(Tổ Quốc) - Ngày 7/7, tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), đã diễn ra sự kiện giới thiệu cuốn sách "Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương do con trai của cố hoạ sĩ - hoạ sĩ Trịnh Lữ tổ chức.
- 09.06.2023 Thứ trưởng Tạ Quang Đông làm việc với Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập về việc xây dựng hồ sơ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 113 của Chính phủ về hoạt động Mỹ thuật
- 04.05.2023 Tổ chức Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
- 27.12.2022 Hội tụ tinh hoa mỹ thuật Việt – Hàn: thúc đẩy giao lưu văn hoá giữa hai nước
Cuốn sách "Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương" là tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất gỗ của cha ông, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - một người con Việt Nam được đào tạo bởi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ 20, một người nghệ sĩ miệt mài với biết bao dấu ấn trong hội họa, thiết kế nội thất của Việt Nam.
Cuốn sách với gần 400 trang khổ lớn, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả để khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Sống, đi, chiêm nghiệm và vẽ, hành trình ấy của cụ Ngọc cứ miệt mài, không ngừng nghỉ để đạt đến đỉnh cao là "Thiền họa".
Phát biểu tại buổi ra mắt sách, họa sĩ Trịnh Lữ cho biết: "Năm 2017, tôi đã xuất bản cuốn sách đầu tiền về cha tôi nhưng sau hơn 5 năm qua, tôi đã phát hiện thêm nhiều tư liệu mới về sự nghiệp của cụ nên trong cuốn sách lần này tôi đã bổ sung rất nhiều câu chuyện, thông tin mới, khái niệm mới về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng mỹ thuật của cụ cũng như hoàn cảnh, xã hội lúc bấy giờ. Đây không chỉ là cuốn sách dành tặng cho gia đình, bạn bè của tôi mà tôi mong những câu chuyện trong cuốn sách sẽ được lan tỏa nhiều hơn đến với độc giả và góp phần giúp cho các nhà nghiên cứu về lịch sử mỹ thuật sẽ có thêm nhiều kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này, qua đó, phát triển sáng tạo ngành mỹ thuật Việt Nam hơn nữa".
Cuốn sách "Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương" bao gồm các phần: Cuộc đời và sự nghiệp với các bài viết về tuổi thơ, lập thân, học nghề, cách mạng và chiến tranh, cuộc đời mới…; Di sản đặc biệt điểm lại những tác phẩm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc từ thời sinh viên, đồ gỗ mémo, tác phẩm minh họa, tranh sơn ta, từ ấn tượng đến thiền họa…; Bình luận, tưởng niệm tập hợp những bài viết cảm tưởng, một số trích đoạn báo chí, thư... về họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc.
Cuốn sách được viết theo dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh văn hóa-xã hội, tác giả đã khắc họa được không chỉ khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của cụ Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi. Bên cạnh đó, họa sĩ Trịnh Lữ còn nêu bật những đóng góp của cụ cho quê hương trong không chỉ chiến tranh mà cả giai đoạn xã hội đổi mới, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng.
Được đào tạo về hội họa tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác, và gặt hái được những thành công. Những câu chuyện nghề được kể trong sách đã cho thấy một họa sĩ tài năng, đặc biệt là sự tiến bộ về tư tưởng trong sáng tạo. Một trong số đó là những đồ gỗ theo lối mới: tiết kiệm diện tích, dễ dàng lắp ghép, phù hợp với nhân trắc học người Việt.
Vậy nên khi đọc cuốn sách, độc giả sẽ thấy rằng sự nghiệp của ông gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt.
"Nói đến phong cách mỹ thuật Đông Dương của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc thì được xem như là một sản phẩm rất đặc biệt của trường Mỹ thuật Đông Dương bởi mục tiêu giảng dạy của trường là làm thế nào để cho tất cả giá trị thẩm mỹ, cổ điển của phương Tây được truyền đạt đến với những người họa sĩ Việt Nam nhằm giúp họ có một cơ sở sâu rộng để phát triển truyền thống mỹ thuật của riêng mình. Nên không chỉ cha tôi mà những người đã học ở trường đó đều có kiến thức rất vững chãi về mỹ thuật phương Tây để vận dụng vào Việt Nam. Từ đó, góp phần vào sự phát triển của ngành mỹ thuật của nước ta" – họa sĩ Trĩnh Lữ cho biết thêm.
Bên cạnh đó, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết: "Năm 18 tuổi, lần đầu tiên tôi được xem tác phẩm của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và chỉ biết đến ông là một họa sĩ nổi tiếng. Tuy nhiên, sau đó, tôi đã tìm hiểu đọc những cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp của ông mới nhận thấy được hết tầm vóc to lớn của họa sĩ. Đánh giá về vai trò họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc cần phải nhìn ông là người thực hành văn hoá, một người thực hành đạo mới cho nghệ thuật, đưa nghệ thuật gắn vào cuộc sống bởi ông vốn là người học về hội họa nhưng lại gắn bó cả về thiết kế nội thất, thời trang nên đã mang một làn gió mới về cách sống cho người Việt. Chính vì thế, tôi coi đây là di sản đặc biệt cả về vật chất và tinh thần, một đóng góp vô cùng to lớn cho ngành mỹ thuật nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung".
Đồng thời, sự nghiệp của cụ đặc biệt được dẫn dắt bởi tư tưởng chân-thiện-mỹ xuyên suốt, mà tiêu biểu là cách thực hành Thiền họa "mắt nhìn tay vẽ", được thể hiện rất rõ qua kho tư liệu các tác phẩm trong cuốn sách này.
Qua đó, độc giả sẽ được chiêm nghiệm không chỉ cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc theo cách nhìn hiện thực thiên về ấn tượng tình cảm, mà còn có cơ hội đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những thầy cô mà cụ Ngọc kính trọng là Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé. Để từ đó hiểu được vì sao họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc xứng đáng là di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương.
Họa sĩ Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội), ông được thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang. Ông bén duyên với nhiều nghề như vẽ, viết, dịch thuật và tư vấn truyền thông phát triển và đều đạt được những thành tựu lớn. Nhưng vẽ đối với Trịnh Lữ như hơi thở trong cuộc sống của chính gia đình ông.
Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.