Đường dây nóng
0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn
Liên hệ quảng cáo
091.358.6788
Ghé thăm làng Tranh Khúc những ngày này dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều gia đình tất bật gói bánh với không khí sôi nổi, khẩn trương để kịp giao bánh cho khách hàng.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất của Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) tuy vẫn được duy trì nhưng không thể bằng những năm trước đây.
Chị Nguyễn Thị Thu gắn bó với nghề làm bánh chưng đã hơn 20 năm nay. Chị Thu cho biết, ở thời điểm chưa có dịch COVID-19, ngày thường chị chỉ gói từ 200 – 300 cái nhưng bắt đầu từ tháng Chạp lượng bánh gia đình chị gói nhiều hơn gấp 2 – 3 lần. Những ngày sát Tết, chị phải gói từ 2.000 – 3.000 cái mới đủ bánh giao cho khách.
Bánh chưng Tranh Khúc ngon trước hết là nhờ nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng và tỉ mỉ. Loại nếp dùng để gói bánh là nếp cái hoa vàng để vỏ bánh được dẻo và mềm. Anh Đặng Văn Đoàn, chủ một xưởng sản xuất bánh chưng cho hay: "Gạo gói bánh là gạo nếp cái hoa vàng mang độ dẻo và hương thơm cho bánh chưng. Gạo sẽ được vo sẵn và rắc muối đầy đủ trước khi gói bánh".
Đỗ xanh phải là loại hạt nhỏ, ruột vàng được đồ chín và giã nhuyễn. Thịt lợn nạc vai và ba chỉ được các gia đình lựa chọn làm nhân vì thế bánh có vị béo ngậy.
“Bí quyết” để làm nên chiếc bánh Tranh Khúc mềm và thơm ngậy, đó là khi bọc đậu vào thịt, không bọc kín mà phải hở, để khi nấu bánh, mỡ từ thịt chảy ra, thấm vào lớp gạo nếp.
Bên cạnh đó, lá dong gói bánh cũng được lựa chọn cẩn thận. Lá dong phải là lá dong nếp, mua từ các tỉnh vùng cao xuống, gói bánh không dùng lá dong tẻ vì dễ bị nát, không đảm bảo được độ xanh của bánh.
Dưới bàn tay lành nghề của người thợ, mỗi chiếc bánh chưng chỉ mất tối đa 30 giây để gói và một tiếng có thể gói được 210 cái bánh.
Lớp gạo, lớp nhân xếp chồng lên nhau, vỏ bánh được làm từ khoảng 300 gram gạo, nhân bánh gồm đậu, thịt, hạt tiêu,…
Để có bánh chưng được ráo nước, mềm dẻo, khi luộc người thợ phải để ý thường xuyên, không được để nồi bánh cạn nước.
"Nếu để cạn nước bánh sẽ bị cháy. Nước phải ngập bánh để bánh không bị sống. Bánh chín thì vớt ra, rửa sạch rồi xếp ép chặt để bánh ráo, không bị nhão" - anh Đặng Văn Đoàn chia sẻ thêm.
Bên cạnh việc gói bánh thủ công, người dân làng Tranh Khúc cũng đã sử dụng một số loại máy móc cho những công đoạn đơn giản nhưng phần lớn quy trình vẫn ở đôi bàn tay người thợ. Mỗi cái bánh phổ biến có giá khoảng 50.000 đồng, khách đặt làm bánh có kích thước to hơn giá sẽ cao hơn.