(Tổ Quốc) - Chiều 27/7, đại đa số ĐBQH đã nhấn nút thông qua Dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Với 475/477 số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành, tương đương 95,59% tổng số đại biểu, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trước đó, những nội dung còn khác biệt đã được ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giải trình.
Đa số ý kiến đồng ý với mục tiêu tổng quát như dự thảo Nghị quyết. Với ý kiến tham gia, ông Vũ Hồng Thanh cho biết: "Mục tiêu tổng quát cần khái quát, ngắn gọn, súc tích. Các nội dung trên đã được cụ thể hóa trong phần nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Vì vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết".
Đối với đề nghị cân nhắc mục tiêu "phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020" vì dịch bệnh Covid-19 có thể còn kéo dài và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, UBTVQH xin giữ nguyên theo dự thảo nghị quyết.
"Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, tuy nhiên thế và lực của đất nước sau 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh. Nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế là một trong những nội dung đặt ra để quyết liệt phấn đấu trong những năm đầu nhiệm kỳ, tạo điều kiện bứt phá, phát triển đất nước trong những năm tiếp theo, báo cáo nêu.
Trước đề nghị chỉ tiêu về tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 92%; cần điều chỉnh thành 100%; UBTVQH cho rằng việc tăng tỷ lệ này cần bố trí nguồn lực đầu tư và phải có lộ trình. Để bảo đảm tính khả thi, xin Quốc hội cho giữ tỷ lệ này như dự thảo Nghị quyết.
Về ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết này hoặc có Nghị quyết riêng của Quốc hội quy định các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Quốc hội đã biểu quyết thống nhất thể hiện nội dung này trong Nghị quyết chung của kỳ họp; sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên bế mạc kỳ họp. Do vậy, xin Quốc hội không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết....
Đa số ý kiến tán thành với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Một số ý kiến đề nghị lược bớt nội dung, viết ngắn gọn, súc tích, bảo đảm tính định hướng, tổng thể; những nhiệm vụ, giải pháp chi tiết sẽ được Chính phủ, các ngành cụ thể hóa. Một số ý kiến góp ý về câu chữ, kỹ thuật văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiếp thu và sửa đổi.