(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng Quy hoạch hệ thống du lịch cần đặt ra những mục tiêu cao hơn, mang tính thách thức để có những giải pháp, điểm nhấn đột phá.
Tại phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh Quy hoạch hệ thống du lịch là cơ sở quan trọng để khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, đồng thời tạo đột phá cho ngành du lịch đi trước một bước trong thực hiện chuyển đổi xanh cho các ngành kinh tế.
Những vấn đề đặt ra đối với Quy hoạch hệ thống du lịch là xác định rõ nội hàm, yếu tố cấu thành; cơ chế vận hành, liên kết với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng; kết nối giữa du lịch và các ngành kinh tế khác.
Phấn đấu trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Quy hoạch dựa trên một số quan điểm là: Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP; phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác có hiệu quả du lịch nội địa; phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia; gắn du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc, chuyển đổi số…
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Việt Nam đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4-5%/năm. Đóng góp của du lịch trong GDP đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 10-11% GDP; tạo ra khoảng 6,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,2 triệu việc làm trực tiếp.
Du lịch Việt Nam phấn đấu đến năm 2045 trở thành điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương; dự kiến đón 70 triệu khách quốc tế, 260 triệu khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 7.245 nghìn tỷ đồng; đóng góp 12-13% GDP.
Cùng với định hướng phát triển thị trường (nội địa và quốc tế), Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, các dòng sản phẩm chính là du lịch biển; giá trị văn hóa vùng miền; du lịch sinh thái; sản phẩm du lịch gắn với trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị - xã hội…; các loại hình du lịch mới (du lịch kết hợp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch công nghiệp; du lịch thể thao…)
Định hướng phát triển không gian du lịch gồm 6 vùng, 2 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch, 9 trung tâm du lịch và các khu du lịch quốc gia.
Các lĩnh vực ưu tiên tập trung vào những điểm nghẽn, điểm yếu của du lịch Việt Nam như hạ tầng và cơ sở vật chất điểm đến, lưu trú; khả năng kết nối liên ngành, liên vùng; sản phẩm và thương hiệu du lịch quốc gia; nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá và phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch.
Theo đó, có 9 nhóm giải pháp được đề xuất nhằm thực hiện quy hoạch liên quan đến cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý hoạt động du lịch; liên kết, hợp tác trong phát triển; phát triển thị trường, sản phẩm; quảng bá, xúc tiến; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu và các giải pháp khác.
Đặt ra những mục tiêu cao hơn, mang tính thách thức để có những giải pháp, điểm nhấn đột phá
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng Quy hoạch hệ thống du lịch là một bước cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế-xã hội, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng; thể hiện quan điểm du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tiên phong đi đầu và thúc đẩy các ngành khác chuyển đổi xanh…
Những nội dung được nêu trong Quy hoạch phải là kết quả nghiên cứu khoa học, trên cơ sở thông tin điều tra, đánh giá nguyên nhân tồn tại, hạn chế khi thực hiện quy hoạch du lịch trước đây theo tiêu chí cụ thể; đồng thời xác lập, giải quyết mối quan hệ giữa du lịch với các ngành, lĩnh vực công nghiệp văn hoá, giao thông, dịch vụ thương mại, thuế quan, nông nghiệp, môi trường, an toàn thực phẩm, nhận thức của cộng đồng, xã hội…, cũng như giữa các địa phương, vùng miền.
"Quy hoạch cần đặt ra những mục tiêu cao hơn, mang tính thách thức để có những giải pháp, điểm nhấn đột phá", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về tổ chức không gian du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng cần mở rộng mô hình kết nối du lịch "một con đường, nhiều điểm đến" theo địa lý vùng, miền sang các chuỗi sản phẩm du lịch mang tính bổ trợ lẫn nhau từ vùng núi đến miền biển, từ các di sản, di tích văn hoá, lịch sử đến cảnh sắc thiên nhiên, và học hỏi, tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Phó Thủ tướng cũng gợi mở hướng phát triển thị trường, sản phẩm du lịch; tiêu chí của các trung tâm du lịch quốc gia; chỉ số đánh giá hiệu quả kinh tế tổng hợp của ngành du lịch; dự báo nhu cầu và phương án đào tạo nhân lực du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho du khách, đổi mới phương thức quản trị; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn lực đầu tư, đất đai, tài chính, kết nối liên ngành, liên vùng,…
"Đơn vị tư vấn cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp tại phiên họp, của các hội đồng vùng, các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp du lịch, tổ chức xã hội, nghề nghiệp… hoàn thiện Quy hoạch hệ thống du lịch có chất lượng, đổi mới, đột phá và có khát vọng vươn lên", Phó Thủ tướng nói.