(Tổ Quốc) - "Giữa lòng tăm tối" là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Joseph Conrad, là kiệt tác văn học mà giới mộ điệu văn chương đều quen thuộc. Cuốn tiểu thuyết bao trọn câu chuyện phiêu lưu hải hồ của Marlow dựa trên hành trình có thật của chính tác giả vào năm 1890.
Là người của biển cả, Marlow nghe theo tiếng sóng vẫy gọi, khao khát đi tới những miền đất chưa định danh trên địa đồ - “những khoảng trống của niềm hân hoan”, “một vạt trắng cho giấc mơ huy hoàng”, dấn thân vào “vùng tăm tối vô phương thấu hiểu”, cùng với tính hiếu kỳ thản nhiên của một trí óc tế nhị và trạng thái điềm tĩnh của một con tim sắt đá. Trên một con tàu hơi nước vá víu xập xệ thiếu thốn đủ đường, cùng thủy thủ đoàn là mấy tay da đen của bộ tộc ăn thịt người lúc nào cũng bốc mùi thịt hà mã thiu, Marlow ngược dòng con sông Congo hùng vĩ, bí hiểm mà mê hoặc để hoàn thành một nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi. Ông phải đi cứu Kurtz - người được ca tụng khắp nơi là “thiên tài toàn năng”, kiếm được nhiều ngà voi nhất Công ty, được cả dân da đen yêu kính hết mực và đang ốm thập tử nhất sinh ở vùng thượng nguồn - về với văn minh, trước khi gã lìa đời. Sau bao nhiêu gian khổ, hiểm nguy của chốn rừng thiêng nước độc, Marlow tới được nơi, gặp được người, nhưng chỉ trở về với một tập tài liệu và lời tuyệt mệnh: “Nỗi kinh hoàng! Nỗi kinh hoàng!”
Tác phẩm ngay khi ra mắt đã gây ra nhiều sóng gió trong giới văn chương |
Miền hoang dã Phi châu tạo ra bao nhiêu trở ngại cho con tàu của Marlow thì Giữa lòng tăm tối cũng gây ra bấy nhiêu sóng gió trong giới văn chương thậm chí cả giới phân tâm học, hoạt động nhân quyền hay nghiên cứu châu Phi cũng nhảy vào cuộc. Người ta bàn ra tán vào, khẩu chiến rồi cả bút chiến với nhau về cách hành văn của tác giả, cấu trúc, ý nghĩa của tác phẩm và vô vàn những thứ khác. Một trong những chủ đề được tranh cãi quyết liệt nhất chính là vấn đề phân biệt chủng tộc. Chinua Achebe - nhà văn, nhà thơ người Nigeria từng chỉ trích tác phẩm này là “phân biệt chủng tộc một cách khủng khiếp” với những hình ảnh miêu tả người da đen như những kẻ mọi rợ ngu đần, như những con vật chịu đòn roi. Những tình cảnh đáng thương, những vụ tra tấn kinh hoàng đều được kể lại bằng chất giọng lạnh lùng, vô cảm. Thế nhưng những lập luận khác lại cho rằng tại thời điểm Conrad viết cuốn tiểu thuyết này, khái niệm “phân biệt chủng tộc” vẫn chưa hình thành, quan niệm về khác biệt chủng tộc vẫn còn in đậm. Đó là thời người da đen bị trưng bày như thú lạ tại những nước đế quốc, và bị đối xử như súc vật, nô lệ tại những vùng thuộc địa. Vì thế, không thể trách cứ Conrad được. Tuy vậy, chính nhà văn cũng từng khẳng định rằng Giữa lòng tăm tối ngầm ý chỉ ra “tội ác của sự kém hiệu quả và ích kỉ thuần túy khi khai hóa văn minh ở châu Phi”. Thật vậy, hãy đọc những dòng này trong truyện: “Tôi ngờ rằng với họ cai trị chỉ đơn thuần là bóp nghẹt, không hơn. Họ là kẻ chinh phục, mà chinh phục thì chỉ cần vũ lực - vốn chả có gì đáng huênh hoang, vì sức mạnh của anh chỉ là ngẫu nhiên phát sinh từ cái yếu của kẻ khác. Họ vơ vét được bao nhiêu hay bấy nhiêu, vơ vét để mà vơ vét. Đó chẳng qua là cưỡng đoạt bằng bạo lực, sát nhân có tình tiết tăng nặng trên diện rộng...” Như thế, Giữa lòng tăm tối, ở một chừng mực nào đó, có thể coi là một bản cáo trạng về lòng tham, thói ưa hủy diệt và quyền lực chuyên chế của chủ nghĩa thực dân, “một bài phân tích về sự suy nhụt nhuệ khí của người da trắng, khi anh ra thoát khỏi vòng kiềm tỏa của châu Âu, bám rễ ở miền nhiệt đới với vũ khí trang bị đến tận chân răng, để thu lợi từ tầng lớp bị trị”. Và con sông dẫn tới “trái tim của một vùng tăm tối khôn cùng” không phải là con sông Congo cuộn xoáy ở lục địa Đen mà là con sông Thames êm đềm, dưới bầu trời hôn ám của “đế chế nơi mặt trời không bao giờ lặn”.
Khép lại những tranh cãi, cuốn tiểu thuyết vẫn luôn và sẽ mãi là tuyệt phẩm văn chương đáng đọc của mọi thời đại. Bằng ngôn từ mơ hồ mà dứt khoát, huyền bí mà hữu hình, Joseph Conrad đã viết nên một áng văn đậm chất thơ, hấp dẫn, ám ảnh và đầy tính biểu tượng - một kiệt tác của của nghệ thuật phân tích tâm lý bậc thầy, của phiêu lưu, của thiên nhiên hoang dại, hùng vĩ, và của cả ảo tưởng thời đại.
Tác phẩm Giữa lòng tăm tối được dịch bởi dịch giả Nham Hoa (từng được Hội Nhà văn Hà Nội trao giải thưởng cho tác phẩm dịch xuất sắc năm 2014) và lần đầu tiên xuất bản tại Việt Nam, do NXB Hội Nhà văn cùng Công ty Cổ phần sách Tao Đàn giới thiệu và phát hành.
Joseph Conrad (1857-1924) |
.
T.Đ