(Tổ Quốc) - Mới đây cuốn sách tập hợp những bài diễn văn của Toni Morrison năm 2016 trong khuôn khổ chương trình thường niên Charles Eliot Norton Lectures do trường Đại học Harvard tổ chức đã ra mắt độc giả Việt Nam. Qua những bài diễn văn này, Morrison bàn về những chủ đề chính yếu trong tác phẩm của bà và đây cũng là những chủ đề ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trên bản đồ chính trị thế giới: nạn phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi, ranh giới, những cuộc đại di cư, niềm khao khát thuộc về nơi nào đó.
Sự khác biệt chủng tộc là gì và tại sao điều đó lại quan trọng? Động cơ nào thúc đẩy con người có khuynh hướng tự xây dựng những Kẻ Ngoại Tộc? Tại sao sự hiện diện của Kẻ Ngoại Tộc lại khiến chúng ta lo sợ? Qua Nguồn gốc của Ngoại tộc, Toni Morrison khơi gợi những câu hỏi ấy cùng những nghi vấn thiết yếu khác về căn tính con người. Trong quá trình tìm kiếm câu trả lời, Morrison không chỉ soi chiếu vào lịch sử, chính trị mà còn vào chính ký ức cá nhân của bà, và đặc biệt là văn học. Harriet Beecher Stowe, Ernest Hemingway, William Faulkner, Flannery O'Connor, và Camara Laye là những tác giả được bà thăm dò.
Khi đọc những phân tích của bà, ta sẽ khám phá lại lần nữa các tác phẩm quen thuộc dưới chiều kích về chủng tộc, hay nói như thuật ngữ của bà là Sự Ngoại Tộc Hóa (Othering). Trong tác phẩm Túp lều bác Tom của nhà văn Harriet Beecher Stowe, có lẽ với những dòng miêu tả khoảnh vườn ngập tràn hoa lá xinh tươi trước túp lều bác Tom (một người da đen) khi cậu chủ George (một thiếu niên da trắng) đến viếng thăm, phần lớn chúng ta sẽ chỉ đơn thuần đắm chìm trước vẻ đẹp thiên nhiên. Nhưng Morrison đã nhận ra trong những dòng văn "được tỉa tót, đầy mời gọi, thu hút" ấy là nỗi sợ hãi của một người da trắng khi bước vào lãnh địa của người da đen: phải có thật nhiều dấu hiệu ôn hòa cho thấy anh được hoan nghênh và an toàn, anh mới dám bước vào khu vực của Kẻ Ngoại Tộc.
Thông qua những phân tích sắc sảo, Morrison chỉ ra cách thức văn chương đã vô tình thao túng nhận thức của người đọc về việc phân biệt đối xử dựa trên màu da hình thành như thế nào. Không chỉ dựa trên một đoạn văn như trong tác phẩm Túp lều bác Tom, đôi khi nó nằm ở ngay cách nhà văn lựa chọn từ ngữ. Morrison dẫn ra ví dụ trong tác phẩm To Have and Have Not của Hemingway. Harry Morgan - một người buôn lậu rượu mía và là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết, khi trò chuyện với người da đen độc nhất trên thuyền, ông gọi người đó bằng tên là Wesley. Nhưng ở ngôi trần thuật thứ ba để kể chuyện với người đọc, Hemingway lại sử dụng từ "tay mọi đen" cho nhân vật Wesley. Morrison đặt ra câu hỏi: tại sao Hemingway không sử dụng tên thật của người da đen để dẫn dắt câu chuyện, tại sao ông cần nhấn mạnh yếu tố màu da để trần thuật? Và bà đưa ra một nhận định rất đáng suy ngẫm, rằng Hemingway đã "chủ ý nhấn vào lòng trắc ẩn người kể chuyện dành cho người đàn ông da đen, thứ tình thương có thể khiến cho kẻ buôn rượu lậu này trở nên thân thiết với người đọc." Chính sự thương hại đó đã cho thấy tâm thức kẻ trên người dưới.
Không chỉ phân tích tác phẩm người khác, Morrison còn chia sẻ những dụng ý về lựa chọn nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Qua đó, những độc giả yêu mến bà vừa hiểu thêm quá trình sáng tạo của bà, vừa nắm rõ hơn những quan niệm của bà về Sự Ngoại Tộc Hóa trong văn chương hư cấu. Khi viết Yêu Dấu (Beloved), bà lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về Margaret Garner - một người mẹ nô lệ ở thế kỷ 19 đã giết con mình vì không muốn con phải chịu những hành hạ đau đớn của kiếp nô lệ. Điều lí thú là Morrison hoàn toàn không quan tâm đến vụ xử án tai tiếng của sự kiện này như nhiều người, với tấm lòng nhân đạo của một nhà văn lớn, bà hướng sự chú ý đến việc người mẹ chồng đã không thể lên án hành vi giết người của con dâu và tiếng nói không thể cất lên của đứa trẻ đã khuất. "Chuyện của Margaret Garner thực dù có thuyết phục đến đâu, thì trung tâm và sức ảnh hưởng của cuốn tiểu thuyết vẫn là đứa bé bị hạ sát. Tưởng tượng về bé đối với tôi là linh hồn và cốt cách của nghệ thuật." Thông qua đó, bà khẳng định một trong những vai trò quan trọng của văn chương là: "Tiểu thuyết tự sự cung ứng một nơi chốn hoang dã có kiểm soát, một cơ hội để là và để trở thành Kẻ Ngoại Tộc. Kẻ xa lạ. Với sự đồng cảm, sự minh bạch, và rủi ro của việc khảo sát tự thân. Để nhắc lại, đối với tôi - tác giả, bé gái Yêu Dấu, cái sinh linh ám ảnh, là Ngoại Tộc tối hậu. Lên tiếng đòi, đòi mãi mãi một nụ hôn."
Với những vấn đề bất ổn trên thế giới hiện nay, Nguồn gốc của Ngoại Tộc như một tấm gương soi chiếu giúp ta nhận thức được những nỗi sợ hãi thuộc về căn tính khi đối diện với tha nhân. Qua đó, ta biết được vị thế của mình, biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi khi sống trong thời đại toàn cầu hóa. Và Toni Morrison cũng nhắc ta nhớ rằng văn chương sẽ luôn luôn là chốn cư ngụ vĩnh hằng cho những Kẻ Ngoại Tộc, là mái nhà thân thương mà ta không thấy mình là kẻ xa lạ khi sống trong nó.
Nạn phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi, ranh giới, những cuộc đại di cư, niềm khao khát thuộc về nơi nào đó... là những chủ đề được Toni Morrison (tác giả đoạt giải Nobel Văn chương năm 1993) khảo sát kĩ lưỡng trong Nguồn gốc của Ngoại Tộc - tác phẩm vừa được NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Tao Đàn ấn hành.