(Cinet) – Cùng với sách giấy, sách điện tử (E-book) đang góp phần phát triển văn hóa đọc.
Sách giấy và sách điện tử sẽ cùng đồng hành trong sự phát triển của văn hóa đọc |
(Cinet) – Sách điện tử (E-book) không gây ảnh hưởng đến văn hóa đọc như nhiều người đã lo ngại lâu nay, mà trái lại e-book đang góp phần phát triển văn hóa đọc.
Sự xuất hiện của sách điện tử (e-book) được đánh dấu bởi sự có mặt của các thiết bị điện tử cầm tay hiện đại như Ipad, GalaxyTab…khoảng 10 năm trước đây. Người đọc được biết đến và làm quen với một cách đọc hoàn toàn mới, đơn giản, gọn nhẹ đáp ứng nhu cầu của số đông kể cả những người bận rộn nhất. Nếu như với người đọc sự xuất hiện của e-book là một điều thú vị thì với ngành xuất bản đây là một con sóng lớn, khiến có khoảng thời gian chao đảo, tưởng như không thể vượt qua. Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia, tổ chức, nhà quản lý trong một thời gian dài đã lo lắng về việc e-book sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của văn hóa đọc cũng như thay đổi văn hóa đọc truyền thống…
Giống như nhiều quốc gia khác, ngành xuất bản Việt Nam đã gặp phải nhiều khó khăn khi e-book xuất hiện. Trong khoảng thời gian đó, đã có đến hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị được tổ chức để bàn về ảnh hưởng của sách điện tử đối với ngành xuất bản cũng như thay đổi hoặc làm ảnh hưởng văn hóa đọc. Tuy vậy sau vài năm tồn tại, trái với sự lo lắng của nhiều chuyên gia, sách điện tử không hề gây ảnh hưởng đến văn hóa đọc, cũng không ảnh hưởng nhiều đến ngành xuất bản mà còn đang góp phần phát triển văn hóa đọc của toàn xã hội. Ngành xuất bản cũng không vì sự xuất hiện của sách điện tử mà bị khai tử, thay vào đó lại mở ra thêm cách thức xuất bản mới.
Thay vì phải mang theo cả kệ sách, giờ đây những người bận rộn chỉ cần mang theo 1 cuốn sách điện tử. Sự tiện dụng, giá thành rẻ và dơn giản trong cách tiếp cận như vậy sẽ góp phần tăng lượng người đọc là điều tất yếu.. |
Theo thống kê của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon (“cha đẻ” của máy đọc sách Kindle), vào tháng 7/2010, cứ 100 cuốn sách in bán ra thì có 143 cuốn sách điện tử bán ra tương ứng. Cùng đó, lượng thiết bị đọc sách điện tử bán ra trên phạm vi toàn cầu trong năm 2010 đã tăng 79,8% so với năm 2009. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới của Thư viện Quốc gia thì ngày càng có nhiều yêu cầu của bạn đọc về sách điện tử, con số này tăng dần theo từng năm. Từ năm 2010 đến nay, Việt nam đã liên tục đứng trong top 20 quốc gia có số lượng người dùng internet lớn nhất thế giới với tỷ lệ hơn 30% dân số. Theo thống kê của Trung tâm Internet quốc tế, Việt Nam xếp thứ 18 trên 20 quốc gia có số người dùng Internet lớn nhất thế giới trong quý I năm 2012. Bởi sự phát triển internet lớn như vậy, xu hướng đọc tại Việt nam bị thay đổi cũng là điều dễ hiểu.
Ngày hôm nay, nhìn vào xu hướng chung của thế giới và cả thực trạng tại Việt Nam sẽ rõ một vấn đề: đó là sự ra đời sách điện tử không hề làm mất đi văn hóa đọc mà thậm chí bởi sự tiện dụng, sách điện tử còn làm tăng thêm số lượng người đọc. Tại buổi Tọa đàm “E-book – Chân trời mới cho ngành xuất bản” được tổ chức tại Hà Nội ngày 23/10 vừa qua, nhiều chuyên gia cũng đã đồng tình với ý kiến trên.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần sách Thái Hà: Sự tồn tại song song giữa sách điện tử và sách giấy sẽ mở ra hướng phát triển mới cho ngành xuất bản, cũng như góp phần phát triển văn hoa đọc.
Trong khi đó, Đại sứ Italy tại Việt Nam – ông Lorenzo Angeloni cho rằng: Không như các chuyên gia đã lo lắng lâu nay, sách điện tử sẽ không thể thay thế sách giấy, người ta cũng sẽ không lãng quên sách giấy mà sẽ tìm về với sách giấy sau khi sử dụng sách điện tử. Cũng giống như âm nhạc, sau một thời gian tiếp cận các hình thức nghe hiện đại, người ta thích thú tìm lại những đĩa nhạc cổ điển. Đại sứ Italy còn cho biết thêm: hiện nay, sách điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tại quê hương ông. Mặc dù chưa phát triển mạnh mẽ như ở Anh, Mỹ… nhưng loại sách này cũng đã chiếm 20% thị phần sách Italy, trong đó nhóm tuổi 20 - 25 là đối tượng đọc sách điện tử nhiều nhất. Cho đến nay, ở Italy vẫn đang tiếp diễn cuộc tranh luận chưa có hồi kết về sự tồn tại của sách giấy và sách điện tử cũng như tương lai của ngành xuất bản. Trường phái dựa vào lựa chọn của giới trẻ cho rằng, chỉ vài năm nữa, sách điện tử sẽ thống lĩnh thị trường xuất bản, xóa bỏ sách giấy. Trường phái thứ 2 lại bảo vệ quan điểm mặc dù sách điện tử sẽ tồn tại và phát triển nhưng sách giấy không bao giờ bị thay thế và vẫn có chỗ đứng vững chắc. Đại sứ cũng bày tỏ quan điểm cá nhân của ông tại hội thảo: Sở dĩ sách điện tử ngày càng phổ biến và trở thành xu thế bởi sự tiện dụng và tốc độ. Người đọc không mất quá nhiều thời gian để sở hữu và đọc một cuốn sách trên máy tính bảng hay trên điện thoại thông minh. Đặc biệt, sự ra đời của sách điện tử đã mở ra xu hướng phát triển mới trong lĩnh vực xuất bản. Các nhà văn, nhà thơ, tác giả có thể tự xuất bản tác phẩm của mình qua internet. Sự tiện dụng của sách điện tử cũng làm tăng số lượng người đọc, như vậy sự xuất hiện của sách điện tử là điều tốt chứ không đáng lo ngại.
Đại sứ Italy tại Việt Nam - Ông Lorenzo Angeloni và Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi tọa đàm E-Book: Chân trời mới cho ngành xuất bản diễn ra tại Hà Nội ngày 23/10 |
Ổng Trần Trọng Thành – Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Vinapo đưa ra nhận định: Trong bối cảnh ngành xuất bản Việt Nam đang đối mặt với khó khăn về giá nguyên liệu tăng, sách lậu tràn lan, vi phạm bản quyền… thì phát triển sách điện tử hoàn toàn phù hợp.
Là người hoạt động trong lĩnh vực xuất bản nhiều năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: sự phát triển của ebook là xu thế tất yếu của ngành xuất bản trong thế kỷ XXI. Hiện nay, sách điện tử ở Việt Nam cũng ngày càng trở nên thân thuộc, đặc biệt với giới trẻ, bởi tính tiện dụng của nó. Sách điện tử được yêu thích bởi bạn đọc có thể dễ dàng mua ebook có bản quyền ở Reader.vn, Alezaa.com, Anybook.vn… với giá thành thấp hơn nhiều so với sách giấy. Bên cạnh đó, loại sách này còn có ưu điểm gọn nhẹ, chỉ với thiết bị điện tử, người đọc có thể sở hữu nhiều cuốn sách và đọc sách ở bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào. Đặc điểm nổi bật của ebook là tính tương tác, không đơn thuần là người đọc sách, độc giả còn có thể tham gia trao đổi thông tin với tác giả, với bạn bè và với nhiều người khác thông qua các trang mạng xã hội. Mặc dù vậy, Tiến sĩ Hùng cũng khẳng định: sách giấy và sách điện tử sẽ không có cái nào biến mất, mà đều là phương tiện không thể thiếu để truyền bá thông tin, kiến thức. Đối tượng bạn đọc trẻ không có nhiều thời gian và điều kiện để đọc sách giấy thì có thể tìm đến sách điện tử. Ngược lại, những người trung niên lại cảm thấy thú vị hơn khi đọc sách in truyền thống, để được tận hưởng cảm giác thú vị khi lật từng trang sách còn nguyên mùi mực và mùi giấy. Do vậy, sách điện tử và sách giấy sẽ song hành phát triển, hướng tới mục tiêu đưa nhiều cuốn sách hay đến với bạn đọc và góp phần nâng cao văn hóa đọc trong xã hội.
NLH