• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy hoạch phải cân đối, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội

Thời sự 02/03/2022 21:28

(Tổ Quốc) - Ngày 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố về đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và tham vấn về định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch phải cân đối, hài hòa giữa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì và phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, chúng ta đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật Quy hoạch và đã có những tiến bộ nhất định.

Tuy nhiên, tiến độ vẫn chưa được như kế hoạch đề ra và chất lượng còn nhiều băn khoăn, chưa được như mong muốn để có những quy hoạch thật tốt, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Nhấn mạnh hai điểm mấu chốt trong công tác lập quy hoạch là đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nâng cao chất lượng quy hoạch, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác quy hoạch. 

Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, khai thác, chỉ ra, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn. 

Thủ tướng yêu cầu phải xác định công tác quy hoạch là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của năm 2022; quy hoạch phải bám sát Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, văn bản, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương để cụ thể hóa vào quy hoạch. Cùng với đó, tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan dân cử trong lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch.

Thủ tướng lưu ý không cầu toàn, cũng không nóng vội trong công tác quy hoạch, phải có phương pháp luận, cách tiếp cận mới, tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Quy hoạch phải có tính chất lâu dài, ổn định nhưng không bất biến, bám sát thực tiễn để điều chỉnh khi cần thiết, đề xuất được cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch cần phát huy cao độ tính độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, tự vươn lên của mỗi lĩnh vực, khu vực, địa phương và của cả quốc gia, kết hợp hài hòa giữa độc lập, tự chủ và đẩy mạnh hội nhập sâu rộng, giữa nội lực và ngoại lực, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.

Về tổ chức thực hiện, Thủ tướng lưu ý phải lựa chọn những nhà thầu tư vấn tốt cả trong nước và ngoài nước, lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ chuyên gia, nhà khoa học… trong phản biện, thẩm định quy hoạch. 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, chủ động xử lý theo thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền với các vấn đề vượt thẩm quyền, dứt khoát không để ách tắc thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng quy hoạch.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, cân nhắc thêm một số vấn đề như phân vùng để tìm động lực phát triển mới cho đất nước và các khu vực, như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, có giải pháp để các vùng khó khăn vươn lên, xóa đói giảm nghèo, tất cả mọi người dân trên mọi miền đất nước được hưởng lợi từ sự phát triển, đồng thời cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường… trên tinh thần không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, tính toán, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch vùng, ngành, quốc gia trong gắn kết với sự phát triển của khu vực và toàn cầu, lựa chọn vị trí "mắt xích" nào trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị để phát huy lợi thế, cơ hội, tiềm năng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của đất nước…

Quốc hội đã cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời. Thủ tướng yêu cầu các quy hoạch phải bảm đảm hài hòa, tổng thể, quá trình lập quy hoạch phải cập nhật, bổ sung và điều chỉnh để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về nội dung giữa các cấp quy hoạch, tránh rời rạc, cục bộ, chia cắt, manh mún.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 27/9/2021 về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát, xây dựng tiến độ và kế hoạch cụ thể từng tháng, quý tương ứng với từng giai đoạn lập quy hoạch.

Các ý kiến đánh giá Nghị quyết 119 đã cơ bản tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, việc sửa đổi, bổ sung một số văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh sửa đổi một số điều liên quan tới quy hoạch chưa được thực hiện hoặc thực hiện chậm, gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương khi áp dụng. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 có một số quy định mới, các địa phương phải mất thời gian để rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung về bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh…

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ