• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quy hoạch tượng Quốc tổ Hùng Vương – Cần cẩn trọng

09/05/2018 14:31

(Cinet) - Rõ ràng nhu cầu thờ cúng vua Hùng, biết ơn tổ tiên thì nơi nào cũng có. Nhưng không có nghĩa là chỗ nào cũng xây tượng đài", Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khẳng định.

(Cinet) - Với mục tiêu kiểm soát về số lượng và chất lượng các công trình tượng đài Quốc tổ Hùng Vương, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại công văn số 10232/VPCP-KGVX ngày 26/9/2017, Bộ VHTTDL đang tiến hành lấy ý kiến chuyên gia để xây dựng Quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương đến năm 2035.

Việc quy hoạch là cần thiết?

Quốc tổ Hùng Vương là cách gọi các vị vua nước Văn Lang, cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Để tưởng nhớ tới công ơn to lớn của các bậc vua Hùng, một số địa phương trong nước đã xây dựng đền thờ, tượng để tỏ lòng thành kính, sự biết ơn, tri ân công đức các vua Hùng. Đây là truyền thống văn hóa, tâm linh có vị trí đặc biệt trong đời sống tinh thần dân tộc Việt; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Tượng vua Hùng trong đền tưởng niệm các Vua Hùng trong công viên Tao Đàn (TP HCM). Nguồn: báo Phụ nữ Việt Nam

Theo báo cáo thực trạng các công trình tượng đài, tượng ngoài trời Quốc tổ Hùng Vương của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, hiện nay, đa số tượng vua Hùng được xây dựng trong các Đền thờ và một số ít ở không gian ngoài trời công cộng gồm có 03 tượng vua Hùng tại: Công viên văn hóa Đồng Xanh thuộc thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai; tượng ngoài trời Hùng Vương và tượng trong nhà tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên, TP Hồ Chí Minh. 

Theo khảo sát trên cả nước tượng Quốc tổ Hùng Vương hiện chưa có công trình nào được xây dựng đúng với tính chất và quy mô của công trình tượng đài. Các công trình hiện nay chỉ đang dừng lại ở dạng tượng thờ trong các đền hoặc khu tưởng niệm, là tượng trang trí phục vụ du lịch do đó không mang tính biểu tượng và thiếu tính sáng tạo về nghệ thuật. Do chưa có không gian, kiến trúc tạo thành điểm nhấn văn hóa, chưa có sự phối hợp, quy hoạch đồng bộ về cảnh quan, không gian, bài trí, ánh sáng, màu sắc. Nếu xét tiêu chí là công trình tượng đài Hùng Vương thì hiện nay chưa có công trình nào được xây dựng ở Việt Nam. 

Nhiều khó khăn

Các mẫu phác thảo tượng Hùng Vương được trưng bày lấy ý kiến Nhân dân trong mùa lễ hội Đền Hùng 2016. ảnh: Văn Trọng/ Báo Kinh tế đô thị

Tượng đài Hùng Vương có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân. Xây dựng tượng đài Hùng Vương chính là tạo ra cơ sở vật chất, biểu tượng văn hóa. Việc quy hoạch địa điểm xây dựng tượng đài vừa góp phần đảm bảo sự quản lý thống nhất phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và kiểm soát số lượng, chất lượng của các tượng đài Hùng Vương trên cả nước.

Tuy nhiên, việc xây dựng được quy hoạch tượng đài Quốc tổ đang đứng trước nhiều khó khăn. Bởi vua Hùng là một nhân vật huyền sử, cách đây hàng nghìn năm, không có tư liệu lịch sử bằng hình ảnh, chỉ có một vài dữ liệu lịch sử hay những hình ảnh minh họa, sách viết về vua Hùng, rất mơ hồ, chung chung về mặt tạo hình. 

Đồng tình với việc xây dựng quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương để thống nhất quản lý về chất lượng và số lượng các công trình, nhưng ông Nguyễn Đắc Thủy – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cho biết, “Quốc tổ Hùng Vương là biểu tượng của lòng thành kính tổ tiên đã được hình thành trong ý thức cộng đồng, là biểu tượng văn hóa của dân tộc, nhưng các chứng tích, các số liệu lịch sử về vua Hùng hiện nay không rõ ràng”. 

PGS.TS Phạm Mai Hùng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Quốc gia nhận định hiện nay chưa đủ các tiêu chí nhân chủng học để “nhận dạng” vua Hùng.

Ngay cả việc tìm hiểu để đưa ra một chứng cứ khẳng định trang phục của thời Hùng Vương cũng đã vô cùng khó khăn và các nhà sử học hay nhà khảo cổ Việt Nam vẫn chưa có lời lý giải và minh chứng.

Trong khi đó, Nhà sử học Dương Trung Quốc lại cho rằng việc nhân cách hóa một biểu tượng đòi hỏi phải vô cùng thận trọng. Bởi nếu có thể cụ thể hóa thì phải trả lời câu hỏi “Vua Hùng là ai ?”, và tượng được tạc là “vua Hùng đời thứ mấy?” dù nhu cầu trong nhân dân là có.

“Người Việt Nam chúng ta rất tự hào về tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng vua Hùng - một di sản được quốc tế công nhận. Tôi nghĩ rằng còn có vấn đề nữa mà người làm sử chúng tôi phải tìm hiểu đó là “Vua Hùng là ai?” Vua Hùng là biểu tượng về cội nguồn của dân tộc song hành với sự phát triển của đất nước, là biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc. Tôi cho việc phát huy giá trị đó là cần thiết. Tuy nhiên, việc làm tượng đài vua Hùng theo tôi nghĩ chúng ta cần cẩn trọng, phải có sự chuẩn bị thật tốt. Nhu cầu người dân có nhưng được cụ thể hóa thành một tượng đài thì là vấn đề rất lớn. Người ta sẽ hỏi đây là ông vua Hùng nào, thứ nhất hay thứ 18?” – nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ

Hạn chế tối đa số lượng

Thứ trưởng Vương Duy Biên tại Hội thảo lấy ý kiến quy hoạch tượng đài Quốc tổ Hùng Vương. Ảnh: Gia Linh

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên khẳng định tinh thần, mục tiêu quan trọng của quy hoạch tượng đài Quốc tổ là hạn chế tối đa số lượng tượng đài được phép xây dựng. Điều này cũng hoàn toàn nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, nhà khoa học. 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết “Khái niệm vua Hùng là một biểu tượng văn hóa, nhưng có thể là con người cụ thể không đó còn là vấn đề lịch sử.Chúng ta phát huy nó bằng cách đưa vào ngôn ngữ thể hiện hiện đại như tượng đài tại các nơi cần thiết nhưng phải nên hạn chế. Chúng ta có thể phát huy từng bước một, để phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của chúng ta, nếu không nó sẽ trở lên tràn lan. Ở đây nhà nước quản lý tất cả các việc đó cần có lộ trình. Thời điểm này thì nên hạn chế và nên phát huy các mặt tích cực như tục lệ thờ cúng tổ tiên.

Mặt khác, “Một tượng đài có ý nghĩa tâm linh đã dựng lên thì rất khó hạ xuống. Vì vậy phải vô cùng thận trọng. Tôi cho rằng biểu tượng vua Hùng còn cần cẩn trọng hơn gấp nhiều lần so với các biểu tượng khác”, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh.

Trong khi đó, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sử học, nhà kiến trúc đang băn khoăn về việc xây dựng các tiêu chí như về địa điểm đặt tượng đài ở đâu. 

PGS.TS Phạm Mai Hùng cho rằng, “phải làm sao tránh gây mất đoàn kết vì địa phương này được xây tượng đài, nơi khác lại không được. Phú Thọ là nơi có tính đại diện, còn khắp nơi trên đất nước nơi nào chẳng có đóng góp vào quá trình dựng nước và giữ nước".

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, nếu làm quy hoạch thì mỗi khu vực chỉ nên xây một tượng đài Hùng Vương như: Phú Thọ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Chính cũng đề nghị làm quy hoạch phải làm đến giữa thế kỷ hoặc không giới hạn thời gian. Mặt khác, phải có tổng kết, đánh giá những tượng đã xây chỉ rõ những mặt được và chưa được xem người dân có ủng hộ hay không. Phải quy định rõ tiêu chí về kinh phí xây dựng, không thể xây tượng đài bằng bất cứ giá nào.

“Không đơn thuần là vấn đề quy hoạch xây dựng, việc quy hoạch xây dựng tượng đài Quốc tổ Hùng Vương còn liên quan đến nhiều vấn đề rộng hơn, liên quan đến nhiều đối tượng và hàm chứa nhiều giá trị tâm linh, văn hóa truyền thống. Rõ ràng nhu cầu thờ cúng vua Hùng, biết ơn Tổ tiên thì nơi nào cũng có. Nhưng không có nghĩa là chỗ nào cũng xây tượng đài", Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định. /.

Gia Linh

 

 

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ