• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần theo phương châm “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”

Thời sự 16/03/2024 15:37

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, tỉnh Quảng Nam có tiềm năng để xây dựng hình ảnh một địa phương phát triển mạnh và vẫn giữ được tài sản quý giá mà ông cha để lại cũng như thích ứng với xu thế phát triển bền vững trên thế giới. Song, quy hoạch cần theo phương châm “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu”.

Ngày 16/3, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024.

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Quân khu 5, các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần theo phương châm “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu” - Ảnh 1.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu khai mạc hội nghị.

Cơ hội mới để tỉnh Quảng Nam cất cánh

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; phát triển cảng hàng không, cảng biển, dịch vụ logistics, du lịch, công nghiệp ô-tô, công nghiệp cơ khí, điện khí mang tầm khu vực; hình thành trung tâm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông lâm nghiệp, dược liệu, silica mang tầm quốc gia; có cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao; có nền văn hóa giàu bản sắc…

Đến năm 2050, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ số phát triển con người và thu nhập của người dân ở mức cao; đóng góp lớn cho ngân sách Trung ương.

"Đây là những mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng và có tính khả thi cao dựa trên các luận cứ khoa học rõ ràng, nhưng đòi hỏi phải có sự đoàn kết, nỗ lực và ý chí quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Trung ương, sự phối hợp tốt của các địa phương bạn, sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân", Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần theo phương châm “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu” - Ảnh 2.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh với mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước...

Ông Lê Trí Thanh cho rằng, việc tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa rất quan trọng; tạo ra nguồn lực mới, cơ hội mới để tỉnh cất cánh, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, động lực phát triển của khu vực miền Trung và cả nước.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chung sống hài hòa với tự nhiên theo quan điểm phát triển bền vững.

"Những năm gần đây, tỉnh Quảng Nam đã hành động tích cực, quyết liệt để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng hủy hoại rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt động vật trái phép. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng đặc dụng được thành lập. Nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng đã phải điều chỉnh. Nhiều dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, cảnh quan đã bị từ chối. Nhiều dòng sông đã và đang được khơi thông. Nhiều thềm bãi biển đang được phục hồi", ông Lê Trí Thanh cho biết thêm.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần theo phương châm “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu” - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Người Quảng Nam có khát vọng vươn lên để đổi mới, phát triển

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho rằng, so với nhiều địa phương khác trong khu vực, Quảng Nam có nhiều lợi thế với về điều kiện tự nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng hàng không, đường biển, cảng biển, đường sắt, đường bộ đồng bộ, kết nối vùng thông suốt, có vị trí địa chính trị quan trọng mà trong tương lai được dự đoán sẽ là địa phương trọng tâm kết nối vùng.

Quảng Nam cũng là địa phương có nhiều "cái nhất" như số lượng các anh hùng thương binh liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách….

"Những con số này nói lên lòng yêu nước, sự bất khuất, anh hùng, tính cách quyết liệt, sự cần kiệm, chịu thương chịu khó và khát vọng vươn lên để đổi mới, phát triển của người Quảng Nam. Đây là sức mạnh tinh thần vô giá, hành trang để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Nam xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cho hay, Bộ TN&MT chọn Quảng Nam đăng cai tổ chức Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024 bởi tỉnh này nằm trong khu vực có tính đa dạng sinh học cao trên cả nước, được bao phủ bởi các sinh cảnh rừng rất đa dạng, là địa phương còn diện tích rừng nhiều nhất ở Trung Trường Sơn và có rất nhiều loài quý hiếm, đặc hữu mang tầm quốc tế sinh sống, phát triển. Đây là tiềm năng để Quảng Nam xây dựng hình ảnh một địa phương phát triển mạnh và vẫn giữ được tài sản quý giá mà ông cha để lại cũng như thích ứng với xu thế phát triển bền vững trên thế giới.

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần theo phương châm “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu” - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 17/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Quy hoạch và triển khai quy hoạch của Quảng Nam cần theo phương châm 8 chữ "Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu".

Về hai chữ đầu tiên là "tuân thủ", Phó Thủ tướng nói rằng, giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định hướng và giải pháp để thực hiện theo định hướng đó. Không tuân thủ sẽ không đi đến đích như mong muốn.

Hai chữ tiếp theo là "linh hoạt". Phó Thủ tướng giải thích rằng, nghe hai chữ này có vẻ mâu thuẫn, nhưng một mặt phải tuân thủ quy hoạch, một mặt phải linh hoạt.

Hai chữ "đồng bộ" nghĩa là quy hoạch của tỉnh phải triển khai thực hiện bằng kế hoạch đồng bộ với quy hoạch của cả nước, của vùng, của ngành.

Về hai chữ cuối cùng là "thấu hiểu", Phó Thủ tướng nói: "Chúng ta - những người có trách nhiệm - cần thấu hiểu để làm; doanh nghiệp và người dân cần thấu hiểu để đồng hành với chúng ta và cùng phát hiện những điểm chưa đúng, chưa tốt trong quy hoạch này để kịp thời chỉnh sửa".

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần theo phương châm “Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu” - Ảnh 5.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam trao quyết định đầu tư cho các nhà đầu tư vào Quảng Nam.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh hết sức chủ động trong công việc, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ ngành Trung ương triển khai ngay các phần việc tiếp theo nhằm tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch tỉnh, khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách, các giải pháp thực hiện phù hợp với kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

"Mỗi người dân, mỗi cán bộ, công chức, mỗi doanh nhân trên địa bàn tỉnh phải nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn, quyết tâm lấy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết thống nhất, tinh thần chủ động vượt khó, sáng tạo trong tư duy, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của con người xứ Quảng", ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.

Khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế

Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 72/QĐ-TTg, ngày 17/1/2024.

Về phương hướng phát triển các ngành quan trọng, quy hoạch nêu rõ: Phát triển công nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, chuyên môn hóa, tự động hóa cao; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo và trở thành trụ cột chính trong nền kinh tế.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô, sản phẩm cơ khí, điện, điện tử; hình thành trung tâm cơ khí đa dụng và ô-tô quốc gia, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ gắn với dịch vụ hậu cần, logistic cảng biển, sân bay, đường sắt. Thúc đẩy dự án Trung tâm điện khí miền Trung gắn với các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng và sản phẩm sau khí, tạo động lực phát triển mới cho tỉnh và vùng.

Hình thành trung tâm logistics, vận tải đa phương thức; phát triển Cảng hàng không quốc tế Chu Lai và hệ thống Cảng biển Quảng Nam gắn với các khu phi thuế quan, khu công nghiệp. Xây dựng trung tâm logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang phục vụ hàng hóa từ Thái Lan, Lào vào Việt Nam và ngược lại.

Thành phố Hội An nhìn từ trên cao.

Khai thác không gian thiên nhiên - văn hóa Quảng Nam trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa giá trị các Di sản văn hóa thế giới Hội An, Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, tài nguyên biển, đảo, sông, hồ, núi rừng, các di tích lịch sử, văn hóa và đặc trưng con người Xứ Quảng.

Xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn theo hướng tăng cường liên kết chuỗi, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển đổi cây trồng các vùng khô hạn, nhiễm mặn, các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi, các vùng chuyên canh rau màu, dược liệu có giá trị cao.

Khai thác rừng bền vững trên cơ sở gia tăng chất lượng dịch vụ môi trường rừng, phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng, các loại cây dược liệu dưới tán rừng với sâm Ngọc Linh là sản phẩm chủ lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tự nhiên. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng nghề cá, bao gồm cảng cá và các khu neo đậu, tránh trú bão.


Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ