(Tổ Quốc) - Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội vừa lệnh rút báo động 1 trên sông Hồng. Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng thông báo khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Long Biên, cầu Đuống.
Chiều 13/9, căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (Long Biên) hồi 14h40 là 9,45 m (mực nước báo động 1 là 9,50 m), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội lệnh rút báo động 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm, các đơn vị ở địa phận trên và các ngành, các cán bộ đã được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm chỉnh những quy định khi có lệnh rút báo động 1.
Cùng ngày, Sở Giao thông vận tải Hà Nội ra thông báo về việc khôi phục phương án tổ chức giao thông trên cầu Long Biên, cầu Đuống quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên và huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Theo đó, căn cứ công văn số 2836/ĐS-QLHT ngày 13/9/2024 của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam về việc điều chỉnh tổ chức giao thông trên cầu Long Biên (km3+056), cầu Đuống (km9+667), tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng; để bảo đảm an toàn giao thông và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, Sở Giao thông vận tải thông báo khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Long Biên (km3+056) tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng cho người đi bộ, xe thô sơ, xe 2 bánh qua cầu Long Biên cả 2 hướng.
Khôi phục tổ chức giao thông trên cầu Đuống (km9+667) tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng cho người đi bộ và các loại phương tiện qua cầu Đuống cả 2 hướng (cấm xe tải có tải trọng trên 13 tấn qua cầu).
Thời gian thực hiện bắt đầu từ 15h ngày 13/9/2024.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề nghị Cục đường sắt Việt Nam chỉ đạo Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải thu hồi toàn bộ hệ thống biển báo cấm phương tiện và hệ thống biển chỉ dẫn hướng đi cho các phương tiện tại hai đầu cầu Long Biên, cầu Đuống (trên địa bàn quận Long Biên, huyện Gia Lâm).
Tiếp tục theo dõi tình hình mực nước lũ trên sông Đuống, sông Hồng để kịp thời cập nhật và đề xuất phương án tổ chức giao thông trên cầu nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.
Đồng thời, đề nghị Phòng Cảnh sát giao thông-Công an Thành phố duy trì lực lượng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tư đô thị trên tuyến đường, nút giao. Theo dõi, đánh giá tình hình giao thông đi lại trên tuyến và khu vực để kịp thời phát hiện các bất cập, đề xuất phương án điều chỉnh tổ chức giao thông cho phù hợp.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đề nghị UBND quận Hoàn Kiếm, quận Long Biên, huyện Gia Lâm thông báo nội dung phương án khôi phục tổ chức giao thông đến người dân chính quyền địa phương khu vực 2 đầu cầu để hướng dẫn người dân lưu thông được an toàn, thuận lợi.
Thanh tra Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn phân luồng cho các phương tiện lưu thông theo phương án điều chỉnh tổ chức giao thông…
Để kịp thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đại diện Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông thành phố Hà Nội (Tramoc) cho hay, từ 15h ngày 13/9/2024, các đơn vị cũng đã cho vận hành lại 7 tuyến buýt qua cầu Đuống là tuyến 15, 17, 54, 42, 43, 59, 122.
5 tỉnh miền Bắc hoàn thành khôi phục lưới điện sau bão
Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, đến sáng 13/9, đã có 5 công ty điện lực thuộc EVNNPC hoàn thành việc khôi phục điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 gồm: Nam Định, Sơn La, Thanh Hoá, Hòa Bình, Hà Giang.
Trong toàn EVNNPC đã có hơn 5,6 triệu khách hàng được khôi phục điện trên tổng số hơn 5,9 triệu khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi và mưa lũ tại các tỉnh thành phía Bắc.
Các đơn vị trong EVNNPC cũng khôi phục được 152 đường dây 110kV, 85 trạm biến áp (TBA)110kV, 1.499 đường dây trung thế và 343 TBA cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng.
Mực nước tại các sông tại khu vực miền Bắc dâng cao, lũ vượt kỷ lục 65 năm qua đã gây ngập lụt tại 17 tỉnh, thành khu vực phía Bắc như Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Nam Định, Tuyên Quang...
Do ảnh hưởng của thiên tai, hệ thống lưới điện có thể gặp sự cố hoặc Điện lực chủ động ngừng cung cấp điện để bảo đảm an toàn cho khách hàng và nguười dân, vì vậy ngành Điện rất mong khách hàng thông cảm và chia sẻ. Hiện ngành Điện đã và đang ứng trực 24/24 với phương châm "4 tại chỗ", sẵn sàng nhân lực và vật tư thiết bị, nỗ lực cao nhất để sớm cấp điện trở lại an toàn, ổn định cho khách hàng.
EVNNPC đã và đang chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu CBCNV các đơn vị trực thuộc khi thi công, khắc phục, xử lý sự cố phải kiểm soát công tác trên lưới điện để bảo đảm an toàn lao động và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi khôi phục lưới điện, bảo đảm an toàn điện trong dân.