• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ra mắt Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam và Đối thoại Chính sách

Kinh tế 21/06/2017 22:22

(Tổ Quốc) - Sáng ngày 21/6, Bộ Công thương và phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và đã phối hợp tổ chức Hội nghị cấp cao nhân dịp lễ ra mắt Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).

 

Cũng tại buổi lễ, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký một tuyên bố chung về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững với các nước gồm: liên minh châu Âu, Đức, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ai-len, I-ta-li-a, Lúc-xăm-bua, Xlô-va-ki-a, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh. Đây là cơ hội để các Đối tác Phát triển và Bộ Công thương trao đổi quan điểm về phát triển nghành Năng lượng ở Việt Nam.

Tuyên bố chung này nhằm tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của EU trong việc hỗ trợ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (MTPTBV) số 7 và số 13: “Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng với giá cả hợp lý, tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người (MTPTBV số 7)” và “Có biện pháp khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó (MTPTBV số 13)” đã được thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc vào ngày 25 tháng 9 năm 2015, cũng như trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được gửi cho Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu có hiệu lực từ ngày 4 tháng 11 năm 2016.

Trong bối cảnh chi phí của công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm, đây là thời điểm mở ra tiềm năng của những nguồn lực chủ chốt mạnh mẽ và hùng hậu xung quanh chúng ta: các thành phố, các khu vực, các công dân, các hợp tác xã, các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Chuyển đổi năng lượng sang một nền kinh tế xanh hơn sẽ đóng ghóp vào chống biến đổi khí hậu bằng việc giảm nồng độ khí phát thải nhà kính tới mức an toàn. Nhiều năng lượng tái tạo hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn sẽ nâng cao chất lượng không khí cho người dân, giảm rủi ro địa chính trị bằng việc hạn chế sự phụ thuộc vào nhập khẩu cũng như tạo ra phát triển xanh cùng với hàng nghìn việc làm.

Việc sử dụng năng lượng tái tạo hiệu quả sẽ giúp nâng cao chất lượng không khí cho người dân (ảnh minh họa)

Tuyên bố chung trên sẽ giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là trong việc hỗ trợ các cam kết của Việt Nam trong việc cung cấp một cách hiệu quả năng lượng có chất lượng cao dành cho phát triển xã hội, đa dạng hóa trong đầu tư và mô hình kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, phát triển một thị trường năng lượng cạnh tranh và thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo cũng như sử dụng năng lượng hiệu quả.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh "...Các cuộc tham vấn giữa các Đối tác phát triển và các cơ quan Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã khẳng định sự cần thiết của việc thành lập Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam. Sự ra đời của khuôn khổ này sẽ tạo ra một cơ chế hợp tác mang tính sâu rộng, chặt chẽ hơn; đẩy mạnh thu hút các nguồn lực; tăng cường hiệu quả trong việc tham vấn cấp cao về chính sách, góp phần hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thực hiện các mục tiêu về an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội cũng như thực hiện các nỗ lực quốc gia và cam kết quốc tế về phát triển bền vững."

Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam đánh giá cao mối quan hệ hợp tác lần này "Phát triển năng lượng bền vững là mục tiêu chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam và chúng tôi cam kết mạnh mẽ sẽ cố gắng hết mức để giúp Việt Nam giải quyết thách thức này. Công việc này đòi hỏi một phương án toàn diện có tính đến những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đạt được nền kinh tế xanh hơn thông qua năng lượng bền vững là rất tốt đối với Việt Nam và vì vậy tốt với tất cả chúng ta."

Tại hội nghị, Đại Sứ Bruno Angelet và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng ký kết Ý Định Thư cho việc Hợp tác liên tục hướng tới một ngành năng lượng bền vững và hiệu quả ở Việt Nam.

Đại biểu tham dự chính tại VEPG là Bộ Công Thương, và cũng là bên đã mời đại diện của các Bộ khác và các Đối tác Phát triển hoạt động trong lĩnh vực năng lượng hay có liên quan chặt chẽ đến lĩnh vực này. Đại diện từ các doanh nghiệp, các Tổ chức Quốc tế và cộng đồng nghiên cứu cũng được mời tham dự đối thoại kỹ thuật và chính sách.

Hơn 100 đại diện từ các Cơ quan Chính phủ, các Tổ chức Đối tác Phát triển, các Tổ chức Tài chính, khu vực Tư nhân và các Tổ chức Phi Chính phủ cũng tham dự sự kiện./..

Nguyễn Hoàng

 

Nguyễn Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ