(Tổ Quốc) - Chuẩn bị đón chào năm 2018, hòa nhịp cùng các hoạt động văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối năm, nhà văn Từ Kế Tường cũng háo hức để chờ tới ngày những đứa con “lưu lạc” tình cờ tìm lại được sau gần 40 năm, được giới thiệu tới độc giả.
Nhà văn Từ Kế Tường dành cho báo điện tử Tổ Quốc bài phỏng vấn nhân dịp này.
- Thưa nhà văn Từ Kế Tường, nhà văn có thể chia sẻ về những tác phẩm mới của ông với độc giả?
- Đây là loạt sách đầu tiên trong kế hoạch in toàn bộ tác phẩm của Từ Kế Tường mà tôi đã trao đổi với Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn hóa- Văn nghệ Đinh Phương Thảo. Hai bên đã thống nhất về quan điểm, kế hoạch thực hiện, mỗi đợt 3 cuốn mang cùng chủ đề. Lần này là 3 cuốn truyện dài viết cho Tuổi mới lớn, tuổi của tháng năm đẹp nhất đời người mà ai cũng từng sống, trải qua và rồi đến một lúc sẽ hồi tưởng, hoài niệm về nó. Vì đã là con người, dù đi đâu, về đâu, làm gì, tới một tuổi nào đó thì vẫn nhớ về kỷ niệm, bởi kỷ niệm là dấu ấn đậm nét nhất của đời người, kỷ niệm dù buồn hay vui đều rất đẹp, khó quên, khó phai mờ.
Cả 3 tác phẩm ra mắt độc giả lần này là 3 truyện dài khá đầy đặn tôi viết trong khoảng thời gian từ 1972-1974: Mối tình như sương khói, Còn những bóng mưa tan, Áo tím qua đường. Cuốn Mối tình như sương khói hầu như viết về Đà Lạt, bối cảnh Đà Lạt, con người Đà Lạt xoay quanh tình yêu của cô nữ sinh cấp III học trường Bùi Thị Xuân, ngôi trường nữ trung học nổi tiếng ở Đà Lạt với một chàng trai Sài Gòn. Mối tình thật đẹp, lãng mạn, nhưng không thành, nó cũng giống như sương khói Đà Lạt.
Cuốn Còn những bóng mưa tan viết về một thiếu niên nhiều mơ mộng, cá tính, sống với người chị trong ngôi nhà trọ của người bà con ở thành phố nhộn nhịp, cuốn hút. Hai chị em có hoàn cảnh không may, cha mẹ ly dị, họ thương nhau và đùm bọc nhau để vượt qua hoàn cảnh éo le, khắc nghiệt để vươn lên. Câu chuyện xoay quanh ngôi nhà, khu vườn và những người bạn nhỏ, họ ở lứa tuổi dậy thì, nhiều phức tạp, hay giận hờn, nhưng tốt bụng và hiền lành. Mỗi người là một cá tính riêng, nhưng có điểm chung là tình bạn ở tuổi mới lớn. Và vì thế nên dù có hiểu lầm, xung đột tình cảm, nhưng cuối cùng họ vẫn có những năm tháng đẹp, và kỷ niệm luôn ấm áp, khó phai khi mùa mưa tới.
Cuốn Áo tím qua đường lại là câu chuyện của hai cô bạn gái học cùng lớp, hai người có hai hoàn cảnh khác nhau, bản tính khác nhau nhưng lại rất thân nhau. Rồi hai cô gái tới tuổi yêu đương với tình yêu của tuổi mới lớn, họ yêu theo cách của mình, quan điểm của mình nhưng lại thường tâm sự, chia sẻ buồn vui về người bạn trai, chia sẻ những ước mơ sau khi ra trường… và cả hai đều rất thương màu tím, thích mặc áo dài tím thậm chí thích cả bài hát “Ngàn thu áo tím”. Nhưng bao giờ cũng vậy, quy luật cuộc sống không ai muốn mà được, thích mà có. Người may mắn, kẻ có số phận nghiệt ngã, tình yêu của họ cũng thế. Người tìm được hạnh phúc, kẻ phải chia tay với người yêu và đó là hình bóng của cô gái vừa hát bài “Ngàn thu áo tím” bước qua đường khi chia tay với mối tình thơ mộng, u buồn vào những ngày mưa đã thành mùa mưa của kỷ niệm.
- Vậy những cuốn sách này có nối tiếp mạch viết của những cuốn trước?
- Đây là 3 tác phẩm trước năm 1975 từng là sách best seler của Từ Kế Tường với số lượng in rất lớn nhưng chưa kịp tái bản. Sau năm 1975 do hoàn cảnh lúc đó nên 3 tác phẩm cũng không có trên thị trường, thuộc vào loại sách hiếm, do không còn lưu giữ được sách gốc và bản thảo nên cả 3 truyện dài này có thể nói là “lưu lạc giang hồ” dù tác giả cố công tìm kiếm để in lại nhưng không thể. Mãi thời gian gần đây, nhờ tác giả “rao” trên facebook nên có bạn trên facebook còn lưu giữ đánh tiếng cho tác giả mượn lại để nhập liệu đưa vào kế hoạch in. Do đó dù là sách tái bản nhưng coi như sách in mới hoàn toàn. Cũng có hể nói đây là 3 truyện dài Từ Kế Tường viết theo mạch của loạt sách dành cho tuổi mới lớn trước năm 1975 như những Huyền xưa, Mùa áo vàng, Đường phượng bay…
- Như vậy thì đối tượng độc giả của những cuốn sách này có thể mở rộng hơn không?
- Về đối tượng của sách như đã nói ở phần trên, tuy viết cho tuổi mới lớn có thể được hiểu là lứa tuổi cấp 2, cấp 3, và sinh viên. Nhưng đối tượng không chỉ ở lứa tuổi mới lớn mà mở rộng tới lứa tuổi đã lớn, trung niên thậm chí lứa tuổi đã già cũng đọc được vì ai cũng từng trải qua thời mới lớn, tuổi của tháng năm đẹp nhất đời người, nó là những tháng năm của kỷ niệm, hồi tưởng, nhớ về, và tình yêu của tuổi mới lớn bao giờ cũng có mẫu số chung, đẹp, lãng mạn và ai cũng có những khoảnh khắc sống lại một cách ngậm ngùi bằng nhiều cảm nhận, nhiều cung bậc khác nhau. Những khoảnh khắc này không phân biệt độ tuổi, giới tính và vùng miền. Tình yêu tuổi mới lớn thời nào cũng thế. Ở đâu cũng thế.
- Được biết sự kiện ra mắt ba tác phẩm này sẽ tổ chức vào một ngày cuối năm 2017. Tại sao nhà văn lại chọn thời điểm này để ra mắt sách?
- Tác giả không cố ý chọn thời điểm để ra mắt sách, nó gần như ngẫu nhiên, trùng hợp với việc tìm lại được tác phẩm, nhập liệu, làm các thủ tục pháp lý để in ấn và phát hành. Khi tác phẩm in xong cũng là dịp cuối năm, chỉ còn chọn một ngày cuối tháng 12/2017 để tổ chức sự kiện ra mắt sách ở Đường sách. Tôi đề nghị Nhà Xuất bản Văn hóa- Văn nghệ chọn ngày 30/12, ngày này là sắp hết năm cũ, bước qua năm mới 2018, theo tôi là một thời điểm đẹp, ý nghĩa để độc giả mua bộ 3 cuốn sách làm quà tặng bạn bè, người thân, người yêu, người đang yêu và chuẩn bị bước tới tình yêu. Món quà này không bằng vàng bạc, nữ trang nhưng lại là món quà có ý nghĩa, nó có thể là tâm sự hoặc tâm trạng của bất cứ ai thậm chí là ước mong gửi gắm trái tim của mình cho ai đó mà mình yêu thương để “thay lời muốn nói”.
Sách là một món quà văn hóa, thay cho thiệp mừng năm mới, thay cho cả cõi lòng, trái tim năm mới dành cho người mình yêu thương. Tại sao không? Còn nếu nói có sự chọn lựa nơi chốn để ra mắt tác phẩm thì điều này với tôi là có. Sau nhiều lần cân nhắc tôi đã chọn Nhà Xuất bản Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM để gửi gắm “3 đứa con” của mình ở một thời điểm quan trọng đối với tác giả khi đưa sách trở lại thị trường. Và tôi đã chọn đúng, NXB Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM đã có sự hợp tác ưng ý, năng động, sáng tạo với ê-kíp nhiệt tình đáng quý ở tất cả các khâu, bộ phận mà tôi rất thích, rất hài lòng.
- Từng là nhà văn, thêm vào đó lại là một nhà báo, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về độc giả thời nay?
- Nếu so sánh độc giả của sách tôi trước năm 1975 và bây giờ tất nhiên là có sự khác biệt. Trước năm 1975 ít phương tiện giải trí hơn, không có Internet, mạng xã hội, tuổi mới lớn lúc đó rất yêu văn chương, sách là phương tiện giải trí gối đầu giường thậm chí mang vào lớp học, lén thầy cô mở ra đọc. Độc giả lúc đó nhịn ăn quà sáng để dành tiền mua sách, háo hức chờ sách ra để mua được sớm nhất. Văn hóa đọc thời đó ở đỉnh cao. Nhưng bây giờ tôi vẫn tin các bạn trẻ đang và sẽ trở về với “ngày xưa”, gu thưởng thức “ngày xưa” với những tác phẩm văn chương lành mạnh, tình cảm lãng mạn phù hợp với lứa tuổi của mình. Phương tiện Internet, mạng xã hội cho người ta một không gian rộng lớn hơn, một không gian ảo, dễ tiếp cận với những thứ giải trí ảo, xơ cứng, thậm chí bạo lực và độc hại. Điều này giống như ở chợ, ngoài xã hội tràn lan trái cây chích hoá chất, ngâm thuốc bảo quản… Người ta sẽ thấy sự nguy hiểm và chuyển biến tâm lý về thú đọc sách, nhu cầu đọc sách, đón nhận những tác phẩm văn chương lành mạnh để bảo vệ tâm hồn mình, trái tim thơ dại của mình khỏi những độc hại, những ung thư tinh thần. Tôi tin là thế.
- Và cuối cùng, nhà văn Từ Kế Tường muốn dành những gì cho độc giả thân yêu nhân dịp năm mới 2018?
- Tôi hy vọng đợt đầu 3 tác phẩm ra mắt lần này ngay dịp cuối năm 2017, trước thềm năm mới 2018 sẽ là món quà tặng nhiều ý nghĩa cho các bạn trẻ và độc giả nhiều thế hệ của mình. Nếu tính từ 1997 khi sách của Từ Kế Tường in mới và tái bản ồ ạt, một tháng 4-5 tựa sách tới thời điểm cuối năm 2017 là khoảng cách 20 năm vắng bóng tác phẩm của Từ Kế Tường thì bước qua năm 2018 sách của Từ Kế Tường sẽ ra đều đặn hơn, theo như kế hoạch của NXB Văn hóa-Văn nghệ TP.HCM thì mỗi đợt 3 cuốn, có nghĩa bình quân mỗi quý ra mắt 3 tác phẩm. Nếu độc giả nhiều thế hệ và nhất là độc giả trẻ tuổi hôm nay đón nhận tác phẩm Từ Kế Tường như là một món ăn tinh thần, một người bạn lúc nào cũng có trong cặp sách, trên bàn học… thì đó là món quà của cả đời tôi dành tặng cho họ bắt đầu từ năm 2018 đến mãi về sau này. Vì tôi còn tới gần 200 tác phẩm cả cũ lẫn mới, có những tác phẩm viết sau năm 1975 in chưa hết, và những tác phẩm viết gần đây, còn đang dở dang...
* Xin cảm ơn nhà văn!
Đoàn Khánh (thực hiện)
Nhà văn Từ Kế Tường
Tên thật là Võ Tấn Tước, sinh ngày 02/3/1946, quê quán tại xã Phú Vang, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ông sống ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Từ năm 1969 ông đã bắt đầu viết văn, làm báo. Tính đến năm 1975, ông đã xuất bản nhiều sách gồm thơ, tập truyện ngắn, tiểu thuyết, trong đó có các sách viết cho thiếu niên và nhi đồng. Tháng 5/1975, Từ Kế Tường gia nhập Hội Văn nghệ Giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Từ năm 1979-1986 ông làm việc trong ngành Văn hóa thông tin; từ năm 1986-2003 là Thư ký tòa soạn báo Công an Tp. Hồ Chí Minh. Hiện nay, ông làm việc tại tuần báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Từ Kế Tường là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông còn có bút danh khác là Phan Tường Niệm.
Độc giả yêu mến nhà văn Từ Kế Tường và những tác phẩm của ông sẽ có dịp giao lưu cùng nhà văn vào lúc 9g ngày 30/12 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, Tp. Hồ Chí Minh.
Trong buổi giao lưu, nhà văn cũng sẽ cho ra mắt bộ 3 truyện dài Áo tím qua đường, Mối tình như sương khói và Còn những bóng mưa tan do Nhà Xuất bản Văn hóa- Văn nghệ TP.HCM ấn hành.
Buổi giao lưu do nhà báo, nhà thơ Lê Minh Quốc dẫn chương trình, có sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, họa sĩ, bạn bè thân thiết của nhà văn Từ Kế Tường và khách mời đặc biệt là nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển với ca khúc Nhánh lan rừng đã làm nên tên tuổi của anh.
Chương trình cũng sẽ hấp dẫn độc giả với một số nội dung đặc biệt như tác giả- nhà văn Từ Kế Tường đọc tặng độc giả 3 bài thơ liên quan tới 3 tác phẩm ra mắt lần này; phần giới thiệu về hoàn cảnh ra đời, số phận của 3 tác phẩm, cơ duyên tìm lại được bản in gốc trước năm 1975 và cảm nhận của ông với số phận những đứa con tinh thần của mình sau 40 năm mới tái bản...