• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Qũy Bảo trì đường bộ: Không có hiện tượng “phí chồng phí”

Thời sự 26/10/2017 13:00

(Tổ Quốc) -Ông Lê Hoàng Minh, Chánh văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ Việt Nam (BTĐB) đã trao đổi với phóng viên về hoạt động của Quỹ này thời gian qua.

Không có chuyện “phí chồng phí”

- Tới thời điểm này, tình hình Quỹ BTĐB hoạt động ra sao và phát triển như thế nào thưa ông?

+ Vào tháng 9/2017, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Quỹ đã tổng kết 5 năm hoạt động. Sau 5 năm, tất cả các quỹ địa phương và cơ quan liên quan đánh giá, Quỹ thực sự hoạt động có hiệu quả, bảo trì, sửa chữa hàng trăm ngàn km đường bộ cấp quốc gia, trong đó có khoảng 22.000 km đường do trung ương quản lý và hơn 500.000 km đường bộ do địa phương quản lý với phân bổ kinh phí hàng năm của quỹ địa phương. Tổng cục Đường bộ và các cơ quan liên quan đang thực hiện tốt công việc của mình.

Trước khi Quỹ thành lập năm 2012, trung bình một năm ngân sách cấp cho Tổng cục Đường bộ thông qua Bộ Giao thông, vận tải trung bình là 2.000 tỷ đồng/năm để bảo trì các tuyến đường trung ương và cấp ngân sách về cho Sở Giao thông, vận tải địa phương để bảo trì các tuyến đường do địa phương quản lý. Vốn đó chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu công tác BTĐB, mà theo quy trình định mức mức của cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ Bảo trì Đường bộ Việt Nam.

Từ năm 2013 trở đi, năm đầu tiên Quỹ thu được trên 4.000 tỷ, trong đó 35% tổng số thu chuyển về các quỹ địa phương, 65% giữ lại cho quỹ trung ương để bảo trì các tuyến đường do trung ương quản lý, sau đó ngân sách cũng có cấp bổ sung vào cho quỹ để bảo trì các tuyến quốc lộ.

Năm đầu tiên, tiền thu của chủ phương tiện đáp ứng được khoảng 20% và ngân sách cấp vào chỉ đáp ứng gần 40% nhu cầu bảo trì.

Qua 5 năm, Quỹ tăng trưởng trung bình 10-15% nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu bảo trì cả nước và các đường địa phương. Công tác bảo trì các cơ quan đang cố gắng thực hiện hết sức, sử dụng tiền phí của người dân đóng vào quỹ một cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên nguồn vốn và nhu cầu chênh nhau quá nhiều, nên để đảm bảo các con đường được êm thuận, an toàn, giữ được các công trình giao thông đường bộ là sức ép, áp lực rất lớn với ngành giao thông, vận tải.

- Thời gian qua, báo Điện tử Tổ Quốc có nhận được thông tin người dân phản ánh rằng, các tuyến, đặc biệt là tuyến ngắn như Hà Nội – Thái Bình, Hà Nội- Nam Định, Hà Nội – Hải Phòng… họ đóng phí chồng phí, vừa đóng phí cho Quỹ BTĐB, vừa đóng tiền phí qua các trạm BOT. Thực tế có tình trạng này không thưa ông?

+ Chúng tôi khẳng định, không có hiện tượng phí chồng phí. Những tuyến đường BOT mà chủ phương tiện đi trên đó thì Quỹ không bỏ tiền ra để bảo trì các tuyến đường ấy, mà các tuyến đường BOT là do nhà đầu tư xây dựng, thu phí, hoàn vốn. Hàng năm công tác bảo trì đường bộ nằm trong phương án tài chính của họ.

Những chủ phương tiện đi vào tuyến đường đó thì họ cũng sẽ đi những tuyến đường khác. Chính những tuyến đường họ đang đi đó, Quỹ BTĐB đã và đang làm. Rõ ràng là không có câu chuyện phí chồng phí.

Tất nhiên mọi việc chỉ có sự công bằng tương đối, giống Bảo hiểm y tế, khi anh mua bảo hiểm có khi năm nay anh không ốm thì không dùng, những người khác ốm lại dùng và ngược lại, đây là sự chia sẻ rủi ro. Việc đóng phí này cũng như vậy, có thể những thời điểm này chủ phương tiện đi nhiều trên tuyến BOT, thời điểm khác lại đi nhiều trên tuyến do Quỹ BTĐB quản lý. Chúng tôi khẳng định không có phí chồng phí và chúng tôi cũng đã tính toán mọi thứ, còn công bằng ở mức tương đối.

- Chủ phương tiện cũng e ngại về tính minh bạch của Quỹ BTĐB, cơ chế chi trả như thế nào, thưa ông?

+ Người dân đóng thuế phí, nói chung có quyền biết được nhà nước đang làm, tuy nhiên không thể biết chi tiết, tường tận quá về việc “đồng nào mua mắm, đồng nào mua muối”, nhà nước phải cân đối và điều hành thì Quỹ này cũng vậy. Chúng tôi thu các nguồn của người dân thì chúng tôi cũng phải nộp vào ngân sách thông qua tài khoản kho bạc và khi chi ra thì có Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông, vận tải… xây dựng kế hoạch và được các cấp phê duyệt kế hoạch bởi Hội đồng Quỹ gồm Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông, vận tải, Bộ Tài chính, Hiệp hội Vận tải ô tô… rất công khai và minh bạch.

Hàng năm chúng tôi đều công khai tại trụ sở cơ quan Bộ Giao thông, vận tải theo quy định: thu bao nhiêu, chi bao nhiêu. Hàng năm đều được Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ Tài chính… thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Năm 2013 Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, năm 2014 thì Thanh tra Bộ Tài chính thanh tra và vừa rồi là Kiểm toán Nhà nước lại kiểm toán 2015-2016, hàng năm đều có sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Nhìn chung các cơ quan đều khẳng định quỹ hoạt động tốt, đúng quy định hiện hành.

Sẽ đổi mới nhiều phương thức hoạt động của Quỹ nhằm đảm bảo minh bạch

- Về quy trình đấu thầu, một số địa phương phản ánh, các tuyến đường được bảo trì lựa chọn nhà thầu có phương pháp thủ công dẫn tới chất lượng công trình sau bảo trì không đảm bảo. Vấn đề này cụ thể như thế nào thưa ông?

+ Về nguyên tắc, chủ đầu tư đấu thầu các công trình sửa chữa đường bộ phải tuân theo quy định của Luật Đấu thầu, lựa chọn nhà thầu xây lắp, còn trong công trình sửa chữa đường bộ, Bộ đã chỉ đạo áp dụng công nghệ tiên tiến trong bảo trì như bảo dưỡng thường xuyên thì tổ chức đấu thầu 3 năm, có tiêu chí cho các đơn vị phải tham gia, khuyến khích nhà thầu tăng cường công nghệ cho BTĐB. Còn sửa chữa lớn, định kỳ chỉ nhà thầu nào đảm bảo năng lực, có kinh nghiệm mới được tham gia. Tất nhiên trong quá trình thực hiện có thể có một số đơn vị thi công chưa đảm bảo an toàn, chưa tuân thủ các quy định của Sở, Cục… thì người dân có quyền phản ánh việc đó và chúng tôi thường xuyên nhắc nhở Tổng cục Đường bộ rà soát, chấn chỉnh. Tổng cục cũng kiểm tra, thanh tra xử phạt rất nhiều đơn vị làm không đúng thủ tục, có đơn vị bị thay thế và đưa ra khỏi dự án.

- Nhiều tuyến đường vào các khu du lịch, khu di tích khá là hẹp, chất lượng đường chưa tốt đã ảnh hưởng phần nào đó tới khách du lịch. Quỹ BTĐB quan tâm tới vấn đề này như thế nào thưa ông?

+ Tuyến đường vào khu du lịch nói riêng thì bản chất nó cũng là đường phục vụ nhu cầu dân sinh của xã hội. Quỹ rất quan tâm và chia sẻ việc đấy, tuy nhiên, các địa phương rất khó khăn trong công tác tìm kiếm các nguồn vốn trong BTĐB. Hiện nay các địa phương mới chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu của họ. Cho nên để đảm bảo các tuyến đường trong đó có các tuyến đường vào các khu văn hóa, khu du lịch… để có chất lượng tốt phải có sự tham gia của nhiều đơn vị. Trong đó tôi được biết, Bộ VHTTDL có những nguồn cho đầu tư kết cấu hạ tầng ở những khu như vậy. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu và ưu tiên cho các công việc như thế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có những quan tâm, chia sẻ với những công việc như vậy. Ví dụ, trên cơ sở đề nghị của các địa phương, chúng tôi đã sửa chữa, đầu tư những tuyến đường ví dụ như vào đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám Cô (Quảng Bình), đường vào khu ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh); đường vào khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình), đảm bảo hộ lan trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); đường về An toàn khu Thái Nguyên, Hang Pắc Bó (Cao Bằng)… quỹ thường xuyên có hỗ trợ triển khai, đảm bảo công tác bảo trì.

Tuy nhiên nhìn nhận lại thì thấy còn nhiều vấn đề còn phải tiếp tục làm để làm sao vừa đảm bảo an toàn giao thông cho người dân và nâng cao hiệu quả để thu hút khách du lịch tới các điểm như vậy.

- Thời gian tới, Quỹ BTĐB có những hoạt động đổi mới của Quỹ trong việc giải ngân và đẩy mạnh minh bạch, công khai tới người dân? Phát hiện ra tuyến đường nào hỏng hóc, xuống cấp thì người dân có thể báo tới cơ quan nào?

+ Hoạt động của quỹ có tốt hay không, người dân có ủng hộ hay không vấn đề đầu tiên là sử dụng vốn một cách hiệu quả, công khai, minh bạch.

Sắp tới, hàng quý chúng tôi sẽ tổng hợp hoạt động thu, chi xong sẽ gửi thông cáo báo chí một cách rộng rãi. Việc này đã làm rồi nhưng chưa được sâu rộng.

Thứ 2, kèm theo đó là các nội dung mà chúng tôi làm trong quý đó làm cái gì, bao nhiêu tiền trên báo chí. Cuối năm sẽ tổng hợp lại yêu cầu báo Giao thông đăng tải những thông tin toàn diện về quỹ trong 1 năm và định hướng trong năm sau.

Chúng tôi yêu cầu Tổng cục Đường bộ triển khai công nghệ nghệ mới, đấu thầu lựa chọn minh bạch, khoa học, để chọn được các đơn vị tốt nhất có thể BTĐB chất lượng, sử dụng nguồn quỹ một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, sẽ rà soát, xem xét lại toàn bộ quy trình cấp phát vốn, giải ngân… từ quỹ trung ương tới các đơn vị để làm sao dòng tiền sẽ được liên tục, không bị ứ đọng, ngừng trệ, đơn vị thực hiện có tiền để làm và đảm bảo chất lượng công trình. Cơ quan quản lý nhà nước thì hoàn thành được việc sử dụng tiền của người dân.

Hiện chúng tôi tiếp nhận thông tin qua quỹ địa phương quản lý hoặc trung ương quản lý, tiếp nhận từ các Sở Giao thông, vận tải, quỹ địa phương, đoàn Đại biểu Quốc hội…. Sau khi nhận được thông tin sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra. Chúng tôi cũng ủng hộ Hiệp hội Vận tải ô tô các địa phương và người dân cả nước khi phát hiện những tuyến đường hư hỏng thì phản ánh kịp thời về các đơn vị trên để Quỹ xử lý kịp thời.

Có thể trong thời gian tới, chúng tôi nghiên cứu và báo cáo rà soát lại hoạt động của hệ thống đường dây nóng để người dân có thể phản ánh kịp thời.

Vừa qua, Hiệp hội vận tải ô tô có ý kiến về việc sửa chữa Quốc lộ 19, Gia Lai. Tuyến đường này bản chất là đưa vào chương trình xây dựng theo cơ chế BOT nên chúng tôi chỉ bảo dưỡng thường xuyên không dám sửa chữa nếu không sẽ lãng phí. Nhưng sau đó, dự án đình hoãn lại thì tháng 7 vừa qua, Quỹ đã đưa tuyến này vào kế hoạch sửa chữa.

- Xin cảm ơn ông!

Song Đào (Thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ