• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quốc hội thông qua việc nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày

Thời sự 24/06/2023 12:09

(Tổ Quốc) - Với 95,14% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Sáng 24/6, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. bằng hình thức bấm nút điện tử.

Kết quả, 95,14% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Quốc hội thông qua việc nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày - Ảnh 1.

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về giấy tờ xuất nhập cảnh, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; ý kiến khác đề nghị bổ sung "thông tin khác do Chính phủ quyết định" để đảm bảo linh hoạt trong áp dụng pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đề nghị Quốc hội cho bổ sung "thông tin khác do Chính phủ quy định" vào giấy tờ xuất nhập cảnh cấp cho công dân Việt Nam. Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể các giấy tờ khác, UBTVQH cho rằng, quy định "Giấy tờ khác theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" để bảo đảm tính bao quát, ổn định của quy định luật; còn các giấy tờ cụ thể đã được quy định trong các Hiệp định có liên quan giữa Việt Nam với các nước láng giềng.

Về việc cấp hộ chiếu ngoại giao cho Phó Tùy viên Quốc phòng, có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung các Phó Tùy viên khác được cấp hộ chiếu ngoại giao như Phó Tùy viên văn hóa - xã hội, Phó Tùy viên Kinh tế; ý kiến đề nghị bỏ từ "Tùy viên", UBTVQH cho rằng, thông tư liên tịch số 623/2006/TTLT/BNG-BQP-BCA ngày 08/6/2006 của liên Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định "Chức vụ ngoại giao của Phó Tùy viên Quốc phòng tương đương Bí thư thứ nhất"; còn các lĩnh vực khác như văn hóa - xã hội, kinh tế... chưa có chức vụ Phó Tùy viên phụ trách nên đề nghị Quốc hội chưa bổ sung chức danh này vào dự thảo Luật.

Quốc hội thông qua việc nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Giải trình về trường hợp hủy giá trị sử dụng của hộ chiếu còn thời hạn bị mất hoặc không đến nhận, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung hình thức trả hộ chiếu bằng thư bảo đảm hoặc hình thức chuyển phát khác; bổ sung hình thức công khai thông tin về hộ chiếu chưa đến nhận; đề nghị chỉ hủy khi không có thông báo bằng văn bản về lý do chưa đến nhận hộ chiếu.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung "và không có thông báo bằng văn bản cho cơ quan chức năng về lý do chưa nhận hộ chiếu" vào dự thảo Luật. Luật hiện hành đã có quy định hình thức trả hộ chiếu bằng hình thức chuyển phát để đảm bảo thuận lợi cho công dân, cho phép công dân lựa chọn hình thức nhận hộ chiếu phù hợp. Do hộ chiếu có chứa các thông tin về nhân thân của công dân, nếu công khai sẽ ảnh hưởng đến quyền bảo mật thông tin của công dân.

Đối với quy định thời hạn và giá trị của thị thực, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật; có ý kiến đề nghị giải thích cụ thể nhiều lần là như thế nào; có đề nghị đổi các quy định tính "tháng" bằng tính "ngày" cho thống nhất. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã rà soát, chỉnh lý các quy định về thời hạn của thị thực để thống nhất thay đổi cách tính "tháng" bằng tính "ngày", trường hợp thời hạn 12 tháng được tính là 1 năm. Còn thị thực có giá trị nhiều lần là loại thị thực cấp cho người nước ngoài, được sử dụng để nhập xuất cảnh Việt Nam nhiều lần trong thời hạn của thị thực.

Về mở rộng các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử: Một số ý kiến nhất trí quy định mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân các nước và vùng lãnh thổ; đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung danh sách các nước có công dân được cấp thị thực điện tử và các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực điện tử.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo bổ sung vào tài liệu gửi Quốc hội dự thảo Nghị quyết về danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử. Ngay sau khi Luật được thông qua và có hiệu lực Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để kịp thời triển khai trong thực tiễn.

Quốc hội thông qua việc nâng thời hạn visa điện tử lên 90 ngày - Ảnh 3.

Về nâng thời gian cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu từ 15 ngày lên 45 ngày: Nhiều ý kiến nhất trí với dự thảo Luật; một số ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ của quy định 45 ngày; đề nghị tăng lên 60 hoặc 90 ngày. UBTVQH cho rằng, việc nâng thời hạn đơn phương miễn thị thực lên 45 ngày là đạt mức trung bình trong khu vực, qua đó, sẽ nâng cao tính cạnh tranh trong khu vực của Việt Nam trong thu hút du khách; tạo thuận lợi hơn nữa cho khách du lịch quốc tế. Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ nguyên như dự thảo Luật do Chính phủ trình.

Ngoài ra, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung "trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên" để bảo đảm tương thích với Hiệp định có liên quan, tạo thuận lợi cho cơ sở lưu trú được lựa chọn đơn vị công an hoặc biên phòng nơi thuận lợi để gửi đăng ký tạm trú; đồng thời, bổ sung quy định"đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú" để cơ quan công an thống nhất trong quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Về đề nghị của đại biểu bổ sung Đồn Biên phòng là cơ quan tiếp nhận tin báo, tố giác về vi phạm của người nước ngoài ở khu vực biên giới, cửa khẩu; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghĩa vụ hoặc cảnh báo đối với các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam nhằm gây bất ổn về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho bổ sung đồn, trạm Biên phòng được tiếp nhận thông báo về vi phạm của người nước ngoài trong khu vực biên giới. Luật hiện hành đã quy định cụ thể các trường hợp chưa cho nhập cảnh Việt Nam, theo đó, các trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị từ chối nhập cảnh; đã quy định nghĩa vụ đối với người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của Việt Nam.

Một số ý kiến đề nghị xác định thời điểm Luật có hiệu lực thi hành cho phù hợp; có ý kiến đề nghị có quy định về điều khoản chuyển tiếp để xử lý đối với hộ chiếu đã cấp không có thông tin "nơi sinh" hoặc ghi bị chú "nơi sinh"; việc giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh nộp vào những ngày trước khi Luật này có hiệu lực thi hành mà chưa được cấp.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã quy định ngày có hiệu lực thi hành của Luật là ngày 15/8/2023, phù hợp với Điều 151 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và bổ sung quy định chuyển tiếp tại các khoản 2, 3 và 4 để đảm bảo xử lý các vấn đề thực tiễn trong thời gian Luật chưa có hiệu lực thi hành.

Xuân Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ