(Tổ Quốc) - Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách diễn ra sáng 28/3, các ĐBQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi). Trong đó, vấn đề về khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Báo cáo số 87/BC-CP, Chính phủ đề nghị quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.
Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này, đồng thời dự kiến sửa đổi, bổ sung như sau: Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Cũng tại Hội nghị, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết thêm, về Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca hiện nay đã được điều chỉnh tại Hiến pháp và rất nhiều văn bản khác. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự đã có quy định xử lý hành vi xâm phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Vì thế, ở luật này chỉ quy định trên phương diện sở hữu trí tuệ.
Cần phải có những quy định riêng và đối xử đặc biệt
Trong thảo luận sau đó, các đại biểu bày tỏ đồng tình với đề xuất này. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ kịp thời bổ sung nội dung trên vào dự Luật lần này vì vừa qua trên thực tế cũng có vấn đề phát sinh.
Đồng quan điểm trên, ĐBQH Lê Minh Nam (đoàn Hậu Giang) cho rằng, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng quốc gia được ghi trong Hiến pháp, do đó cũng cần phải có những quy định riêng và đối xử đặc biệt hơn so với những tác phẩm văn học nghệ thuật thông thường khác.
Theo ĐB này, nếu không quy định cụ thể về quyền tác giả, các quyền liên quan thì có thể xảy ra việc nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi ngăn chặn, cản trở, việc phổ biến hay xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
"Việc có thêm quy định về hành vi, chế tài, bản quyền đối với nội dung có tính chất pháp lý quan trọng cần thiết, nhằm vừa giữ gìn tính pháp lý, trang nghiêm, tôn nghiêm vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến cho nhân dân, quốc tế, thực tiễn như đề nghị của Chính phủ" - ĐB Lê Minh Nam nhấn mạnh.
Nêu lại vụ việc người hâm mộ không được nghe Quốc ca trong trận đấu đội tuyển quốc gia Việt Nam gặp đội tuyển Lào, ĐBQH Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai), Uỷ viên Thường trực Ủy ban Tư Pháp của Quốc hội cho biết, qua rà soát cho thấy lỗ hổng pháp lý khá lớn khi chưa có văn bản nào quy định về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
"Việc sửa luật lần này nên chăng cần xử lý. Thẩm quyền quy định sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không ai phù hợp hơn Chính phủ nên giao Chính phủ quy định" - ĐB Nguyễn Công Long nêu quan điểm./.