(Tổ Quốc) - Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định nêu nguyên tắc, thẩm quyền, căn cứ, quy trình xem xét việc miễn nhiệm, từ chức với cán bộ lãnh đạo, quản lý; áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Bên lề Quốc hội, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi (ĐBQH đoàn Hải Phòng) đã trao đổi với báo chí về một số vấn đề liên quan đến Quy định này.
Bước tiến rất quan trọng
Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, ở nhiều quốc gia trên thế giới, quy định về miễn nhiệm hay còn gọi là "văn hóa từ chức" đã được thực hiện từ lâu. Tại Việt Nam, năm 2009, Bộ Chính trị cũng đã có những quy định tương tự như vậy.
Trên cơ sở những kinh nghiệm quốc tế và tổng kết thực tiễn từ việc thực hiện Quy định năm 2009, lần này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức. Đây có thể gọi là một bước tiến rất quan trọng.
Quy định này đã kế thừa những bài học tốt đã đạt được trong việc thực hiện những quy định trước đó của Bộ Chính trị. Từ những bài học chưa thành công đã được tổng kết, rút kinh nghiệm, đồng thời xuất phát từ những tư duy, quan điểm mới của Đảng về công tác cán bộ trong các Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII và XIII và gần đây nhất là Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII.
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa thách thức và cơ hội đan xen thì yêu cầu đặt ra là cần thay đổi nhận thức và cách đánh giá cán bộ nhằm tăng cường tính trách nhiệm của cán bộ, cũng như sự lựa chọn cán bộ để rèn luyện theo những yêu cầu phẩm chất mới.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, để Quy định 41 có thể áp dụng vào hoạt động của các tổ chức đảng và hệ thống cơ quan quản lý nhà nước một cách thành công, tránh có sự lợi dụng thì vẫn phải có hướng dẫn thực hiện.
"Quy định lần này đã nêu được những tiêu chí để nhận diện, những căn cứ để miễn nhiệm, thời hạn miễn nhiệm, thời điểm miễn nhiệm và điều kiện miễn nhiệm là rất tốt. Song, hiểu bản chất của từng tiêu chí là gì thì vẫn cần phải có một hướng dẫn chi tiết. Có hướng dẫn là để chúng ta khống chế khả năng làm trái, vì nhiều khi vận dụng không khéo, có thể vẫn dựa vào tinh thần của quy định nhưng vận dụng lệch lạc để gây mất đoàn kết nội bộ, biến thành một công cụ của những nhóm cơ hội" - vị ĐB Đoàn Hải Phòng nêu quan điểm.
Từ chức một cách tự nguyện chứ không phải một sự áp đặt
Phân tích sâu hơn về các quy định làm căn cứ xem xét miễn nhiệm và từ chức, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, đối với miễn nhiệm, trước đây có tình trạng cán bộ có khuyết điểm, gây hậu quả nhất định, chuẩn bị bị kỷ luật miễn nhiệm thì cán bộ đó lại làm đơn xin từ chức.
"Hành vi đó có thể hiểu là cán bộ đã tự hối cải, nhận ra khuyết điểm và đồng ý với tổ chức nhưng tự nhận cho mình một hình thức kỷ luật nhẹ hơn. Tuy nhiên, đôi khi việc từ chức đó khiến người ta nghĩ đến một khía cạnh khác, đó là cán bộ đó chẳng có khuyết điểm gì nhưng anh ta không thích làm nữa. Vì vậy, lần này quy định đã nêu rất rõ là những trường hợp đã xác định cần miễn nhiệm thì phải miễm nhiệm chứ không được phép từ chức" - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.
Đối với vấn đề từ chức, PGS.TS Ngyễn Chu Hồi cho rằng, tổ chức cần phải nắm được những dấu hiệu để nhận biết cán bộ vi phạm ở mức độ miễn nhiệm hay từ chức. Từ chức nói đúng khái niệm là người đó tự nguyện, tự giác nhận thấy khuyết điểm của mình và tự giác sửa chữa bằng cách tự từ chức.
"Để tránh chuyện khi cán bộ có khuyết điểm rõ mười mươi rồi nhưng lại khôn khéo, không chịu từ chức thì quy định lần này cũng nêu rất rõ là có thể trao đổi và gợi ý để cán bộ vi phạm phải thấy được khuyết điểm của mình một cách thật sự. Những gợi ý đó để đảng viên vi phạm không cố tình hoặc không chống lại các nguyên tắc của tổ chức. Từ chức một cách tự nguyện chứ không phải một sự áp đặt, không phải là một sự yêu cầu có tính chất sức ép. Đây chính là tính nhân văn của các tổ chức Đảng" - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nêu quan điểm.
Một trong những điểm mà PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh trong quy định lần này đó là trách nhiệm của người đứng đầu. Lần này quy định đã bổ sung, sử dụng các kết quả miễn nhiệm, từ chức của cán bộ cấp dưới để lượng hóa năng lực, đánh giá thành quả lãnh đạo của người đứng đầu trực tiếp.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, Bộ Chính trị nên ra quy định riêng về trách nhiệm của người đứng đầu để sáng tỏ hơn và dễ thực hiện, dễ vận dụng hơn trong thực tế. Bởi, để cấp dưới quá yếu kém, nhiều cán bộ cấp dưới bị miễn nhiệm hoặc phải từ chức thì người đứng đầu cũng phải bị xem xét./.
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp): "Quy định 41 của Bộ Chính trị đã lượng hoá cụ thể về sự tín nhiệm, uy tín của cán bộ. Cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp nhiều sẽ phải xem xét miễn nhiệm hay từ chức. Những điểm mới của quy định sẽ dần từng bước tạo nên sự chuyển biến trong "văn hoá từ chức" với cán bộ khi mắc khuyết điểm".