Rét đậm, rét hại tại miền Bắc và mưa lớn tại Trung Bộ kéo dài đến bao giờ?
(Tổ Quốc) - Không khí lạnh (KKL) liên tục tăng cường không chỉ khiến nền nhiệt miền Bắc giảm sâu, chìm trong giá rét mà còn gây mưa lớn kéo dài cho các tỉnh Trung Bộ.
Miền Bắc rét đến bao giờ?
Những ngày vừa qua, các tỉnh miền Bắc đang trải qua đợt không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa. Với cường độ mạnh, KKL đã khiến nền nhiệt khu vực vùng núi các tỉnh miền Bắc giảm sâu dưới 3 độ đối với và 10 độ với khu vực đồng bằng. Nền nhiệt giảm sâu, một số khu vực vùng núi đã xuất hiện rét đậm, rét hại và ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân.
Vậy đợt rét tại miền Bắc kéo dài đến bao giờ?
Theo dự báo từ cơ quan khí tượng, hiện nay một bộ phận không khí lạnh đang tiếp tục được tăng cường xuống nước ta.
Dự báo ngày 4/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực vùng núi phía Bắc của Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 3, vùng ven biển cấp 3-4.
Trên biển: từ trưa và chiều ngày 04/12, ở vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 8-9; khu vực vịnh Bắc Bộ sóng biển cao 2,0-3,0m; khu vực Bắc Biển Đông sóng biển cao 3,0-5,0m; biển động mạnh.
Do không khí lạnh được tăng cường, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại.
Cụ thể, từ đêm 04-06/12 vùng núi và trung du Bắc Bộ có khả năng xảy ra rét đậm, có nơi rét hại, nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 10-13 độ, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ; vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 13-15 độ.
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ chiều tối và đêm 04/12 ở vùng núi Bắc Bộ sẽ có mưa rải rác.
Mưa lớn tiếp tục kéo dài ở miền Trung
Những ngày qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ở khu vực từ Trung và Nam Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm.
Đặc biệt, trong ngày 2/12, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Tổng lượng mưa ở Nam Đông của Huế lên tới hơn 600mm/ngày, Quảng Nam là hơn 400mm/ngày.
Ngày 3/12, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 07h đến 15h ngày 03/12 có nơi trên 70mm như: Bình Phú (Quảng Nam) 172.2mm, Sông Hinh (Phú Yên) 72.8mm, Vạn Long (Khánh Hòa) 107.0mm,…
Từ đêm 03/12 đến ngày 04/12, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận và các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Từ đêm 03/12 đến ngày 04/12, khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông; các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận và các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông.
Khu vực | Thời gian ảnh hưởng | Tổng lượng (mm) |
Khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi | Từ 19h/03/12-13h/04/12 | 30-50mm, có nơi trên 70mm |
Khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận; các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ | Từ 19h/03/12-13h/04/12 | 15-30mm, có nơi trên 50mm |
Mưa lớn tại miền Trung đặc biệt tại Thừa Thiên - Huế tuy không gây ngập lụt nghiêm trọng nhưng đã gây thiệt hại về người khi có 3 người tử vong do nước lũ cuốn trôi, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Vậy, tình hình mưa lớn tại Trung và Nam Trung Bộ còn kéo dài đến bao giờ?
Cơ quan khí tượng đưa ra dự báo, vào khoảng từ đêm 04-06/12 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẽ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 200mm. Từ 6/12, mưa giảm dần khu vực Nam Trung Bộ.
Dự báo đợt mưa dông này có thể kéo dài ở miền Trung đến 10/12.
Do mưa lớn kéo dài, trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.