(Tổ Quốc) - GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư đã nhận định như vậy trước những con số kinh tế ấn tượng 9 tháng đầu năm 2018.
-Ông nhận định thế nào về những con số “ấn tượng” về kinh tế mà Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố?
+ Giai đoạn từ năm 2015 đến 2018, trong đó từ năm 2015-2016 nền kinh tế khá khó khăn. Năm 2017 thì khá hơn. Kết quả của 6 tháng cuối năm 2017 là tiền đề cho năm 2018. Nhìn vào nền kinh tế bao giờ người ta cũng nhìn vào tiền đề bởi nó rất quan trọng.
Chất lượng tăng trưởng bắt đầu từ 6 tháng cuối năm của năm 2017 và 9 tháng 2018, trong đó yếu tố về năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đã gia tăng rất nhiều.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (Nguồn: Nhadautu.vn) |
Trước đây chúng ta thường nói rằng tăng trưởng theo chiều rộng, mấy năm nay chúng ta nhấn mạnh rằng cần phải thay đổi tăng trưởng theo chiều sâu, lấy khoa học – công nghệ, đổi mới và sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao…thì những thành tựu này đã bắt đầu được thể hiện ở 6 tháng cuối năm 2017 và đặc biệt là ở 9 tháng đầu năm 2018. Đây là thay đổi rất tích cực và là cơ sở để chúng ta tin tưởng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội, lòng tin của người dân, doanh nghiệp tăng lên…
Tính chung 9 tháng năm 2018, GDP trong nước tăng 6,98%, mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây. Điều này cho thấy, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2018 là hoàn toàn khả thi, đồng thời thể hiện rằng, nền kinh tế tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Năm 2018 cũng là năm bản lề và có ý nghĩa trong việc đánh giá, định hình lại Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Còn từ số Tổng Cục thống kê cũng cho thấy 60,4% tin rằng thời gian tới kinh tế sẽ tiếp tục ổn định tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.
Nhiều hiệp hội nhà đầu tư đánh ra cao về cải cách của Nhà nước: về hạ tầng, tiếp nhận thông tin, tiếp cận rất nhanh công nghệ 4.0… Đặc biệt, Diễn đàn Kinh tế ASEAN tổ chức tại Hà Nội vừa qua đã khẳng định nền kinh tế của Việt Nam đang đi rất nhanh, mà trong đó, một trong những thành tựu của Việt Nam là Chính phủ rất coi trọng công nghiệp 4.0…
-Theo ông, để có được thành quả như hôm nay, Chính phủ đã “nỗ lực” như thế nào?
+ Chúng ta thấy rằng Trung ương Đảng đã có 2 Nghị quyết rất quan trọng, gồm: coi nền kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng. Đây là lần đầu tiên Đảng ta khẳng định vai trò của nền kinh tế tư nhân. Tổng cục Thống kê công bố, kinh tế tư nhân chiếm hơn một nửa doanh số, nửa còn lại là đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Vì thế, sự khẳng định về kinh tế tư nhân là có cơ sở. Với công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ tương lai… Ví như Viettel, FPT và gần đây là Vingroup đã đầu tư rất nhiều vào công nghiệp 4.0…Đặc biệt, lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được ô tô. Điều này đã thể hiện rõ tầm quan trọng của Nghị quyết của Đảng.
Nghị quyết thứ 2 của Đảng cũng quan trọng không kém, đó là cơ cấu lại nền hành chính quốc gia, tinh giản biên chế nhưng lại gắn với thay đổi chính sách tiền lương để đảm bảo cuộc sống cho công chức nhà nước, cùng với đó là thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội để những người sau khi về hưu có cuộc sống tốt hơn, đàng hoàng hơn.
Nếu ai theo dõi cách chúng ta tiếp cận với nền hành chính quốc gia thì đây là một quyết định tổng hợp.
Trên thực tế Bộ Công an, ngành thuế đã có những cải cách rất mạnh mẽ. Các địa phương cũng vậy, rầm rộ sáp nhập, tinh giản biên chế… Tất cả những điều này rất quan trọng. Đây là quyết định về chính sách đường lối nhưng vai trò thực hiện những quyết định đó là vai trò của Chính phủ, là cơ quan hành chính điều hành nền kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù có những cái Chính phủ đề ra chưa làm được nhưng quyết tâm của Chính phủ thì không ai phủ nhận được.
Trong cuộc họp ngày 1/10 của Chính phủ, Thủ tướng đã nhắc lại rất nhiều việc và nhấn mạnh rằng lĩnh vực đầu tư nước ngoài phải được thực hiện tốt hơn. Đồng thời phải hết sức coi trọng doanh nghiệp tư nhân trong nước và cổ phần hóa, bán khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước để có hiệu quả hơn.
Tôi cho rằng, các cuộc cải cách như vậy về thể chế, về các loại hình doanh nghiệp, về thực tiễn những thành công và để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong thời gian sắp tới và đặc biệt chúng ta đang chuẩn bị hoàn thành giai đoạn chiến lược 2011 -2020, chuẩn bị xây dựng chiến lược 2021-2030 thì tôi cho rằng, cuộc cải cách phải được tiếp tục và phải rất thành công.
-Chúng ta cần làm gì trước sự ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thưa ông?
+ Đối với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung, điều đáng quan ngại nhất là chính sách bảo hộ, phân biệt. Người ta cho rằng, các nước có chính sách bảo hộ không chỉ là Mỹ mà cả các nước Eu, Nga, Trung Quốc… Đó là điều chúng ta quan tâm nhất trong đầu tư thương mại đối với các quốc gia đó. Nếu chúng ta không có đối sách kịp thời, chủ động thì rõ ràng Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc… sau này nếu áp thuế đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thì sẽ thành câu chuyện “đại sự”.
Về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tôi có góc nhìn hơi khác. Tôi cho rằng, cuộc chiến tranh này có ảnh hưởng tới Việt Nam nhưng không nhiều lắm. Tất nhiên nếu nó diễn ra căng thẳng thì sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhưng đồng thời, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng là cơ hội cho Việt Nam bởi khi Trung Quốc mất 10%-15% xuất khẩu vào Mỹ thì rõ ràng Trung Quốc phải mở rộng các thị trường khác, trong đó có ASEAN. Việt Nam là thị trường Trung Quốc luôn luôn muốn phát triển.
Do đó, chúng ta cần xem cuộc chiến tranh thương mại này là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư từ Trung Quốc với sự lựa chọn những dự án mà chúng ta cần; tranh thủ mở rộng thương mại với Trung Quốc để mở rộng cán cân thương mại của Trung Quốc với Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng cần phải chuẩn bị để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của nhà đầu tư Mỹ, EU là minh bạch, công khai về luật pháp và ổn định luật pháp; chống tham nhũng thành công hơn nữa; tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn…/.
Hà Giang