(Tổ Quốc) - Năm 2022 đánh dấu 95 năm ra đời tác phẩm "Đường cách mệnh" và 75 năm ra đời tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Cuốn sách Từ "Đường cách mệnh" đến "Sửa đổi lối làm việc" - Ánh sáng xuyên thế kỷ vinh dự xuất bản và ra mắt bạn đọc vào đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, là công trình nghiên cứu xuyên suốt sự tiếp nối mạch nguồn của dòng chảy cách mạng Việt Nam.
Đường cách mệnh là tác phẩm lý luận đầu tiên đặt nền móng cho cách mạng Việt Nam, có tác dụng khai trí, khai tâm, khai đức cho lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX; là ngọn đuốc soi đường, ánh sáng xuyên thế kỷ, có ý nghĩa lý luận lâu dài từ quá khứ đến hôm nay và mai sau đối với nhân dân Việt Nam. Sửa đổi lối làm việc là tác phẩm bàn về đảng cầm quyền đầu tiên, đầy đủ và hoàn chỉnh nhất trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa và tác dụng to lớn trong nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trước đây, hiện nay và sau này.
Nếu tác phẩm Đường cách mệnh được coi là tác phẩm lý luận mở đường cho cách mạng Việt Nam thì tác phẩm Sửa đổi lối làm việc lại có ý nghĩa cả về lý luận lẫn thực tiễn, liên quan trực tiếp đến công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, sửa đổi lối làm việc của cán bộ, đảng viên do các bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa, kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông.
Hiện nay, tình hình thế giới và đất nước có rất nhiều đổi thay, nhất là mục tiêu và nhiệm vụ cách mạng. Hai tác phẩm ra đời trong giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với mục tiêu và nhiệm vụ là phục vụ công tác chính trị, tư tưởng, lý luận, xây dựng đội ngũ cán bộ cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và kháng chiến kiến quốc. Đất nước, xã hội và con người trong giai đoạn đó cũng không hoàn toàn như hôm nay. Đặt trong bối cảnh đó, hai tác phẩm đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử cao cả là đặt nền tảng, mở đường, soi đường cho cách mạng đi tới thắng lợi; xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức và thực hành tốt bốn chữ "chí công vô tư".
Nhưng nghiên cứu di sản, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và các tác phẩm của Người nói riêng, điều có ý nghĩa nhất lại là trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ giá trị lịch sử để thấy tầm vóc, ý nghĩa, giá trị hiện tại và giá trị tương lai trên cả các phương diện lý luận và thực tiễn, dân tộc và quốc tế. Cái quý giá nhất, lớn nhất, mãi mãi trường tồn của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là toàn bộ trước tác của Người, những điều Người viết trong hai tác phẩm không chỉ đã đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân đến thắng lợi, mà còn soi sáng cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây và công cuộc đổi mới hiện nay. Ánh sáng xuyên thế kỷ chính là ở chỗ đó.
Tác phẩm Từ "Đường cách mệnh" đến "Sửa đổi lối làm việc" - Ánh sáng xuyên thế kỷ của tác giả PGS.TS. Bùi Đình Phong gồm 4 chương.
Chương Đầu: "Đường cách mệnh" và "Sửa đổi lối làm việc" trong kho tàng di sản Hồ Chí Minh. Trình bày khái quát một số vấn đề trong nghiên cứu di sản Hồ Chí Minh như sự gắn kết chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, nói và làm, xây đi đôi với chống. Đặc biệt, trình bày và phân tích khái quát một số tác phẩm, bài viết, bài nói trong chuỗi các tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh để thấy giá trị của tất cả các tác phẩm và mối liên hệ mật thiết giữa các tác phẩm, từ đó gợi mở, tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu để đi tới xác định bộ Hồ Chí Minh, Toàn tập là bảo vật quốc gia.
Chương Một: Tác phẩm "Đường cách mệnh" - Nghiên cứu bối cảnh ra đời, nội dung và giá trị cốt lõi của tác phẩm.
Chương Hai: Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" - Nghiên cứu sự ra đời, nội dung cơ bản và giá trị lý luận - thực tiễn của tác phẩm.
Chương Cuối: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng dưới ánh sáng "Đường cách mệnh" và "Sửa đổi lối làm việc". Nhìn lại các nội dung đã trình bày, phân tích tính thời đại và thời sự của tác phẩm. Làm rõ ý nghĩa "xuyên thế kỷ" của hai tác phẩm đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và Đại hội XIII trình bày. Chương này có ý nghĩa vừa "kết" vừa "mở", hướng tới triển vọng những nghiên cứu mới gắn với toàn bộ sự nghiệp đổi mới.
Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sáng thứ Bảy ngày 21/5, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, Nhà xuất bản Trẻ và Đường Sách TP.HCM cùng phối hợp thực hiện chương trình giao lưu "Hành trình theo chân Bác".
Trong khuôn khổ chương trình, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM trân trọng giới thiệu tác phẩm Từ "Đường cách mệnh" đến "Sửa đổi lối làm việc" - Ánh sáng xuyên thế kỷ của tác giả PGS.TS. Bùi Đình Phong tại Sân khấu chính Đường sách TP.HCM - Nguyễn Văn Bình, Quận 1. Buổi giao lưu với sự góp mặt của các diễn giả: PGS.TS. Huỳnh Thị Gấm - Trưởng bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia khu vực II và TS. Nguyễn Thị Thanh Kiều - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.