(Tổ Quốc) - Mục tiêu đặt ra đối với phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 là xây dựng và phát triển nền TDTT tiên tiến, hiện đại và khoa học, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền TDTT phát triển ở châu lục, đứng trong tốp 10 của châu Á.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi được ban hành, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, phát triển văn hóa và thể thao đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt và đạt được những thành tựu nhất định. Đến nay, các chiến lược, quy hoạch về cơ bản đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ngày 29/6/2021, Thủ tướng chính phủ đã bàn hành Quyết định số 1014 phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch lập "Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2045" trong đó Bộ VHTTDL được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai thực hiện Quy hoạch này.
Phát biểu trong buổi Hội thảo tham vấn Dự thảo "Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn 2045" diễn ra vào ngày 19/10 vừa qua tại Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Sĩ, đại diện đơn vị tư vấn Liên danh Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia - Công ty Cổ phần Quy hoạch Hà Nội cho biết, các mạng lưới Trung tâm đào tạo, huấn luyện VĐV thể thao; Trung tâm hoạt động thể thao; Cơ sở dịch vụ thể thao, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng VĐV; Cơ sở nghiên cứu, đào tạo TDTT; Trụ sở cơ quan TDTT... đều được đánh giá dựa trên các tiêu chí kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế.
Trong đó, các mạng lưới thể thao của Việt Nam về cơ bản đều gặp khó khăn về nguồn nhân lực, kinh phí và trang thiết bị...
"Do vậy, ta cần đặt ra vấn đề phải xây dựng cấu trúc không gian MLCS mang tính hệ thống, nâng cao hiệu quả liên kết vùng, miền, liên kết giữa các đối tượng. Bên cạnh đó, cần phát triển theo xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế hóa trong các hoạt động văn hóa thể thao, đổi mới phương thức hoạt động theo hướng tập trung vào chiều sâu, nâng cao chất lượng hoạt động, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, thực thi hoạt động" - ông Nguyễn Tiến Sĩ nói.
Đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền TDTT phát triển ở châu lục
Ông Sĩ khẳng định, phát triển TDTT là yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm nâng cao sức khỏe, thể lực, tầm vóc, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ của người dân, góp phần củng cố khối địa đoàn kết toàn dân và quảng bá hình ảnh, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Dự thảo "Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn 2045" cũng đặt mục tiêu đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng các công trình thể thao trọng điểm, công trình thể thao phúc lợi và thực hiện chính sách xã hội trọng lĩnh vực TDTT; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, khai thác đất đại, công trình, tổ chức các dịch vụ đầu tư. Từ đó, tăng cường đầu tư cho phát triển sự nghiệp TDTT, mở rộng khả năng tiếp cận của các tầng lớp nhân dân đối với các loại hình dịch vụ TDTT; đảm bảo sự cân đối hài hòa, phù hợp giữa các vùng miền, giữa phát triển TDTT cho mọi người với phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường tính đồng bộ, liên thông, kết nối hiệu quả giữa các cơ sở TDTT; gắn kết hoạt động phát triển TDTT với các nhiệm vụ KT-XH; xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ, Dự thảo khẳng định, cần tăng cường và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính kế thừa, ổn định, khoa học, nâng cao khả năng cạnh tranh về thành tích, rút ngắn khoảng cách phát triển với thể thao thế giới. Ưu tiên đầu tư chuyên biệt cho công tác chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự các kỳ Đại hội thể thao châu lục và thế giới.
"Mục tiêu đặt ra đối với phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia là xây dựng và phát triển nền TDTT tiên tiến, hiện đại, khoa học và nhân dân; Phát triển mạng lưới cơ sở TDTT quốc gia đồng bộ, có một số công trình xây dựng đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện TDTT mang tầm khu vực và quốc tế, thúc đẩy phát triển các sản phẩm dịch vụ TDTT có chất lượng cao phục vụ nhu cầu tập luyện và thi đấu của VĐV, đưa trình độ một số môn thể thao trọng điểm nâng cao ngang tầm châu Âu và thế giới, bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới; Phấn đấu đến năm 2045 hình thành xã hội tập luyện TDTT thường xuyên với đa số người dân tham gia, Việt Nam trở thành quốc gia có nền TDTT phát triển ở châu lục, đứng trong tốp 10 của châu Á" - ông Nguyễn Tiến Sĩ nhấn mạnh.
Mục tiêu cụ thể đối với phát triển mạng lưới cơ sở thể dục thể thao quốc gia:
- - Mở rộng, nâng cấp hiện đại hóa 4 Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia (Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Tp Hồ Chí Minh), đáp ứng yêu cầu huấn luyện các môn thể thao thành tích cao và nâng cao thành tích thi đấu của TTVN tại Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới
- - Tiếp tục đầu tư xây dựng các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Tam Đảo, Sapa, Hà Nam, Đà Lạt, Kon Tum, Bình Thuận.
- - Đầu tư hình thành các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia theo chức năng hoặc chuyên sâu từng môn.
- - Mở rộng, nâng cấp, hiện đại hóa các Trung tâm huấn luyện thể thao lực lượng vũ trang trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
- - Xây dựng, nâng cấp hệ thống Khu Liên hợp thể thao quốc gia đáp ứng yêu cầu tổ chức Đại hội thể thao khu vực và châu lục. Hoàn thành cơ bản xây dựng Khu Liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Nâng cấp Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình. Tiếp tục xây dựng Khu Liên hợp thể thao quốc gia Hòa Xuân.
- - Xây dựng, nâng cấp các khu liên hợp thể thao các tình, thành phố trực thuộc trung ương đóng vai trò là cơ sở liên kết tổ chức Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á, Đại hội thể thao châu Á, thúc đẩy phát triển TDTT vùng, liên vùng.
- - Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở nghiên cứu, đào tạo TDTT quốc gia
- - Mở rộng, nâng cấp cơ sở vật chất của Viện Khoa học TDTT, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu nghiên cứu cơ bản về nghiên cứu ứng dụng trọng lĩnh vực TDTT của đơn vị.
- - Hình thành các phòng nghiên cứu, huấn luyện công nghệ cao tại các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia, Viện Khoa học TDTT.
- - Nâng cấp, hiện đại hóa các cơ sở đào tạo TDTT thuộc Bộ VHTTDL và Bộ Giáo dục – Đào tạo quản lý. Triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TDTT chất lượng cao
- - Hoàn thành, xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu TDTT quốc gia, từng bước ứng dụng khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu, đào tạo và quy hoạch phát triển TDTT.
- - Xây dựng mạng lưới cơ sở y tế chuyên ngành, ứng dụng công nghệ kĩ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng cho VĐV thể thao, các trọng tài, HLV, cán bộ làm công tác thể thao và nhân dân
- - Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Thể thao Việt Nam trở thành trung tâm khám bệnh, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng cho VĐV đạt trình độ khu vực và quốc tế. Bệnh viện có cơ sở, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khám, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng cho các VĐV.
- - Thực hiện cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa trong xây dựng mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia để hình thành các Trung tâm dịch vụ huấn luyện, đào tạo VĐV trẻ, trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao; trung tâm dịch vụ khám bệnh, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng cho VĐV, trung tâm công nghệ cao trong lĩnh vực TDTT.