(Tổ Quốc) - Ngày 10/1, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Tránh tình trạng triển khai rồi mới xin ý kiến
Tại dự án Luật này đã sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư. Theo đó, điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư đã sửa đổi, bổ sung giao thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Trong phiên thảo luận tổ và thảo luận hội trường, một số nội dung có ý kiến đề nghị hết sức thận trọng hoặc chưa phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của các di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới.
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phân tích, theo quy định tại Điều 32 của Luật Di sản văn hóa thì việc xây dựng các chương trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ của di tích, trong đó đã bao gồm di tích thuộc Danh mục di sản thế giới thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Như vậy, quy định này không yêu cầu phải có chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh đối với dự án này tại khu vực bảo vệ 2 của di tích là phù hợp và thống nhất với quy định của Luật Di sản văn hóa.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tránh việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến các di sản văn hóa thì Chính phủ cũng đã quy định bổ sung về thẩm định sự phù hợp của dự án, với yêu cầu bảo vệ phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư để tránh tình trạng triển khai rồi mới xin ý kiến.
"Quy định này cũng góp phần đẩy mạnh việc quản lý và tạo cơ chế để theo dõi, giám sát các dự án đầu tư tại khu vực di tích để có cơ sở tham vấn, trao đổi với các tổ chức quốc tế" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Rất cần có bức tranh tổng quan cho tôn tạo, phát huy danh thắng và di tích di sản văn hóa
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) bày tỏ ủng hộ việc phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án, không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt cho UBND cấp tỉnh để tránh kéo dài thời gian thực hiện, tạo thêm gánh nặng về thủ tục đối với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, nếu không sửa đổi, bổ sung thẩm quyền đó trong Luật Di sản văn hóa thì không khả thi. Mặt khác, để thấy rõ những dự án tại khu vực bảo vệ 2 của các di tích đang gặp vướng mắc cần thiết phải tháo gỡ bằng việc sửa đổi, bổ sung, ĐB Nguyễn Thị Sửu kiến nghị Chính phủ làm rõ 3 góc độ: Thứ nhất là các khâu thủ tục chiếm nhiều thời gian; Thứ hai là quy mô các dự án về diện tích đất và dân số thật sự bất hợp lý về quy trình, thủ tục; Thứ ba, phương án xử lý cần thiết ở mức độ văn bản luật hay văn bản dưới luật.
"Qua Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban thấy rằng trong thời gian vừa qua, các dự án luật thuộc khu vực đầu tư này tuy không nhiều nhưng tình trạng xâm phạm các di sản, di tích tương đối phổ biến và khó có khả năng khôi phục lại hiện trạng. Vì vậy, rất cần có bức tranh tổng quan toàn diện cho tôn tạo và phát huy danh thắng và di tích di sản văn hóa quốc gia và quốc tế. Đề nghị nên tách để thông qua điều luật di sản văn hóa với Luật Đầu tư cho rõ ràng có tính pháp lý và thực tiễn cao hơn" - ĐBQH Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến.
ĐBQH Nguyễn Danh Tú (Đoàn Kiên Giang) nêu cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Luật Di sản văn hóa thì việc xây dựng công trình ở khu vực bảo vệ 2 đối với di tích chỉ là các công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Việc xây dựng công trình không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc, cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của di tích.
"Để bảo đảm chặt chẽ trong bảo vệ các di tích và phù hợp với Luật Di sản văn hóa, thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Không phải là mọi dự án đầu tư mà chỉ đối với các dự án đầu tư được phép theo quy định của Luật Di sản văn hóa" - ĐBQH Nguyễn Danh Tú đề nghị.
Cần biểu quyết riêng từng nội dung được sửa đổi, bổ sung
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật sẽ giảm cơ hội tranh luận một cách chi tiết vào từng nội dung sửa đổi, bổ sung, nhất là trong tổng thể của đạo luật gốc. Việc nghiên cứu, lấy ý kiến phản biện để sửa đổi, phát hiện các sai sót trong dự thảo luật cũng gặp nhiều khó khăn. Thực tế cho thấy, đã có nhiều quy định được sửa đổi, bổ sung theo kỹ thuật một luật sửa nhiều luật có tuổi thọ rất ngắn.
Vì vậy, chỉ nên xem xét thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, có sự thống nhất cao, không xem xét, thông qua những nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Đồng thời, do dự luật này điều chỉnh nhiều vấn đề tách biệt, không liên quan đến nhau về mặt nội dung nên đề nghị khi biểu quyết thông qua Quốc hội cần biểu quyết riêng từng nội dung được sửa đổi, bổ sung trước khi biểu quyết thông qua toàn dự luật.