(Tổ Quốc) - Sau hàng loạt ý kiến phản ánh về lỗi trong sách giáo khoa lớp 1 mới (SGK) bộ sách Cánh Diều, Bộ GDĐT đã yêu cầu Hội đồng thẩm định SGK và NXB, nhóm tác giả biên soạn SGK thực hiện chỉnh sửa, tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa rõ các Sở GDĐT đã có hướng dẫn cụ thể nào để các trường và giáo viên thực hiện?
Hoàn thành nội dung chỉnh sửa SGK Tiếng Việt lớp 1 trước ngày 15/11
Trong thời gian này, các phụ huynh có con đang học SGK Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều đang khá lo lắng bởi không biết các nội dung trong sách sẽ được chỉnh sửa cụ thể ra sao? Chị Thu Vân (có con đang học lớp 1 tại Hà Nội) lo ngại rằng, với thời gian chỉnh sửa gấp gáp như vậy liệu chất lượng sách có được đảm bảo hay không?
Về vấn đề này, Bộ GDĐT cho biết, SGK sẽ được điều chỉnh theo hướng chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để giáo viên có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với học sinh lớp 1 như bài "Cua, cò và đàn cá", "Hai con ngựa", "Lừa, thỏ và cọp", "Ve và gà", Quạ và chó", "Ước mơ của tảng đá"; thay thế một số từ ngữ khó hiểu, ít dùng như từ "nhá", "nom", "quà… quà", "chén", "tợp", "dưa đỏ", "khổ mỡ"…
Đồng thời, các tác giả sách khi chọn văn bản thay thế được yêu cầu không sử dụng truyện ngụ ngôn hoặc các đoạn/bài "đa nghĩa", nên lựa chọn đoạn/bài trong kho tàng Văn học Việt Nam.
Theo phương án chỉnh sửa, hiệu đính của NXB và các tác giả sách, các nội dung chỉnh sửa sẽ được gửi đến đến Hội đồng thẩm định để đánh giá. Nếu các nội dung chỉnh sửa được thẩm định "Đạt" thì sẽ báo cáo Bộ trưởng xem xét, phê duyệt. Thời hạn cuối để Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét phê duyệt nội dung chỉnh sửa là trước ngày 15/11/2020.
Sau khi những nội dung chỉnh sửa được thông qua, sẽ phát tới các học sinh đã mua và đang sử dụng SGK này. Toàn bộ kinh phí này sẽ do nhà xuất bản cuốn sách chi trả.
Bộ GDĐT chỉ đạo các sở GDĐT yêu cầu nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác
Trước những lo lắng của phụ huynh, đại diện Bộ GDĐT cho hay, để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng SGK trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GDĐT đã tập trung chỉ đạo các NXB, các tác giả viết SGK thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.
Chỉ đạo các Sở GDĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ học sinh và mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra trong tình huống này là tại sao cứ bắt buộc học sinh phải lệ thuộc 1 cuốn SGK của một bộ sách nào đó trong khi chương trình mới giao quyền chủ động cho giáo viên, nghĩa là giáo viên chủ động giới thiệu các cuốn SGK hoặc tài liệu học phù hợp nhất cho từng môn học để học sinh tự tìm đọc, tham khảo thêm để học.
Như vậy, trong trường hợp như thế này, phụ huynh có thể chọn SGK khác để cho con em mình học, miễn là đảm bảo theo đúng nội dung chương trình học trên lớp. Việc này cũng phù hợp với lộ trình thực hiện chương trình SGK mới đang triển khai từ năm học này.
Tuy nhiên, có vẻ như để thay đổi được thói quen dạy và học trước đây, Bộ GDĐT cần mạnh tay hơn nữa để dần thoát khỏi tư duy lệ thuộc SGK trong dạy và học.
Giáo viên chủ động dạy, học sinh chủ động học. Các cuốn SGK cũng phải được xây dựng chuẩn chỉnh hơn, theo đúng yêu cầu của chuẩn chương trình, đồng thời những sản phẩm chất lượng kém sẽ tự bị thải loại. Có như vậy thì học sinh mới được lựa chọn và học những cuốn SGK tốt nhất.