• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Rất đau xót khi cả nước đang căng mình chống dịch, cán bộ y tế vướng vòng lao lý"

Thời sự 10/11/2021 14:05

(Tổ Quốc) - Sáng 10/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm thuộc lĩnh vực y tế của Quốc hội, nhiều ĐB dành sự quan tâm đến vấn đề tiêu cực trong ngành y tế do một số cán bộ vi phạm quy định về đấu thầu thời gian qua.

Cả nước đang chống dịch, cán bộ y tế vướng vòng lao lý 

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) bày tỏ, chúng ta rất đau xót khi cả nước đang phải căng sức chống dịch mà lại có những cán bộ y tế lại vướng vào vòng lao lý liên quan đến công tác đấu thầu, giá thuốc. Ngoài lỗi chủ quan của các cá nhân đã được chỉ ra thì một phần cũng do cơ chế, đặc biệt là công tác hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát của Bộ Y tế.

"Đề nghị Bộ trưởng nói rõ thêm về việc này để tránh tái phạm?" - ĐB An nói.

"Rất đau xót khi cả nước đang căng sức chống dịch, cán bộ y tế vướng vòng lao ly"  - Ảnh 1.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định những vi phạm của một số cán bộ y tế thời gian qua có nhiều lý do nhưng trong đó có vấn đề cơ chế và lý do cá nhân. Mặc dù các quy định đã rất cụ thể nhưng vẫn có những vi phạm xảy ra.

"Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát lại tất cả những hướng dẫn, thể chế liên quan đến việc quản lý về mua sắm, đấu thầu và phân cấp phân quyền. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị để ngăn ngừa, đấu tranh và xử lý vi phạm theo đúng tinh thần của Trung ương", ông Nguyễn Thanh Long nói.

Đã đến lúc tách bạch giữa chuyên môn và quản lý

Trong phần chất vấn của mình, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, bác sĩ chuyên môn giỏi nhưng quản lý chưa chắc đã tốt và đã đến lúc tách bạch quản lý với chuyên môn. ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng Y tế đưa ra giải pháp cụ thể trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua Bộ đã thay đổi rất nhiều trong vấn đề tách bạch quản lý về kinh tế và chuyên môn. Đối với các bệnh viện, Bộ Y tế đều đề nghị có 1 người quản lý về mặt kinh tế không nhất thiết phải có chuyên môn ngành y mà phải có chuyên ngành kinh tế.

"Rất đau xót khi cả nước đang căng sức chống dịch, cán bộ y tế vướng vòng lao ly"  - Ảnh 2.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

"Bộ sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu để làm sao trong thời gian tới đây, vấn đề quản lý của ngành được minh bạch hơn, rõ ràng hơn, nhất là quản lý tài chính đối với các cơ sở y tế công lập", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ĐB Phạm Văn Hoà giơ biển tranh luận. Ông cho rằng, nếu không có sự tách bạch thì sau này rất dễ có những sự việc đáng tiếc tương tự như vừa xảy ra. 

Trả lời ĐB, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long giải thích thêm, đối với các đơn vị sự nghiệp công, chúng ta đã có quy định có giám đốc và các phó giám đốc. Bộ đã cố gắng tách bạch người quản lý tài chính riêng nhưng cũng có một số địa phương do vấn đề về mặt tổ chức y tế và quan lý nhân sự theo địa bàn lãnh thổ nên Bộ không chỉ đạo được việc này.

"Thời gian tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các đơn vị để làm sao minh bạch hoá quá trình đó, đồng thời xây dựng quy định, thể chế để hạn chế tối đa những sai phạm như trong thời gian qua", ông Long nói.

Tham gia tranh luận về vấn đề sai phạm kinh tế trong bệnh viện, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chưa thỏa đáng. Bởi, khi quy định phân công cấp phó chuyên phụ trách kinh tế để tránh sai phạm thì người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm, vẫn phải quyết định trong tình huống khẩn cấp, từ đó vẫn có thể dẫn đến sai phạm.

Làm rõ thêm về nội dung mà các ĐB quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế diễn ra phức tạp, nhất là các vụ xảy ra ở bệnh viện lớn đã được lực lượng công an phát hiện, khởi tố và điều tra.

Điển hình như một số vụ việc: CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch mai, Bệnh viện Tim Hà Nội... Qua đấu tranh, hiện nay các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bộ Công an sẽ đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý đúng... để đưa ra truy tố trước pháp luật.

Qua vụ việc này, có dư luận cho rằng các vi phạm do lỗi cơ chế hoặc hệ thống. Tuy nhiên, ông Tô Lâm khẳng định không phải do các lỗi này, mà đều có việc lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm.

Bộ trưởng Tô Lâm kiến nghị Quốc hội, Bộ Y tế, Kế hoạch - đầu tư, Tài chính và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ quá trình tham mưu, toàn bộ quy trình đầu tư cơ sở vật chất, triển khai mua sắm trang thiết bị để kịp thời phát hiện, ngăn chặn vi phạm.

Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu đưa một số mặt hàng trang thiết bị y tế vào nhóm bình ổn, quản lý giá, không để các doanh nghiệp câu kết thông đồng các cơ quan đơn vị để nâng giá, trục lợi.

Sao phải cách ly người tiêm 2 mũi vắc xin tiếp xúc F0 mấy chục giây?

Chất vấn Bộ trưởng Y tế, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho biết nhiều cử tri sống tại chung cư lo lắng khi thuộc diện F1 phải đi cách ly tập trung. Ông dẫn chứng việc một số người dân sống tại chung cư đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện 5K, chỉ đi chung thang máy với F0 trong vài chục giây nhưng vẫn phải đi cách ly tập trung.

Theo ĐB này, việc đi cách ly tập trung gây lãng phí nguồn lực, tổn hại về tinh thần cho người dân, dễ lây nhiễm chéo trong khi họ có đủ khả năng để cách ly tại nhà. ĐB đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu quan điểm vấn đề này.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long dẫn Nghị quyết 128 của Chính phủ, Hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế đã hướng dẫn đầy đủ về việc xét nghiệm, cách ly đối với các cấp độ dịch.

"Đối với cấp độ 3, cấp độ 4 quy định: Thứ nhất, đối với người tiêm đủ 2 mũi vắc xin, chỉ cần theo dõi y tế 7 ngày, xét nghiệm ngày thứ nhất; đối với người đã khỏi bệnh cũng tương tự như vậy. Đối với người đã tiêm 1 mũi vắc xin thì cách ly tại nhà 7 ngày. Đối với người chưa được tiêm vắc xin theo dõi trong vòng 14 ngày"- Bộ trưởng cho hay.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện vào từng địa phương, và trong khuyến cáo của Bộ Y tế tùy mức độ, tùy địa phương và nhất là vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao, chung cư…chúng ta đảm bảo việc cách ly một cách linh hoạt.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng đối với những khu chung cư có mật độ cư dân đông đúc mà độ phủ vắc xin chưa cao thì chúng ta áp dụng việc cách ly tập trung, bao gồm việc cách ly tại nhà.

Chưa đồng tình với phần trả lời này, ĐB Nguyễn Mạnh Cường đã giơ biển tranh luận và cho rằng câu trả lời này chưa rõ. Theo ĐB này, nhiều cử tri gọi điện cho ông để hỏi về một vấn đề cụ thể là nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện đủ 5K, khi đi chung thang máy với F0 vài chục giây thì có phải đi cách ly tập trung hay không vì họ có điều kiện tự cách ly ở nhà.

Trả lời tiếp vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết ông đã trao đổi với Hà Nội và nhấn mạnh những trường hợp này không phải bắt buộc đi cách ly tập trung 14 ngày, việc này trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rất rõ. Bộ đã đề nghị các địa phương áp dụng các văn bản hướng dẫn cụ thể các mức độ khi tiêm 2 mũi thì như thế nào, tiêm 1 mũi như thế nào và đã khỏi bệnh như thế nào... để tạo sự thống nhất./.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ