(Tổ Quốc) - Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương) vừa tổ chức cuộc họp thẩm định, góp ý dự thảo nhiệm vụ lập quy hoạch.
- 16.02.2022 Chùa Hương ngày đầu chính thức mở lại: Hàng nghìn người chen nhau lễ Phật ở động Hương Tích, hứng "nước lộc" rồi thoa lên mặt
- 16.02.2022 Ảnh: Du khách đội mưa, đổ về chùa Hương dâng lễ từ sáng sớm trong ngày chính thức mở cửa trở lại
- 15.02.2022 Du khách thi nhau xoa đầu tượng "thần hổ" ở chùa Hương, cầu mong bách bệnh tiêu tan
- 12.02.2022 Hà Nội: Xử lý hàng loạt "cò mồi" lôi kéo, tranh giành khách tham quan chùa Hương
- 11.02.2022 Chùa Hương bất ngờ bán vé đón khách trước ngày mở cửa gần 1 tuần
Cuộc họp nhằm thông qua ý kiến phản biện, góp ý của đại diện các Bộ, ngành, các nhà khoa học và thành viên Hội đồng để tạo cơ sở hoàn thiện, trình nhiệm vụ lập quy hoạch lên Thủ tướng Chính phủ.
Cần khai thác hiệu quả, tương xứng với tiềm năng
Quần thể di tích Hương Sơn gồm hệ thống 21 di tích, bao gồm đình, chùa, miếu, hang động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn ở 5 thôn: Yến Vỹ, Đục Khê, Hội Xá, Tiên Mai và Phú Yên. Các di tích Phật giáo này được chia làm 3 tuyến chính là: Thiên Trù - Hương Tích; Tuyến Long Vân - Thanh Sơn; Tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn. Nổi bật quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn là các Chùa, động ở đây được phát hiện và xây dựng vào các thế kỷ 17,18, 19. Không gian di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Chùa Hương có hệ núi non kỳ vỹ, điệp điệp trùng trùng và huyền ảo. Các dãy thạch nhũ muôn hình vạn trạng mà dân gian gọi bằng cái tên dân giã như cây vàng, cây bạc, đụn gạo, chuồng lợn, nong tằm, né kén, ao bèo gắn với tín ngưỡng nông nghiệp. Hàng năm chùa Hương đón gần 2 triệu du khách về lễ Phật, cầu may.
Tóm tắt nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn, đại diện Viện Bảo tồn di tích cho biết, để xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, đơn vị tư vấn đã thu thập các cơ sở dữ liệu, khảo sát tổng thể di tích... Nhiệm vụ lập quy hoạch đã được thông qua UBND huyện Mỹ Đức và các Sở, ban, ngành của Hà Nội, cộng đồng dân cư nơi có di tích. Những ý kiến tại cuộc họp này sẽ được tổng hợp, tiếp thu để tiếp tục hoàn thiện.
Tiềm năng du lịch của quần thể di tích này rất lớn, tuy nhiên, hiện nay di tích chưa được bảo tồn và khai thác hiệu quả, tương xứng với tiềm năng; hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật còn trong tình trạng xuống cấp; các dịch vụ kinh doanh phát triển tự phát và cạnh tranh mạnh mẽ, lấn chiếm không gian di tích và thắng cảnh, làm mất đi hình ảnh đẹp của chùa Hương.
Việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể Hương Sơn vì vậy là việc làm cấp thiết nhằm tạo cơ sở triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật với mục đích bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích, tạo điều kiện sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên du lịch. Đây cũng là cơ sở quy hoạch, quản lý và triển khai các dự án mới phù hợp với quần thể di tích, cân bằng lợi ích kinh tế và xã hội, bảo vệ các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm bảo tồn, tu bổ, gìn giữ các giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, kiến trúc nghệ thuật của quần thể di tích; làm cơ sở khoa học trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Hương gắn với phát triển du lịch, kinh tế, xã hội, nâng cao mức sống và tạo sinh kế ổn định cho người dân.
Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn cũng trình bày quá trình thực hiện nhiệm vụ và các ý kiến góp ý cho nhiệm vụ; đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; khái quát hiện trạng di tích; điều kiện kinh tế, xã hội; hiện trạng phát huy giá trị di tích gắn với du lịch; tác động của dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm 2020-2021; đề xuất nội dung về định hướng bảo tồn di tích...
Về hiện trạng tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, BQL di tích trong thời gian qua đã đã kết hợp với các cấp có thẩm quyền thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo; các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng cơ sở. Giá trị di tích Hương Sơn được phát huy qua các hoạt động du lịch, tâm linh tín ngưỡng, điển hình là lễ hội chùa Hương hằng năm là lễ hội có quy mô lớn nhất và nổi tiếng nhất ở miền Bắc Việt Nam.
Hiện di tích còn tồn tại một số vấn đề bất cập: các công trình phát huy giá trị di tích phân bổ và hoạt động chưa hợp lý, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh di tích...; tình trạng quá tải mùa lễ hội; trong quần thể di tích còn có nhiều khu vực thắng cảnh đẹp chưa được khai thác; thiếu các dịch vụ bổ trợ góp phần phát huy giá trị di tích; các sản phẩm du lịch chưa đa dạng...
Phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh nhấn mạnh, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội thì nhiệm vụ lập quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di tích chùa Hương là rất cần thiết. Lãnh đạo huyện bày tỏ mong muốn các nhà khoa học, các Bộ, ngành đóng góp ý kiến để nhiệm vụ lập quy hoạch sớm được xem xét, làm cơ sở cho các bước tiếp theo, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhiệm vụ lập quy hoạch, đồng thời lưu ý địa phương và đơn vị tư vấn cần chú trọng các nội dung cốt lõi, bảo đảm phát huy giá trị di tích trên cơ sở giữ nguyên yếu tố gốc, bảo tồn di sản gắn với bảo tồn nguyên trạng hệ sinh thái, địa hình địa mạo, hướng đến mục tiêu phát triển du lịch.
Ông Đỗ Đình Hồng cũng nhấn mạnh việc cần thiết phải tuyên truyền, định hướng cho nhiệm vụ lập quy hoạch, đảm bảo logic từ tên gọi, nội dung bố cục và đặc biệt là nội hàm của quy hoạch...
Quy hoạch hướng tới việc bảo tồn bền vững
Tại buổi làm việc, thành viên Hội đồng gồm các chuyên gia, nhà khoa học tên tuổi, đại diện các Bộ, ngành đã phản biện, đóng góp ý kiến cho nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn. Các ý kiến nhấn mạnh nhiệm vụ lập quy hoạch cần tuân thủ các quy định pháp luật về di sản văn hóa, xây dựng, quản lý đất đai, tài nguyên môi trường... đồng thời phải thể hiện rõ vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương), Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh: Chùa Hương là di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt, điểm đến nổi tiếng không chỉ của Hà Nội mà của cả nước, từ lâu đã được khai thác, phát huy giá trị. Tuy nhiên trong giai đoạn mới, vấn đề quy hoạch phù hợp đang được đặt ra một cách cấp thiết.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định, cần sự thận trọng trong xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch đối với quần thể di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn. Những ý kiến quan trọng tại cuộc họp là cơ sở để đơn vị tư vấn tiếp thu, không chỉ để hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch mà rất cần thiết trong giai đoạn sau là thực hiện quy hoạch.
"Di tích chùa Hương nhiều năm qua là một địa điểm thu hút đông du khách, bên cạnh mặt tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề cần sớm khắc phục. Chưa có một quy hoạch hướng tới việc bảo tồn bền vững giá trị di tích, vì vậy, nhiệm vụ lập quy hoạch là việc cần thiết..."- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhận định, vai trò của địa phương cần được thể hiện rõ. Thứ trưởng yêu cầu, quy hoạch của di tích chùa Hương cần thống nhất với quy hoạch của huyện Mỹ Đức và Thủ đô Hà Nội. "Với tầm quan trọng và những giá trị lịch sử văn hóa trải dài của di tích, đây là một quy hoạch có tính chất phức tạp. Địa phương và đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp này, bổ sung những nội dung cần thiết để sớm hoàn thiện nhiệm vụ lập quy hoạch, tạo nền tảng cho các bước tiếp theo"- Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu./.