• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Quy hoạch du lịch còn nhiều bất cập”

Du lịch 10/06/2015 17:10

(Toquoc)- Đây là nhận định của PGS. TS Phạm Trung Lương – Viện phó Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam.

(Toquoc)- Đây là nhận định của PGS. TS Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam bên lề Hội thảo “Hướng tới giai đoạn mới trong xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch” diễn ra tại Hà Nội sáng 10/6.

Sự kiện này do Dự án EU-ESRT phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia du lịch trong nước và quốc tế nhằm nâng cao năng lực xây dựng quy hoạch du lịch và hướng tới xây dựng một chiến lược phát triển phù hợp với tình hình mới.

“Cái khó bó cái khôn”

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh – Chuyên gia dự án EU nhấn mạnh,Quy hoạch du lịch là quy hoạch ngành và du lịch được xác định là ngành kinh tế tổng hợp, quan trọng có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hoá cao. Đối với mọi cấp, quy hoạch du lịch là rất cần thiết để có thể quản lý và thành công trong sự phát triển ngành du lịch. Kinh nghiệm quốc tế và ở Việt Nam đã cho thấy những địa bàn phát triển du lịch không có quy hoạch đều gặp phải những vấn đề về xã hội và môi trường, giảm lợi ích về kinh tế, không thể nào cạnh tranh một cách hiệu quả đối với bất kỳ một nơi nào đã có quy hoạch du lịch.

PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh cho rằng, trước tiên, ngành du lịch cần được quy hoạch du lịch ở cấp quốc gia và vùng. Chất lượng quy hoạch phát triển du lịch quốc gia và vùng chính là nhân tố đảm bảo cho những định hướng quan trọng cho công tác quy hoạch du lịch ở những cấp thấp hơn.





Hội thảo nhằm hướng tới giai đoạn mới trong xây dựng lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch

Theo đó, để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả và lợi ích đạt được, việc lập quy hoạch phát triển du lịch phải đảm bảo phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược phát triển ngành Du lịch; bảo đảm tính khả thi, cân đối giữa cung và cầu du lịch, đồng thời phát huy được thế mạnh để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương, từng vùng nhằm sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên du lịch…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thực tế quy hoạch phát triển du lịch hiện nay của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, khiến cho quy hoạch chưa đi vào cuộc sống và phát triển du lịch không đạt được mục tiêu như mong muốn. PGS. TS Phạm Trung Lương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Du lịch Việt Nam cho rằng, bất cập thấy rõ nhất hiện nay là công tác quy hoạch du lịch ở Việt Nam còn thiếu tính hệ thống, liên ngành, dẫn đến hệ quả khó khả thi trong cuộc sống vì “đối chọi” với quy hoạch của các ngành khác, như: giao thông vận tải, xây dựng v.v…

Thứ hai, quá trình lập quy hoạch còn thiếu thông tin, không chỉ thông tin về du lịch trong nước mà cả khu vực và quốc tế. Việc hạn chế thông tin khiến cho việc xác định thị trường mục tiêu, nhu cầu thị trường cần gì, trong thời gian nào…được thể hiện thiếu chuẩn xác trong quy hoạch. “Du lịch là ngành kinh tế, vận hành dựa trên nguyên tắc cung-cầu của kinh tế thị trường, nếu thiếu thông tin về thị trường thì rất thiếu sót. Tuy nhiên, những chuyên gia làm du lịch lại ít có điều kiện để đi hoặc thiếu nguồn lực để làm được công việc này” – ông Lương bày tỏ.

Bất cập thứ ba là sự phối hợp trong công tác quy hoạch giữa ngành với ngành, giữa ngành với địa phương vẫn có sự “lệch pha”. Bên cạnh đó, nguồn vốn cho việc lập và triển khai quy hoạch còn quá “khiêm tốn” khiến cho chất lượng và hiệu quả quy hoạch không đạt được như mong muốn.

Ngoài ra, theo PGS. TS Phạm Trung Lương, một bất cập rất lớn là hội đồng để duyệt quy hoạch thường không phải là chuyên gia về quy hoạch du lịch, dẫn đến các kết luận của các cuộc thẩm định quy hoạch thiếu tính chuyên môn. Những bất cập này chính là những nguyên nhân khiến cho quy hoạch du lịch chưa thể đi vào cuộc sống.

Vẫn còn tư duy “mạnh ai nấy làm”

Theo các chuyên gia du lịch, chính vì các quy hoạch du lịch hiện nay thiếu tính hệ thống, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương phát triển du lịch theo cách manh mún, “mạnh ai nấy làm” mà không có sự nghiên cứu tổng thể. “Khi quy hoạch du lịch, các địa phương thiếu sự tham khảo các quy hoạch cấp cao hơn để biết địa phương vùng này thì nên tập trung vào sản phẩm gì. Các địa phương thường bỏ qua cách làm đó mà có tâm lý “có cái gì làm cái đó”, dẫn đến tình trạng không có giá trị vẫn khai thác nên không có hiệu quả. Thực tế, tuy chỉ làm quy hoạch cho một lãnh thổ hoặc một vùng nhưng người làm quy hoạch vẫn phải nghiên cứu tất cả các lãnh thổ xung quanh. Nếu chỉ nghiên cứu riêng cho lãnh thổ đó thì làm quy hoạch sẽ thất bại”- PGS. TS Phạm Trung Lương bày tỏ.





Chính vì các quy hoạch du lịch hiện nay thiếu tính hệ thống, dẫn đến tình trạng nhiều địa phương phát triển du lịch theo cách manh mún, “mạnh ai nấy làm” (Ảnh: N. Thành)

Đồng tình với ý kiến này, TS. Dương Đình Hiền - Trưởng phòng Quy hoạch, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho biết, một trong những khó khăn hiện nay của việc quy hoạch du lịch là tài nguyên du lịch-yếu tố hình thành nên sản phẩm du lịch- của các vùng tương đối giống nhau. “Ví dụ, vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nơi nào cũng có biển, có văn hóa Chăm, thì công tác lập quy hoạch rất khó để tìm được đặc thù riêng cho mỗi địa phương. Theo quan điểm của quy hoạch, dùng văn hóa của mỗi khu để tạo nên sản phẩm. Định hướng quy hoạch là như vậy, nhưng xây dựng sản phẩm thực tế lại vấp phải những khó khăn nhất định khiến cho mục tiêu không đạt được” – TS Dương Đình Hiền chia sẻ.

Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan đó, TS Hiền cho rằng, nguyên nhân còn ở việc hầu hết các địa phương vẫn mang nặng tâm lý “mạnh ai nấy làm”, chứ không theo quy hoạch tổng thể. “Trong quy hoạch vẫn định hướng tạo sản phẩm chủ lực cho mỗi vùng, vùng này có sự khác biệt với vùng kia ở sản phẩm mũi nhọn. Thế nhưng, thực tế các địa phương không áp dụng như vậy bởi vì địa phương nào cũng muốn nhiều sản phẩm, phát huy thế mạnh chứ không nhất nhất theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng phát triển tràn lan, sản phẩm giống nhau" - TS Hiền đánh giá.

Góp mặt tại Hội thảo, GS. TS. Martin Fontanari – Chuyên gia Dự án EU nhận định, Việt Nam rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Thậm chí, so với các nước trong khu vực, tiềm năng du lịch của Việt Nam còn có phần vượt trội hơn, bởi địa hình trải dài, có thể kết hợp biển và núi, sở hữu nhiều vùng đất còn hoang sơ.. là lợi thế không phải quốc gia nào cũng có. Tuy nhiên, GS. TS Martin cũng công nhận rằng, điều còn thiếu của du lịch Việt Nam là một chiến lược chung, hay chính là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt để tất cả các bên liên quan bám sát vào “sợi chỉ đỏ” ấy để có cùng một mục tiêu chung, một hướng đi chung. Bên cạnh đó, ông cho rằng, hiện nay du lịch Việt Nam cần coi trọng phân tích thị trường trong quy hoạch, xem khách cần gì để hướng tới xây dựng sản phẩm cho phù hợp.



“Thị trường mục tiêu thì Việt Nam đã có Châu Âu, châu Úc, Châu Á, hay châu Mỹ nhưng vấn đề cần làm là nghiên cứu thị trường để xác định rõ những thị trường mục tiêu nào muốn hướng đến và tập trung vào các sản phẩm mục tiêu ấy thôi sẽ tốt hơn. Các bạn có thể đến gặp các nhà điều hành tour ở các thị trường mà các bạn muốn hướng đến và cung cấp, tư vấn cho họ sản phẩm nào phù hợp với thị trường khách mà mình muốn hướng đến” – GS. TS Martin gợi ý./.

Bài&ảnh: Thảo Linh

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ