• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy định 65 về luân chuyển cán bộ: Ngăn chặn tư tưởng "chạy quy hoạch", luân chuyển để "tráng men", thăng quan tiến chức

Thời sự 23/05/2022 08:54

(Tổ Quốc) - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, Quy định mới của Bộ chính trị về luân chuyển cán bộ sẽ giúp ngăn chặn tư tưởng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển" hay luân chuyển để làm đẹp hồ sơ, thăng quan tiến chức.

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 65 về luân chuyển cán bộ. Theo đó, công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.

Quy định bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ.

Phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để làm rõ hơn ý nghĩa trong Quy định 65 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.

Quy định 65 về luân chuyển cán bộ: Ngăn chặn tư tưởng "chạy quy hoạch", luân chuyển để "tráng men", thăng quan tiến chức - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

- Ông nhìn nhận như thế nào về công tác luân chuyển cán bộ của Đảng, việc luân chuyển cán bộ đem lại thành công, ý nghĩa thế nào, thưa ông?

+ Nhìn lại toàn bộ lịch sử lãnh đạo của Đảng, ở tất cả các thời kỳ Đảng đều chú ý đến việc luân chuyển cán bộ. Trước Cách mạng Tháng Tám, Đảng đã có chủ trương luân chuyển cán bộ từ miền Bắc vào Nam và ngược lại. Nhiều cán bộ cách mạng ở miền Bắc khi đưa vào miền Nam đã đảm nhiệm những chức vụ quan trọng, đóng góp lớn vào thành công của cách mạng.

Sau này khi Cách mạng Tháng Tám thành công, việc luân chuyển cán bộ giữa miền Bắc, miền Nam cũng được thực hiện đều và đem lại kết quả tốt. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất nước chia cắt thì việc luân chuyển, chi viện cán bộ cũng được thực hiện khá bài bản, hiệu quả.

Đến thời kỳ đổi mới, có thể nói công tác luân chuyển cán bộ đã được chú trọng, cụ thể hơn và năm 2002 đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề này.

Từ đó đến nay, có thể thấy công tác luân chuyển cán bộ đã được thực hiện một cách nền nếp, bài bản, bao gồm luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương hay luân chuyển cán bộ ở địa phương lên Trung ương, bên cạnh đó là luân chuyển cán bộ giữa các địa phương với nhau và luân chuyển trong nội bộ các địa phương, từ tỉnh xuống huyện, huyện xuống xã và ngược lại.

Công tác luân chuyển là một khâu trong công tác cán bộ mà sinh thời Bác Hồ cũng rất chú ý. Các bậc lãnh tụ như Lenin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến việc luân chuyển cán bộ chính là rèn luyện, nâng cao trình độ cho cán bộ, tạo điều kiện để có nhiều cán bộ tốt hơn, giỏi hơn, được rèn luyện thử thách.

Qua luân chuyển, có thể thấy đội ngũ cán bộ được luân chuyển đã tiếp cận được thực tiễn nhiều hơn, cũng là dịp để cán bộ thể hiện được năng lực lãnh đạo quản lý, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ mới ở một môi trường mới.

Bên cạnh đó, luân chuyển cũng là dịp để cán bộ vận dụng năng lực, trình độ lý luận vào hoạt động thực tiễn. Khi đi luân chuyển thường sẽ phải đảm nhiệm chức vụ thực tiễn rất phong phú ở địa phương hoặc ở lĩnh vực khác, qua đó rèn luyện phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Tôi thấy chủ trương luân chuyển cán bộ là hoàn toàn đúng đắn và sẽ cần phải thực hiện tốt hơn nữa, bài bản hơn nữa.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác luân chuyển cán bộ thời gian qua đã phát sinh những tồn tại, hạn chế khiến dư luận quan tâm, bức xúc, thưa ông?

+ Đúng như vậy, thực tế đã xuất hiện hiện tượng đáng lo ngại và cũng đã được tổng kết để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng đó là là tình trạng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển". Bên cạnh "chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy án… thì còn xuất hiện cả chạy luân chuyển".

Điều này xuất phát từ lợi ích cá nhân, cán bộ đi luân chuyển muốn được luân chuyển đến chỗ tốt hơn, đến lĩnh vực thuận lợi hơn, tránh chỗ khó khăn. Bên cạnh đó là tình trạng chạy luân chuyển để làm đẹp hồ sơ, để thăng quan tiến chức. Luân chuyển để "tráng men".

Ngoài ra, có những cán bộ đi luân chuyển nhưng chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, coi luân chuyển như một thời gian đi thực tế, không thực sự toàn tâm toàn ý với trách nhiệm, nghĩ rằng đi thực tế rồi về để giữ vị trí cao hơn.

Đây là những hạn chế, tiêu cực xuất phát từ việc lợi dụng chủ trương về luân chuyển cán bộ.

- Quy định 65 lần này của Bộ Chính trị sẽ khắc phục những hạn chế đó thế nào, thưa ông?

+ Khi chúng ta đã biết được những hạn chế như vậy thì sẽ có cách để khắc phục. Đảng đã tổng kết thời gian qua việc luân chuyển cán bộ có những biểu hiện hạn chế như thế nào và Quy định 65 sẽ có giúp giải quyết những hạn chế đó.

Theo tôi, thứ nhất từ phía tổ chức Đảng, chính quyền phải suy nghĩ, bàn bạc một cách khách quan, dân chủ, khi đưa cán bộ đi luân chuyển phải thấy được mặt thuận, mặt chưa thuận và cần thiết như thế nào, thống nhất mục tiêu đưa cán bộ đi phải đạt được điều gì?

Không nên coi việc đưa cán bộ đi luân chuyển là giải pháp tình thế mà phải là chiến lược trong rèn luyện cán bộ vì nó là một khâu trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, cán bộ được luân chuyển phải tự ý thức trách nhiệm của mình, dù có xác định thời gian bao lâu cũng phải toàn tâm toàn ý, không nên nghĩ đi thực tế rồi trở về để lên cao hơn, không đúng ý nghĩa mục tiêu của luân chuyển.

Theo tôi, phải làm sao mỗi cán bộ được luân chuyển thấy được sự cần thiết của công tác luân chuyển và cũng vừa tạo thời gian, điều kiện, môi trường để cán bộ trưởng thành và cống hiến tốt hơn.

Sau thời gian luân chuyển, việc bố trí lại công việc như thế nào là do tổ chức quyết định. Qua tu dưỡng, rèn luyện thực tế mà trưởng thành thì sẽ được giao trọng trách lớn hơn.

Thông qua luân chuyển phải nâng cao trình độ, năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ để từ đó làm rõ những vấn đề lý luận của cách mạng, tránh bệnh hình thức, đi cho đẹp hồ sơ.

Quy định 65 về luân chuyển cán bộ: Ngăn chặn tư tưởng "chạy quy hoạch", luân chuyển để "tráng men", thăng quan tiến chức - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp của Bộ Chính trị. Ảnh TTXVN

- Dư luận quan tâm đến quy trình luân chuyển 5 bước, cũng như thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất 3 năm, điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

+ Quy trình 5 bước lần này nhấn mạnh vai trò của cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ. Như vậy trách nhiệm của cơ quan tham mưu tổ chức – cán bộ là rất quan trọng. Trong đó, có một bước đáng chú ý là cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

Về thời gian luân chuyển, quy định thời gian luân chuyển cán bộ ít nhất 3 năm theo tôi là hợp lý. Phải ít nhất là 3 năm mới đủ điều kiện thực tiễn ở nơi được luân chuyển, nếu ngắn quá thì chưa kịp nhận thực được vấn đề tuy nhiên luân chuyển dài quá cũng không được.

Cá nhân tôi nghĩ thời gian luân chuyển khoảng một nhiệm kỳ 5 năm là thích hợp, đủ điều kiện. Tuy vậy, cũng phải linh hoạt với từng cán bộ, thời gian thế nào cho thích hợp thì cần cụ thể với từng người chứ không nhất thiết có một công thức cứng nhắc.

- Ông kỳ vọng quy định mới về luân chuyển cán bộ sẽ đem lại những hiệu quả như thế nào cho công tác cán bộ thời gian tới?

+ Công tác luân chuyển là một trong những khâu chính trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng vì vậy luân chuyển đóng vai trò rất quan trọng.

Quy định 65 sẽ làm cho công tác luân chuyển cán bộ tốt hơn, chặt chẽ và mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Ngăn chặn tư tưởng "chạy quy hoạch", "chạy luân chuyển" hay luân chuyển để làm đẹp hồ sơ, thăng quan tiến chức.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi tin sắp tới công tác luân chuyển sẽ tạo ra chuyển biến tốt hơn và mang lại hiệu quả thiết thực hơn cho công tác cán bộ.

- Xin cảm ơn ông!

Quy trình luân chuyển 5 bước:

Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp uỷ, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.

Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.

Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).


Xuân Trường (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ