(Tổ Quốc) - Bệnh về thoái hóa nói chung và sa sút trí tuệ nói riêng đang thực sự trở thành một vấn đề đáng lưu tâm, trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam chưa có tổ chức nào về chăm sóc sa sút trí tuệ.
Ngày 2/7, Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng phối hợp với Liên đoàn quốc tế chăm sóc sa sút trí tuệ (IFDC) tổ chức Hội thảo “Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ”.
Hội thảo là bước chuẩn bị cho việc thành lập Chi hội chăm sóc sa sút trí tuệ tại Đà Nẵng, Việt Nam - thành viên thứ 6 của IFDC sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia và Philippines.
Hội thảo “Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ”. Ảnh: Đức Hoàng |
Với chủ đề về hội chứng sa sút trí tuệ - vấn đề sức khỏe cộng đồng của Việt Nam và thế giới, tình hình dịch tễ học chứng sa sút trí tuệ ở Việt Nam và thế giới, báo cáo về cơ chế hình thành và các phương pháp chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ, hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đại điện các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng cùng đông đảo giảng viên, sinh viên ngành Điều dưỡng ĐH Đông Á.
Trình bày tại hội thảo, ông Shige Shimoda - Tổng thư ký IFDC cho biết, các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gia tăng các người bệnh sa sút trí tuệ. Sự lão hóa của hệ thần kinh, đặc biệt là não có thể gây nên nhiều tình trạng bệnh lý trong đó có suy giảm nhận thức ở người cao tuổi.
Cùng chung nhận định, PGS.TS.BS Trần Thị Minh Diễm – Trưởng khoa Y ĐH Đông Á chia sẻ thêm, năm 2017, dân số Việt Nam là hơn 95 triệu, chính thức bước vào giai đoạn già hoá với người cao tuổi chiếm đến 10% dân số. Chính vì thế, các bệnh về thoái hóa nói chung và sa sút trí tuệ nói riêng đang thực sự trở thành một vấn đề đáng lưu tâm xét về mặt sức khỏe cộng đồng trong khi đó, hiện nay ở Việt Nam chưa có tổ chức nào về chăm sóc sa sút trí tuệ.
Viện dẫn bằng câu chuyện khá xúc động về sự quan tâm chăm sóc của các thành viên gia đình ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi của ông Yasu – một nhân vật người cao tuổi sa sút trí tuệ, ông Kazuya Katou – Viện trưởng viện giáo dục Nanakamado, Nhật Bản nhấn mạnh đến sự hiểu biết và chia sẻ, đặc biệt là năng lực chăm sóc người sa sút trí tuệ của đội ngũ điều dưỡng là rất cần thiết bên cạnh nỗ lực của gia đình.
Ông Shige Shimoda, Tổng thư ký IFDC: "Các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang đứng trước nguy cơ gia tăng các người bệnh sa sút trí tuệ". Ảnh: Đức Hoàng |
Cùng với việc thành lập Chi hội chăm sóc sa sút trí tuệ - nơi kết nối giữa Việt Nam với thế giới về vấn đề chăm số người bệnh sa sút trí tuệ, IFDC cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc biên soạn sách giáo khoa, tổ chức các Hội thảo quốc tế, tập huấn, đào tạo về chăm sóc sa sút trí tuệ...
Đặc biệt, Trường Đại học Đông Á sẽ kết hợp với IFDC đào tạo chuyên gia chăm sóc sa sút trí tuệ (DCE) và cấp chứng chỉ quốc tế. Các cá nhân có DCE sẽ được làm việc tại Nhật Bản theo chương trình đào tạo thực tập kỹ thuật, có thể làm việc tại Nhật Bản trong 5 năm và mở rộng đến 10 năm bên cạnh chương trình thực tập nghề nghiệp hưởng lương và làm việc chính thức tại các cơ sở điều dưỡng tại Nhật Bản dành cho SV ngành Điều dưỡng theo thỏa thuận giữa nhà trường và các đối tác triển khai từ 2016 đến nay.
Được biết, vào tháng 4/2019 tới, Hội thảo khoa học về Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ lần thứ 2 cũng sẽ được phối hợp tổ chức tại Đại học Đông Á với sự tham gia của tất cả các chi hội thành viên IFDC tại các nước.
Đức Hoàng