(Tổ Quốc)- Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an khẳng định
(Tổ Quốc)- Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an cho biết như vậy tại buổi họp báo Chính phủ Thường kỳ tối 29/2.
- Thưa ông, từ ngày 6/1 - ngày Thông tư 57 của Bộ Công an về quy định trang bị thiết bị PCCC cho phương tiện cơ giới, trong đó có xe ôtô từ 4 chỗ trở lên tới nay được thực hiện tới đâu?
+ Từ ngày có Thông tư 57 về hướng dẫn về trang bị phương tiện chữa cháy là bình chữa cháy trên xe ô tô 4 chỗ trở lên, xe chở người và các xe chuyên dùng chở chất cháy nổ.
Sau khi thông tư có hiệu lực đến nay (6/1), dù có các ý kiến trái chiều khác nhau nhưng dựa trên các luồng thông tin đấy cũng là điều kiện để chúng tôi rà soát lại Thông tư.
Từ ngày Thông tư có hiệu lực đến nay cứ trung bình hai ngày lại xảy ra một vụ cháy xe ô tô (19 vụ). Qua theo dõi các vụ nói trên, việc sử dụng bình chữa cháy ở trên xe và các xe lân cận đã được xử lý kịp thời và chúng tôi đánh giá là mang lại hiệu quả tốt. Việc ban hành thông tư hướng dẫn về PCCC, Luật Giao thông Đường bộ… bước đầu đã đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, qua ý kiến của cơ quan báo chí chúng tôi cũng nhận thấy cần tự kiểm điểm khắc phục các vấn đề còn tồn tại như chưa hướng dẫn một cách chi tiết, rõ ràng cho việc thực hiện Thông tư phù hợp với thực tiễn. Hiện chúng tôi đang phối hợp với các bộ phận chức năng, các hãng xe, Bộ Công Thương… để cung cấp các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan để phục vụ người dân tốt hơn.
Ông Đoàn Hữu Thắng trả lời tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29/2
- Xuất phát từ đâu để Bộ Công an đưa ra Thông tư này thưa ông?
+ Theo quy định của Luật, Nghị định và trách nhiệm của Bộ là phải hướng dẫn về việc sử dụng các bình chữa cháy trên các phương tiện giao thông cơ giới. Với tinh thần đó, Bộ Công an lẽ ra phải hướng dẫn từ khi có Luật, Nghị định nhưng vì nghiên cứu để phù hợp với thực tiễn, đại chúng và các điều kiện kinh tế xã hội, nhận thức của mọi người dân tới lúc chín muồi sẽ hướng dẫn cụ thể.
Đến nay đã đủ điều kiện để hướng dẫn, giá thành bình cứu hỏa cũng không phải là việc nặng nề với chủ phương tiện.
Nhiều nhà báo nói rằng cháy thì chỉ có chạy đi thôi chứ làm gì được nữa mà chữa? Thực tiễn không phải như thế, không phải khi cháy thì xe ô tô nổ ngay mà cháy có nhiều tình huống khác nhau. Người ta có thể xử lý kịp thời để cứu tài sản. Trên thực tế từ khi Thông tư có hiệu lực đã cứu được nhiều phương tiện bằng việc trang bị bình chữa cháy.
Thời gian qua có rộ lên vấn đề chất lượng bình chữa cháy, chúng tôi có cho kiểm tra các bình tự nổ và đó là hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Việc này cũng phải thừa nhận với nhau, không chỉ lĩnh vực hàng hóa này chưa quản lý hết được nên dẫn tới hàng trôi nổi, không kiểm định, không dán tem. Nếu làm tốt chắc chắn không có chuyện hàng không có chất lượng.
- Vậy có lợi ích nhóm trong kinh doanh bình chữa cháy không thưa ông?
+ Câu hỏi này các nhà báo đã hỏi và tôi xin nhắc lại, ở Bộ Công an và Cục tôi tham gia xây dựng văn bản này tuyệt đối không có một ai "vấn vương" tư tưởng về lợi ích nhóm cả. Vì nếu liên quan, chúng tôi đã cung ứng được đầy đủ bình chữa cháy, phải đặt ngược lại vấn đề như thế.
Về kinh doanh bình chữa cháy ở Việt Nam có hai nhà sản xuất nhưng giá cao và mọi người không muốn mua. Còn lại đại bộ phận là hàng nhập khẩu của nhiều nước trên thế giới. Tôi khẳng định, khi có thông tin về vấn đề lợi ích chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại ngay. Đây là hành vi vi pham pháp luật nghiêm trọng và sẽ nghiêm chỉnh kiểm tra.
Tôi rất muốn các nhà báo ủng hộ các hướng dẫn để đưa quy định vào đời sống. Còn cái vướng, chưa đầy đủ, chúng tôi sẽ dần hoàn thiện, tránh trường hợp chúng tôi là người rất tích cực, vì lợi ích người dân nhưng bị hiểu chưa đúng khiến chúng tôi cảm thấy làm việc này mà như mắc lỗi, đang làm ảnh hưởng tới vấn đề của mọi người. Chúng tôi cảm thấy rất là buồn. Tất cả sức lực, trí tuệ của chúng tôi chỉ mong sao để đảm bảo an ninh, trật tự tốt hơn, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống.
- Xin cảm ơn ông!
Song Đào