Du khách đến Hà Nôi không thể bỏ qua khu phố cổ với tên gọi chỉ là ước lệ nhưng đã đi vào tiềm thức người dân nơi đây “Hà Nội ba sáu phố phường”. Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc Việt, có sắc thái đặc trưng của một khu dân cư sản xuất chủ yếu là nghề thủ công truyền thống. Nơi đây diễn ra đồng thời nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày của cư dân đô thị như sinh sống, bán hàng sản xuất, lễ hội, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, tạo nên một sức sống mãnh liệt để khu phố cổ tồn tại vĩnh viễn và phát triển không ngừng.
Phố Hàng Mã tấp nập chiều 29 Tết Nguyên Đán 2017 - Ảnh: Thủy Bích
|
Cùng với những yếu tố nổi trội về lịch sử, khu Phố Cổ xứng đáng được xem như là một không gian, mà tại đó một thời đã thể hiện một dấu ấn không thể phai mờ về một cuộc sống đô thị khá toàn diện về kinh tế, xã hội, tập quán, truyền thống.
Có ở Hà Nội trong những ngày giáp Tết nguyên đán mới thấy được khu phố cổ Hà Nội trở nên tấp nập hơn hẳn ngày thường với dòng người đua nhau đi chơi và sắm sửa Tết. Hàng hóa bày bán tràn lan khiến những con đường càng thêm chật chội. Nhưng bên cạnh sự ồn ào, náo nhiệt đó vẫn phảng phất hình ảnh một Hà Nội thanh bình, lắng đọng.
Chợ hoa Hàng Lược - Ảnh: Bảo Trung
|
Năm nay, ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đặc biệt tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại nhiều địa điểm trong Phố cổ như đình Kim Ngân (42-44, Hàng Bạc), Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây), Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội 50 Đào Duy Từ), Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ (28 Hàng Buồm). Đây là những hoạt động ý nghĩa và thiết thực nhằm bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ về những giá trị tiêu biểu trong nét sinh hoạt tết truyền thống của người Hà Nội và các vùng ven đô.
Tại đình Kim Ngân sẽ diễn ra các hoạt động giới thiệu, trình diễn 3 dòng tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ và Kim Hoàng; trang trí sắp đặt không gian Tết truyền thống.
Hoạt động giới thiệu không gian đón Tết của một gia đình Hà Nội và một gia đình đồng bằng Bắc Bộ sẽ diễn ra lần lượt tại 2 địa điểm: Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây, phường Hàng Buồm) và Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm), với các hoạt động sắp đặt không gian đón tết xưa và giới thiệu ảnh Tết xưa của Viện Thông tin khoa học Xã hội Việt Nam.
Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây với không gian tết xưa Hà Nội - Ảnh: HNM
|
Được biết, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XIX và trùng tu lại năm 1998 trong khuôn khổ hợp hợp tác giữa thành phố Hà Nội và Thành phố Toulouse (Pháp). Hiện nay ngôi nhà trở thành điểm thông tin, tuyên truyền, giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội. Bỏ qua những ồn áo nào nhiệt bên ngoài khu phố, bước vào bên trong ngôi nhà không gian như lắng đọng trở về tết xưa Hà Nội, những bức tranh dân gian Đông Hồ với nhiều đề tài phong phú, màu sắc đẹp đẽ…toát lên vẻ tao nhã giàu chất nhân văn, thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đẹp của người Việt Nam nói chung, của người Hà Nội nói riêng. Dù thế nào ta cũng cảm nhận được vẻ bình yên trong dáng vẻ tấp nập của phố cổ Hà Nội những ngày giáp Tết.
Những hoạt động văn hóa mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ góp phần làm phong phú, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của người Hà Nội; đồng thời tăng sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Thủy Bích