(Tổ Quốc) - Cứ tới gần ngày Rằm tháng Giêng, trên nhiều con phố ở Trung Quốc, người dân lại trang hoàng bằng những chiếc đèn nhiều hình thù với màu sắc rực rỡ để đón Lễ hội Đèn lồng.
Lễ hội Đèn lồng là một lễ hội truyền thống ở Trung Quốc. Tại Trung Quốc, lễ hội này được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng và đây cũng là thời điểm đánh dấu sự kết thúc của kỳ nghỉ lễ năm mới. Lễ hội Đèn lồng còn có tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu.
Lễ hội Đèn lồng có lịch sử từ 2.000 năm trước với rất nhiều những truyền thuyết gắn liền với nó. Trong đó nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là truyền thuyết từ thời Hán Minh Đế. Vào thời đó, đạo Phật Trung Quốc vô cùng phát triển. Ngày 15 âm lịch hàng năm, các nhà sư Trung Quốc thường treo đèn lồng. Hán Minh Đế thấy cảnh tượng này rất thú vị liền lệnh cho người dân làm theo. Cũng từ đó, hàng năm cứ tới ngày Rằm tháng Giêng là người Trung Quốc lại treo những chiếc đèn lồng được trang trí đẹp mắt trước cửa nhà, trong cung điện và ở các ngôi chùa…
Người Trung Quốc quan niệm rằng, ngày Rằm đầu tiên của năm mới là lúc mặt trăng to và sáng nhất. Dịp này cũng là lúc thích hợp để tổ chức các hoạt động vui chơi và thả đèn lồng. Trước đây, người Trung Quốc thường dán các câu đố lên đèn lòng để cùng chơi trò giải đố. Còn trẻ em sẽ được bố mẹ mua cho những chiếc đèn lồng có hình con giống ngộ nghĩnh.
Thông thường, vào những ngày gần tới Tết Nguyên tiêu, trên các con phố của Trung Quốc sẽ trang trí bằng các loại đèn lồng với nhiều hình thù và màu sắc sặc sỡ. Hầu hết những chiếc đèn tinh xảo và đẹp mắt này đều do các nghệ nhân đã bỏ rất nhiều công sức và thời gian để làm nên. Năm nay là năm Nhâm Dần nên các nghệ nhân đã làm nhiều chiếc đèn lồng mô tả các sắc thái của loài vật này.
Không chỉ treo đèn lồng, người Trung Quốc còn tổ chức thêm hoạt động thả đèn trời. Mọi người sẽ viết điều ước của mình lên đèn sau đó đồng loạt thả chúng lên trời. Chiếc đèn này sẽ thay họ đem mong ước gửi tới trời cao.
Hãy cùng chiêm ngưỡng khung cảnh rực rỡ của những chiếc đèn lồng tại Trung Quốc qua các bức ảnh dưới đây:
Bài viết có tham khảo nguồn từ Sohu.