• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của Nghệ An, TP Đà Nẵng

Thời sự 26/06/2024 09:51

(Tổ Quốc) - Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 26/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng.

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Thành phố Đà Nẵng - Ảnh 1.

Quốc hội thông qua 2 Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Thành phố Đà Nẵng

Thông qua Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Trình bày Báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, ngày 31/5/2024 và 07/06/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 890/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Về chính sách hỗ trợ ngân sách giữa các cấp, các địa phương (khoản 2 Điều 3), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định tại Dự thảo Nghị quyết theo hướng mở rộng phạm vi địa bàn của tỉnh Nghệ An được nhận hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố khác. Theo đó, khoản 2 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết được sửa lại như sau: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với các địa bàn, nhiệm vụ cụ thể. Trường hợp hỗ trợ chung cho tỉnh Nghệ An thì việc phân bổ cho các địa bàn cụ thể do Hội đồng nhân dân Tỉnh quyết định, trong đó, ưu tiên cho huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An”.

Đối với chính sách cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai khoáng… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 Điều 3).

Có ý kiến đề nghị quy định không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản được áp dụng đầu tư trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Miền Tây Nghệ An là địa bàn đặc biệt khó khăn và cũng là địa bàn quan trọng của tỉnh, nhạy cảm về chính trị, quốc phòng, an ninh; trong khi đó, đầu tư về cơ sở hạ tầng cho khu vực này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, rất cần tập trung hỗ trợ thêm nguồn lực từ ngân sách Trung ương. Do vậy, việc đề xuất áp dụng cơ chế thí điểm này là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, tập trung nguồn lực cho địa bàn thực sự khó khăn, quy định thể hiện như tại Dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Về chính sách phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Nghệ An (khoản 4 Điều 3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Nghệ An hiện là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, đang nhận bổ sung cân đối từ NSTW, nguồn lực cho đầu tư phát triển còn hạn chế. Việc cho phép phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu cho địa phương sẽ bảo đảm tính ổn định, công khai, minh bạch, rõ ràng của chính sách; tạo sự chủ động cho địa phương trong việc cân đối, lập kế hoạch bố trí nguồn lực cho các dự án.

Chính sách này tương tự như chính sách cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 45% so với định mức chi thường xuyên được áp dụng từ năm 2022. Vì vậy, chính sách hỗ trợ thêm nguồn lực đầu tư công cho Nghệ An là cần thiết. Đồng thời, để bảo đảm chủ động, khả thi, phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của địa phương, khoản 4 Điều 3 Dự thảo Nghị quyết quy định giao HĐND quyết định danh mục đầu tư từ nguồn tăng thêm này....

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bằng hình thức biểu quyết điện tử. Kết quả biểu quyết cho thấy, có 453 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 93,21%). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An với tỷ lệ tán thành cao.

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Đà Nẵng được thông qua với tỷ lệ tán thành cao

Tiếp theo nội dung trên, Quốc hội cũng nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo về Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Đà Nẵng.

Về phạm vi của Nghị quyết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các chính sách trong dự thảo Nghị quyết, tránh tạo ra những xung đột pháp luật, vướng mắc trong triển khai, thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc xây dựng chính sách cần bảo đảm thận trọng, chỉ quy định những nội dung “đã chín, đã rõ”, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phạm vi chính sách thể hiện như dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Liên quan đến nội dung về quản lý đầu tư (Điều 9), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, tăng thêm nguồn lực cho ngân sách địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định như dự thảo Nghị quyết là phù hợp.

Về quản lý tài chính - NSNN (Điều 10), tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng quy định tổng dư nợ vay không vượt quá 80% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.

Đối với việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (Điều 13), Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do là chủ trương lớn đã có đủ căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý; nếu thực hiện thành công sẽ tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng và của cả vùng.

Tuy nhiên, đây là chính sách mới, chưa được thực hiện tại Việt Nam, Nghị quyết mang tính chất thí điểm; các chính sách là bước thử nghiệm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để hoàn thiện dần. Do vậy, cần thận trọng, có bước đi chắc chắn, không quy định những vấn đề chưa được đánh giá kỹ lưỡng, mang tính rủi ro cao. Hơn nữa, các chính sách cần được nghiên cứu, xây dựng căn cứ trên khả năng tổ chức thực hiện, nguồn lực tài chính, điều kiện đáp ứng của thành phố Đà Nẵng. Do đó, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ phạm vi chính sách như dự thảo Nghị quyết.

Về đầu tư phát triển vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo (Điều 14), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, để khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia thử nghiệm có kiểm soát, cần thiết phải có quy định miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm có kiểm soát, bảo đảm tính khả thi thực hiện chính sách về thử nghiệm có kiểm soát trong thực tế.

Để bảo đảm tính cụ thể, hợp lý và quyền lợi cho tổ chức, cá nhân khác khi bị thiệt hại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung nội dung tại khoản 5 Điều 14 theo hướng quy định rõ chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự trong thử nghiệm có kiểm soát khi xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước do nguyên nhân khách quan và khi đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về thử nghiệm. Đối với thiệt hại, rủi ro gây ra cho tổ chức, cá nhân khác thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Căn cứ vào tình hình thực tiễn, HĐND Thành phố xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí bồi thường từ ngân sách thành phố trên cơ sở tính chất, mức độ thiệt hại, khả năng cân đối ngân sách của địa phương. Đối với việc bổ sung quy định miễn trừ trách nhiệm hình sự thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

Tiếp đó, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Kết quả, 93% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, như vậy Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Thế Công

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ