(Cinet)- Dự án nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng văn minh thương mại, tạo nét đẹp văn hóa riêng cho gốm sứ Bát Tràng.
Ảnh minh họa |
(Cinet)- Dự án nhằm cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế xã hội gắn với phát triển làng nghề truyền thống, xây dựng văn minh thương mại, tạo nét đẹp văn hóa riêng cho gốm sứ Bát Tràng.
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 5038/UBND-KH&ĐT chấp thuận đầu tư dự án Khu trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng và các dịch vụ kèm theo” tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Dự án gồm hai khu trưng bày. Khu trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm gốm sứ Giang Cao và khu trưng bày bán sản phẩm gốm sứ Bát Tràng. Đặc biệt, du khách đến tham quan mua hàng sẽ được giới thiệu về nét đẹp văn hóa, lịch sử làng nghề truyền thống Bát Tràng. Hiện đại về hạ tầng những vẫn giữ được nét đẹp của một làng nghề truyền thống, đây sẽ là điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan, hài hòa với khung cảnh nông thôn mới.
Bát Tràng hàng năm thu hút khoảng trên 10.000 lượt khách quốc tế và trên 50.000 khách du lịch đến tham quan. Những sản phẩm gốm không chỉ là những vật phẩm kinh tế hay vật phẩm phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày của dân cư, nó còn là những sản phẩm mỹ nghệ, biểu hiện cho sự phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm văn hóa của dân tộc.
Sản phẩm của làng gốm Bát Tràng là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo với sự sáng tạo nghệ thuật. Các sản phẩm đó mang tính chất cá biệt, có sắc thái riêng, đặc trưng riêng của làng nghề và phản ánh được quan niệm thẩm mỹ, bản sắc văn hóa của người dân Bát Tràng.
Gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là một trong bảy làng nghề truyền thống tiêu biểu của Hà Nội cùng với sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), sơn khảm thôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gỗ mỹ nghệ Thiết Ứng (huyện Đông Anh).
CN