(Tổ Quốc) - Sáng 16/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có 477 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 476 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (chiếm tỷ lệ 95,58%). Với kết quả trên, Quốc hội đã thông qua toàn bộ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trước đó, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các nội dung cụ thể của dự thảo Luật.
Về 2 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2: Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì; cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì và tác giả như đã thể hiện trong dự thảo Luật; đồng thời tán thành không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Chính phủ đã có văn bản thống nhất nội dung tiếp thu, chỉnh lý về các vấn đề này. Do đó, kính trình Quốc hội cho thông qua nội dung này như thể hiện trong dự thảo Luật.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả/ người biểu diễn" tại khoản 4 Điều 19, điểm b khoản 2 Điều 29. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, không phải mọi trường hợp sửa đổi, cắt xén tác phẩm, cuộc biểu diễn đều xâm phạm quyền nhân thân mà chỉ những hành vi sửa đổi, cắt xén gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, người biểu diễn mới bị coi là xâm phạm quyền nhân thân của tác giả, người biểu diễn.
Vì vậy, quy định như dự thảo Luật là phù hợp, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả; các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật; giới hạn quyền tác giả: Có ý kiến đề nghị bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 vì gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả; hiện nay chưa có quy định về thiết bị sao chép công cộng nên rất khó kiểm soát được việc sao chép. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, một số nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 25 của dự thảo Luật là quy định hiện hành và phù hợp với thực tiễn thực thi quyền tác giả, quyền liên quan hiện nay.
Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và chỉnh lý điểm a khoản 1 Điều 25 theo hướng quy định về ngoại lệ tại điểm a "không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép".
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, bên cạnh các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu đầy đủ ý kiến đại biểu Quốc hội, rà soát, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội lưu ý về việc thực thi Luật sau khi được ban hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ghi nhận và đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quan tâm sớm ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết, chú trọng công tác tổ chức thi hành Luật, bảo đảm các quy định của Luật đi vào cuộc sống. Đồng thời, đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát công tác triển khai thi hành Luật này.