• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ra mắt dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam"

Văn hoá 02/07/2020 07:16

(Tổ Quốc) - Ngày 1/7, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và Hội đồng Anh thông báo ra mắt dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Ra mắt dự án "Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam" - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Dự án sẽ được chính thức triển khai từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021 với sự kết nối chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ cũng như với các nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo trong cả nước.

Dự án được thực hiện với sự hỗ trợ từ Quỹ quốc tế vì đa dạng văn hóa (viết tắt là IFCD), nằm trong khuôn khổ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO.

Dự án Củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam dự định sẽ triển khai một loạt các hoạt động nhằm cải thiện việc bảo vệ và nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trong Chiến lược Phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2020, đóng góp vào sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước.

Dự án có ba mục tiêu cụ thể: Đánh giá được tổng quan thực trạng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam để xây dựng nhận thức chung và hiểu biết thực tiễn về khuôn khổ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho các ngành văn hóa và sáng tạo; Nâng cao năng lực thể chế trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực văn hóa sáng tạo thông qua một chuỗi các khóa đào tạo dành cho cán bộ nhà nước các cấp, các ngành liên quan; Đẩy mạnh, nâng cao nhận thức và củng cố việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo tại Việt Nam thông qua các khóa đào tạo cơ bản về sở hữu trí tuệ dành cho các nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo.

Dự án mong muốn sẽ đem đến những hiểu biết có ích và kỹ năng thực tiễn cho nghệ sĩ và người thực hành nghệ thuật sáng tạo để nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi và những sản phẩm mình tạo ra trước những xâm phậm về quyền sở hữu trí tuệ qua một loạt các hoạt động như workshop, xây dựng công cụ hướng dẫn căn bản về sở hữu trí tuệ, đối thoại và tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Đồng thời, đặt mục tiêu lâu dài là hỗ trợ cho sự phát triển đồng đều và bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam.

Gia Huệ (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ