanh thì khu vực này xác định tiền lương tối thiểu theo vùng và được điều chỉnh vào ngày 01/1 hàng năm để đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.
Trong khi đó, tiền lương cơ sở của khu vực công chức, viên chức lại không thực hiện như vậy.
Trươc tình hình như vậy, vị đại biểu này đặt câu hỏi: “Ngân sách sẽ lấy từ đâu? Chúng ta không thể điều chỉnh tiền lương theo cách như thế này được”.
Đại biểu này tiếp tục phân tích: “Với nhóm này vừa điều chỉnh tăng 8% rồi. Và nguyên tắc điều chỉnh lương hưu là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng và điều kiện kinh tế xã hội tăng chứ không phải nằm trong cải cách tiền lương”.
Vì thế, ông Lợi cho rằng, việc Chính phủ điều chỉnh 7-8% lương hưu chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa phải là bản chất của chính sách cải cách tiền lương.
“Đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương một cách toàn diện trên nguyên tắc phân phối theo lao động và phải đảm bảo tiền lương là đòn bẩy tăng năng suất lao động, hiệu quả công tác, đặc biệt phải xem đầu tư cho tiền lương như đầu tư vào sự phát triển”, đại biểu Lợi nhấn mạnh.
Tuy nhiên để cải cách chính sách tiền lương, đại biểu Lợi cho rằng, Chính phủ phải quyết tâm cao giải quyết sắp xếp bộ máy, tinh giảm biên chế, đặc biệt là tái cơ cấu các đơn vị sự nghiệp, cung cấp dịch vụ công theo hướng tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm dưới áp lực của thị trường, phải lấy hiệu quả làm thước đo…
Cơ cấu ngân sách nhà nước phải được thực hiện quyết liệt
Trong phần phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi: Trong năm 2016, dự thu của công tác cổ phần hoá các DNNN là 30.000 tỷ nhưng đến thời điểm này mới thu được 10.000 tỷ, còn lại 20.000 tỷ thì chưa biết trong 2 tháng nữa có thu được hay không? Và nếu 20.000 tỷ này không cổ phần hoá được thì trách nhiệm thuộc về ai và vấn đề ngân sách bị ảnh hưởng như thế nào?
Đối với năm 2017, đại biểu Kiên cho rằng về cơ bản ông thống nhất với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính Ngân sách và báo cáo của Chính phủ về thu – chi ngân sách.
Tuy nhiên, về nguyên tắc chi ngân sách 2017, ông Kiên cho rằng, qua theo dõi thấy giải ngân vốn ODA đều không đạt. Và đến thời điểm hiện nay vẫn còn khoảng 22 tỷ USD chưa giải ngân được trên tổng số vốn ODA các đối tác đã cam kết cho Việt Nam.
Tuy nhiên, riêng năm 2014, đại biểu Kiên cho biết, tỷ lệ giải ngân ODA tăng rất cao, vượt mức. Và chính vì giải ngân ODA năm 2014 tăng cao như vậy đã làm vốn đối ứng của Việt Nam cũng tăng theo, từ đó làm cho bội chi trong năm tăng cao hơn kế hoạch dự toán.
Vì thế, đại biểu Kiên kiến nghị, cùng với nhiệm vụ giải ngân vốn ODA, nguyên tắc bố trí vốn đối ứng của năm 2017 và các năm tiếp cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Với kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng từ tái cơ cấu DNNN vào ngân sách (năm 2017 dự kiến là 50.000 tỷ đồng), đại biểu Kiên cho rằng, theo nguyên tắc cổ phần hoá DNNN thì số tiền đó được dùng để đầu tư có danh mục cụ thể, chứ không thể đưa chung chung vào ngân sách, nếu không số tiền này sẽ “hoà” vào nguồn chi thường xuyên.
Thêm một vấn đề nữa mà đại biểu Kiên bày tỏ, đó là sự phối hợp giữa kế hoạch đầu tư công và kế hoạch tài chính trung hạn không đồng bộ. Hai kế hoạch này hiện nay đang không có sự thống sự thông nhất với nhau, gây khó khăn cho điều hành kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Kiên bày tỏ băn khoăn khi thời điểm hiện nay, dự án đường cao tốc Bắc – Nam dù chưa trình ra Quốc hội nhưng trong dự toán chi đầu tư công có ghi là tổng vốn bố trí cho dự án này là 70.000 tỷ đồng.
“Vậy tôi không rõ trong chiến lược phát triển giao thông vận tải thì phương thức vận tải giao thông đường bộ được ưu tiên tuyệt đối hay kết hợp hài hoà các phương thức dựa trên thế mạnh của đất nước? Chúng ta đều nói vận tải đường sắt rất lạc hậu nhưng trong bố trí đầu tư trung hạn chúng ta có 75.000 tỷ đồng để đầu tư cho giao thông vận tải thì đã dành 70.000 tỷ đồng cho cao tốc đường bộ Bắc – Nam và 5.000 tỷ giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành rồi”, đại biểu Kiên thắc mắc.
Trước những bất cập về thu – chi ngân sách mà đại biểu Nguyễn Đức Kiên bày tỏ, nhiều quan điểm cho rằng, vấn đề cơ cấu lại ngân sách nhà nước vốn đã được đề cập rất nhiều nhưng thực tiễn hiệu quả chưa cao. Vì thế, lần này việc cơ cấu các khoản chi ngân sách phải được thực hiện quyết liệt hơn.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, một nguyên nhân dẫn đến cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước vẫn chưa được thực hiện là do tổ chức bộ máy cán bộ hiện nay còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ chồng chéo...Cùng với đó minh bạch trong chính sách.
“Tôi cho rằng, thời gian qua, tính minh bạch trong chính sách còn chưa rõ ràng. Cần phải xem lại các cơ chế chính sách để tránh cơ chế xin cho”, vị đại biểu này nói.
Đồng ý với Uỷ ban Tài chính Ngân sách về việc ngân sách TƯ cần tập trung đầu tư cho các dự án lớn, mang tính chất chiến lược, hoặc hỗ trợ địa phương các dự án, công trình có tính lan toả..., song đại biểu Tâm cũng lưu ý cần đầu tư ngân sách TƯ cho các vùng kinh tế có các dự án cấp bách, các cùng kinh tế nhiều khó khăn vùng biên giới và hải đảo...
“Về chi thường xuyên, tôi đồng ý phải triệt để tiết kiệm. Cần phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” trong giai đoạn hiện nay, khi mà thu ngân sách đang hết sức khó khăn”, đại biểu Tâm nhấn mạnh./.
Hà Giang