(Tổ Quốc) - Đi vào hoạt động ngay lúc thị trường sụt giảm, VNFIN LEAD ghi nhận NAV giảm 16% nhưng kết quả này tốt hơn nhiều so với mức giảm 25-40% của mặt bằng chung và nhiều cổ phiếu bluechip.
Nhà đầu tư ưa thích cổ phiếu ngân hàng đã có thêm một lựa chọn mới khi chứng chỉ quỹ SSIAM VNFIN LEAD ETF (mã FUESSVFL) đã chính thức giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 18/3. Đây là quỹ ETF thứ 3 lên niêm yết và quỹ đầu tiên mô phỏng chỉ số ngành. Trong phiên giao dịch đầu tiên, chứng chỉ quỹ này đã tăng kịch trần lên 9.990 đồng.
Mặc dù là quỹ ETF đại diện cho lĩnh vực tài chính nhưng thực tế có thể coi như đây là quỹ ETF của ngành ngân hàng khi mà 9 cổ phiếu ngân hàng chiếm tới 96% giá trị danh mục của quỹ. Trong đó, những mã có tỷ trọng lớn nhất là VPB, TCB, MBB, VCB… Còn lại là 3 cổ phiếu khác ngành tài chính là SSI, HCM và BVH.
Trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng thì VNFIN LEAD ETF vẫn thu hút được 55 tỷ đồng từ nhà đầu tư ngoại, tương đương 21% trên tổng số vốn 262 tỷ đồng huy động được trong giai đoạn IPO từ 25/12/2019 đến 15/1/2020. SSIAM kỳ vọng sẽ nâng quy mô quỹ lên 25-30 triệu USD.
Đi vào hoạt động trong bối cảnh thị trường đột ngột giảm mạnh từ sau Tết nguyên đán do tác động từ sự bùng phát của dịch Covid-19, danh mục của VNFIN LEAD ETF cũng không thể tránh được sự sụt giảm. Tại ngày 18/3, giá trị tài sản ròng trên một chứng chỉ quỹ của VNFIN LEAD đạt 8.338 đồng – tức giảm 16,6% so với vốn góp ban đầu.
Tuy vậy kết quả này tốt hơn rất nhiều mức giảm xấp xỉ 25% của VN-Index và VN30 cũng như mức giảm từ 25-40% của nhiều cổ phiếu bluechip từ sau Tết nguyên đán – cũng là thời điểm thị trường thị trường bắt đầu chịu tác động của Covid-19.
Như vậy có thể coi những nhà đầu tư góp vốn vào VNFIN LEAD ETF đã "tránh bão" thành công, giảm được đáng kể thiệt hại so với nắm giữ những bluechip trên sàn.
Với việc sụt giảm 20-25% trong giai đoạn qua vừa, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã có định giá hấp dẫn. Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng về lợi nhuận của các ngân hàng đang ở cao nhất trong vòng 10 năm qua đồng thời giá trị sổ sách các Ngân hàng đã tăng hơn 6 lần từ 2011 đến 2019 nhưng các chỉ số P/E và P/B lại được điều chỉnh về mức hấp dẫn hơn nhiều và đang ở vùng thấp nhất từ khoảng 2015 đến nay. Ở mặt bằng giá hiện tại, P/E và P/B của chứng chỉ quỹ VNFIN LEAD ETF đang lần lượt là 7,53 lần và 1,18 lần. Đây là một cơ hội để các nhà đầu tư có thể đầu tư ở vùng giá hấp dẫn hơn rất nhiều so với trước đây.
Xét về yếu tố cơ bản, nhóm ngành ngân hàng đang có kết quả tốt hơn hẳn thị trường chung. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 13 ngân hàng niêm yết đạt mức 29% cho cả năm 2019 và 41% tại quý 4/2019, cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp trên 2 sàn là 18%.
Trong dài hạn, giới phân tích nhìn lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao khi mà mặt bằng huy động đang ở mức thấp, các ngân hàng tiếp tục dịch chuyển sang cho vay bán lẻ với tỷ lệ NIM cao hơn đồng thời các nguồn thu từ phí dự kiến sẽ tiếp tục tăng hơn 20% hàng năm, tỷ lệ chi phí hoạt động trong tổng doanh thu có xu hướng giảm xuống nhờ vào các cải tiến công nghệ và xu hướng số hoá trong hoạt động kinh doanh.
Các ngân hàng TMCP cổ phần Nhà nước trước đây gặp khó khăn với vấn đề xử lý nợ xấu của giai đoạn cũ như BID và CTG cũng đang trong quá trình tái cơ cấu và giảm dần danh mục nợ xấu, giảm dư nợ trái phiếu VAMC và được kỳ vọng sẽ bắt đầu một chu kỳ phát triển mới. Các chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã tăng cường hiệu quả quản trị rủi ro của các ngân hàng, đặc biệt trong việc nâng cao tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay và kiểm soát nợ xấu.
Và với những nhà đầu tư băn khoăn không biết chọn cổ phiếu nào trong số gần hai chục cổ phiếu ngân hàng trên sàn thì rõ ràng mua chứng chỉ quỹ ETF là một giải pháp tối ưu. Bên cạnh đó, với 50% tỷ trọng là các ngân hàng hết room thì đây cũng là giải pháp rất tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài khi mua được cổ phiếu với giá thị trường thay vì phải trả mức premium khi giao dịch nội khối như hiện tại.