• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Quyết liệt, từ sớm, từ xa chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội

Văn hoá 23/01/2023 08:34

(Tổ Quốc) - Ngoài việc kiểm tra, yêu cầu, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng thì Cục văn hoá cơ sở cũng có các văn bản trực tiếp gửi về cho địa phương, trong đó trọng tâm là các địa phương có nhiều lễ hội đề nghị tăng cường công tác quản lý lễ hội.

Sau 3 mùa lễ hội tạm dừng, giảm quy mô tổ chức, mùa lễ hội 2023 mở cửa trở lại dự kiến sẽ thu hút đông đảo nhân dân tham gia du xuân, cầu cho một năm mới ấm no, an lành. Trước dự báo sẽ tăng đột biến lượng người tham gia các lễ hội đầu Xuân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở về công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở các địa phương cũng như công tác chỉ đạo của Cục.

Quyết liệt, từ sớm, từ xa chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội  - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương (ảnh Hồng Hà)

+ Thưa bà, lễ hội Xuân năm 2023 đánh dấu sự trở lại của mùa Lễ hội Tết sau 3 mùa tạm dừng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Cục Văn hóa cơ sở có dự báo gì về những diễn biến của mùa Lễ hội 2023?

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Sau những năm diễn biến của dịch bệnh Covid-19 hết sức phức tạp, theo yêu cầu chung hạn chế các hoạt động đông người trong đó có hoạt động lễ hội, gần như các lễ hội chỉ tổ chức các nội dung liên quan đến phần lễ, còn phần hội bị hạn chế. Theo tôi các hoạt động trong năm nay sẽ hồi phục và trên thực tế Cục Văn hóa cơ sở đã đi làm việc với một số địa phương để triển khai Chỉ thị 274 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về Tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như tất cả các địa phương đều có phương án chuẩn bị các hoạt động tổ chức lễ hội truyền thống bắt đầu từ vào mùa lễ hội Xuân và chắc chắn dự báo sẽ thu hút được số lượng người tham gia lễ hội khá đông. Trong suốt thời gian vừa qua nhu cầu về tâm linh, nhu cầu được tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân cũng bị hạn chế cho nên chắc chắn mùa lễ hội năm nay sẽ sôi động trở lại, thậm chí tôi cho rằng sẽ có đột biến không giống như trước đây cả về số lượng người tham gia lễ hội và cả nội dung liên quan tới hoạt động tổ chức lễ hội.

Ngoài phần lễ thì chắc chắn theo dự báo sẽ diễn ra theo hướng đó vì chúng ta biết từ trước đến nay khi không có dịch bệnh lễ hội vẫn cứ diễn ra theo chiều hướng giống như người ta vẫn nói là "đến hẹn lại lên", thế nhưng vì bị ngắt quãng như vậy chắc chắn sẽ có những đột biến cả về số lượng người tham gia và hoạt động.

Vì dự báo như vậy, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Chỉ thị 274, Cục Văn hóa cơ sở đã tiến hành làm việc với một số địa phương có những hoạt động lễ hội mà còn hiện tượng gây tranh luận trái chiều trong việc tổ chức các lễ hội trước đây, ví dụ như: Đúc Bụt và Chọi trâu ở Vĩnh Phúc, Chọi trâu ở Hải Lựu… Những lễ hội mà chúng tôi cho rằng cần phải có những biện pháp, kế hoạch, phương án kịch bản để tổ chức sao cho tốt nhất.

Quyết liệt, từ sớm, từ xa chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội  - Ảnh 2.

Quyết liệt, từ sớm, từ xa chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội  - Ảnh 3.

Dự báo sẽ có sự gia tăng đột biến về lượng người tham gia lễ hội sau một thời gian tạm dừng, giảm tần suất tổ chức (ảnh minh họa- Nam Nguyễn)

Ngoài việc kiểm tra, yêu cầu cũng như đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị của Bộ trưởng thì Cục văn hóa cơ sở cũng có các văn bản trực tiếp gửi về cho địa phương, trong đó trọng tâm đến một số tỉnh như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Phú Thọ…. Văn bản yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm những quy định của Nghị định 110, cần phải sớm thành lập ban tổ chức, xây dựng kịch bản, phương án tổ chức các hoạt động lễ hội một cách khoa học và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của người dân.

Ngoài ra, Bộ VHTTDL cũng có những văn bản yêu cầu tăng cường các giải pháp về thanh tra kiểm tra trước và sau lễ hội. Đồng thời, thực hiện yêu cầu nâng cao ý thức cũng như biện pháp quản lý của chính quyền địa phương. Bởi theo Nghị định 110 thì đã giao cho chính quyền địa phương các cấp quản lý đối với các loại hình lễ hội tương ứng. Tôi cho rằng, với những biện pháp như vậy mong các địa phương hết sức tích cực vào cuộc.

Quyết liệt, từ sớm, từ xa chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội  - Ảnh 4.

Bộ VHTTDL yêu cầu các địa phương có phương án, kế hoạch quản lý, tổ chức lễ hội (ảnh minh họa- Nam Nguyễn)

+ Từ dự báo về những đột biến của mùa lễ hội năm nay, ngoài các yêu cầu trên, Cục có những khuyến cáo như thế nào đối với các địa phương, thưa bà?

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Ngoài những yêu cầu kể trên, năm nay, chúng tôi vừa mới hoàn thành cổng thông tin điện tử Cơ sở dữ liệu về lễ hội hoạt động vào đầu năm 2023. Cổng sẽ hệ thống hóa tất cả các lễ hội trên toàn quốc. Người đọc có thể truy cập tất cả các thông tin của tổng thể các lễ hội các cấp. Từ những việc như vậy thì các địa phương cần phải căn cứ vào số lượng lễ hội hiện nay đang có ở địa phương mình để đưa ra biện pháp phân cấp quản lý.

Căn cứ vào sự phân cấp ở Cổng dữ liệu này, UBND các tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra cũng như phương pháp quản lý, cách thức quản lý lễ hội trên toàn quốc, từ sự phân cấp các loại hình lễ hội như loại hình lễ hội cấp tỉnh, lễ hội cấp huyện...

Tôi cho rằng cũng cần có những khuyến cáo với các địa phương về công tác tuyên truyền. Trong các mùa lễ hội trước đây, hoạt động tuyên truyền được thực hiện khá tốt, tuy nhiên tôi biết chắc chắn rằng thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vừa qua, việc tuyên truyền cũng đã không còn vào nhịp nữa nên phải đẩy mạnh lại.

Cuối cùng, tôi cho rằng tất cả các ban quản lý, các di tích hoặc ban quản lý của các lễ hội cần phải xem xét và quan tâm đến cơ sở vật chất của những nơi tổ chức lễ hội. Ví dụ có những lễ hội truyền thống gắn với di tích thì chúng ta cần phải xem những di tích đó trong thời gian vừa qua cơ sở vật chất có vấn đề gì, có đáp ứng được yêu cầu hành lễ, khi với số lượng quá đông thì có giải pháp gì. Thứ hai với những nơi không gắn với di tích thì chúng ta phải xem vị trí, cần phải thay đổi, chỉnh trang làm thế nào để cơ sở vật chất tốt nhất phục vụ nhân dân.

Quyết liệt, từ sớm, từ xa chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội  - Ảnh 5.

Nhiều lễ hội đã có chuyển biến tích cực (ảnh Nam Nguyễn)

+ Năm nay có thể thấy Bộ VHTTDL đã làm việc với các địa phương từ xa, từ sớm về phương án chuẩn bị cho mùa lễ hội. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, vẫn còn một số lễ hội mang tính chất bạo lực mà nhiều khi "phép vua thua lệ làng"?

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Tôi thấy rằng muốn thay đổi được thì quan điểm của người lãnh đạo địa phương phải thay đổi. Theo Chính phủ phân cấp thì Bộ không thể can thiệp vào việc tổ chức lễ hội ở địa phương.

Nghị định 110 đã phân cấp rồi, trách nhiệm của địa phương là quản lý và tổ chức. Trách nhiệm của Bộ là ban hành văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra nhắc nhở, chấn chỉnh việc thực hiện, nếu sai xử lý theo các quy phạm pháp luật.

Trong các cuộc họp của Chính phủ cũng nêu một số lễ hội vẫn còn một số vấn đề. Nhưng thật sự tôi thấy được, từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 110, các địa phương rất quyết liệt. Khi Bộ có ý kiến hầu như các địa phương đều chấn chỉnh ngay. Ví dụ ở Long An khi mà tôi có ý kiến trong cuộc họp giao ban của Ban Tuyên giáo trực tuyến tới tất cả các tỉnh về việc lễ hội Làm Chay để xảy ra hiện tượng cướp lộc thì tỉnh đã chỉ đạo sát sao luôn. Năm sau không còn hiện tượng đó nữa.

Vì vậy quan điểm của người lãnh đạo cực kỳ quan trọng!

Quyết liệt, từ sớm, từ xa chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội  - Ảnh 6.

Với những lễ hội mang tính chất nhạy cảm, chắc chắn Cục Văn hóa cơ sở đều có mặt trong hoạt động đó và chỉ xuất hiện khi lễ hội có vấn đề- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương (ảnh Hồng Hà)

+ Cục Văn hóa cơ sở có khoảng bao nhiêu đoàn kiểm tra đến các địa phương?

Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, chúng tôi đi theo phương án khoảnng tháng 10, tháng 11 sẽ đi điểm. Đi điểm thực chất là để khảo sát kiểm tra và xem kế hoạch, phương án lễ hội của mùa tiếp theo của tỉnh đó. Trong quá trình làm việc với tỉnh sẽ kết hợp đi khảo sát luôn cơ sở vật chất của lễ hội đó. Gần Tết chúng tôi đi kiểm tra theo khu vực, tập trung vào 5-6 tỉnh như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nội… những nơi có nhiều lễ hội. Sau đó tổng hợp lại, nêu lên những thực tiễn rồi Cục Văn hóa cơ sở sẽ có văn bản gửi về từng địa phương.

Ví dụ, nếu thấy phương án mà địa phương đưa ra còn những vấn đề thì ngay buổi làm việc Cục đã có ý kiến nhưng sau buổi làm việc sẽ có văn bản. Sau đó, trong lúc diễn ra lễ hội Cục sẽ phân công cho lãnh đạo Cục tham gia các lễ hội đó nhưng với tính chất tự đi, hầu như không bao giờ làm việc với địa phương. Cục sẽ "nằm vùng" để quan sát hoạt động lễ hội đó, thường là diễn ra trước ngày lễ hội và trong ngày diễn ra sẽ có mặt của Cục và không có tổ chức đoàn.

Nếu như trong quá trình diễn ra có vấn đề gì Cục sẽ làm việc ngay tại lễ hội đó. Suốt bao nhiêu mùa lễ hội, với những lễ hội mang tính chất nhạy cảm chắc chắn Cục Văn hóa cơ sở đều có mặt trong hoạt động đó và chỉ xuất hiện khi lễ hội có vấn đề. Và khi đó, Cục sẽ làm việc với địa phương và chủ động làm việc với Thanh tra và phòng nghiệp vụ xử lý tại chỗ. Nếu cần thiết sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ để xử lý. Cách thức kiểm tra của Cục là như thế.

+ Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Hà (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ